Anh Trịnh Toàn, một nông dân làm rẫy ở Kim Châu, Đăk Lăk, cho biết việc dùng mạng Internet tại nơi anh ở rất khó khăn do xa trung tâm, không có nhà cung cấp mạng nào cho đăng ký dịch vụ tại đây. “Họ nói chi phí đầu tư hạ tầng, kéo dây đến xã tôi ở rất lớn trong khi người sử dụng lại ít nên không làm”, anh Toàn nói.
Người dân ở đây vì vậy chủ yếu sử dụng Internet thông qua kết nối mạng di động. Bù lại cho việc hạ tầng cáp mạng không có, độ phủ sóng 3G ở đây khá tốt, nhiều khu vực có cả mạng 4G. Các nhà mạng cũng có gói cước sử dụng data dành riêng cho người dân Tây Nguyên với giá khá rẻ, chỉ 50.000 đồng cho 100 GB lưu lượng mỗi tháng.
Để tiết kiệm chi phí, anh Toàn sử dụng USB 3G để phát Wi-Fi cho cả gia đình. Thiết bị anh dùng là loại cũ, rẻ nhất có thể mua được ngoài cửa hàng với giá hơn 300.000 đồng. Tuy nhiên, do bật liên tục 24/24, chiếc USB 3G này bị quá nóng, dùng một thời gian bị rớt mạng, phải cho “nghỉ” trước khi sử dụng tiếp.
Anh Toàn chế thêm bộ tản nhiệt, kích sóng cho chiếc USB 3G bằng các linh kiện tận dụng từ những món đồ cũ. Tấm nhôm tản nhiệt được lấy từ một chiếc TV cũ, động cơ nhỏ cho quạt sử dụng lại từ mô-tơ rung của điện thoại hỏng, cánh được lấy từ máy bay đồ chơi. Sản phẩm còn được hàn thêm một đoạn dây đồng để làm ăng-ten, tăng khả năng thu phát sóng.
Theo anh Toàn, quá trình thực hiện chỉ mất một tiếng nhưng hiệu quả rõ rệt. Thiết bị không còn bị nóng, sử dụng được liên tục mà không bị rớt mạng. “Không đủ tiền sắm các bộ phát 4G giá vài triệu đồng thì đây là cách rất hiệu quả, dễ làm. Tôi rất hài lòng với sản phẩm của mình”, anh Toàn nói. Chàng nông dân Đăk Lăk cũng cho biết anh tự mày mò, tìm hiểu cách làm, đặt vị trí tản nhiệt phù hợp qua mạng Internet.
Trong một nhóm về công nghệ trên Facebook, một thành viên tên Nguyen Dung bình luận: “Cách làm đơn giản nhưng hiệu quả đấy chứ. Tấm nhôm kia thừa đủ tản nhiệt rồi, chỉ là hơi mất thời gian để hàn dây đồng chút thôi”. “Đúng là cái khó ló cái khôn, mình từng đi công tác huyện miền núi 3 tháng, dùng Internet với cái USB 3G đến khổ mà không nghĩ ra cách này”, một người dùng khác nhận xét.
Hoài Anh