Trang chủ Tin Tức Chia sẻ bí kíp gọi vốn cho startup Việt

Chia sẻ bí kíp gọi vốn cho startup Việt

798
Startup tốt vẫn không gọi được vốn
Đó là nghịch lý được bà Thạch Lê Anh, đồng sáng lập Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam và Vietnam Silicon Valley nêu ra tại diễn đàn kết nối startup Việt trong và ngoài nước.
Theo số liệu năm 2016, tổng số vốn đầu tư cho các startup Việt Nam chỉ đạt 100 triệu USD. Con số này chưa đạt được 7% trong số 1.5 tỷ USD mà các startup khu vực Đông Nam Á tiếp cận được. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hoặc có đại diện tại Việt Nam cũng hết sức ít ỏi.
Bà Thạch Lê Anh chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn.

Bà Lê Anh khẳng định. “Điều này dẫn đến việc các startup dù tốt nhưng không thể tìm được vốn đầu tư.”
Điều này cũng được các startup khẳng định. Phạm Tiến Mạnh, sinh viên năm 4 của ĐH Bách Khoa TP.HCM đang chuẩn bị những bước cuối cùng trước khi cho ra đời startup của mình. Tuy nhiên phần lớn nguồn vốn Mạnh huy động được là từ gia đình.
“Việc tiếp cận, huy động vốn từ các nhà đầu tư với đối tượng sinh viên khởi nghiệp như em thực sự vẫn rất khó khăn. Họ không mấy quan tâm những dự án của bọn em và bọn em phải bỏ công tiếp cận rất nhiều lần”, Mạnh chia sẻ về quá trình gọi vốn của mình.
Với những doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động, điều này cũng không hề đơn giản.
Sản phẩm nhang ngải cứu của ông Hà Văn Lộc là đã được khẳng định qua quyết định hỗ trợ từ chương trình SpeedUp của Sở KHCN TP.HCM. Nhưng ông Lộc cho biết doanh nghiệp của ông vẫn rất khó gọi vốn.
“Với các nhà đầu tư trong nước thì chúng tôi gặp khó khăn về vấn đề định giá công nghệ. Còn các nhà đầu tư nước ngoài lại đưa ra yêu cầu rất cao về kết quả kinh doanh thực tế.”, ông Lộc cho biết.
Không chỉ khiến cho các startup Việt khó khăn, việc thiếu cơ hội gọi vốn hấp dẫn còn dẫn đến việc nhiều startup tiềm năng của Việt Nam phải “dứt áo ra đi” hoặc khai sinh nơi ngoại quốc.
Cần chiến lược tốt để gọi vốn thành công
Nói về vấn đề này, ông Gibs Song, cố vấn của quỹ đầu tư Big Basin Capital cho rằng có nhiều nguồn vốn đầu tư mà startup có thể tiếp cận như các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần… Tuy nhiên, để huy động vốn đầu tư thành công thì các startup cần có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguồn vốn mà startup có thể tiếp cận. Nhưng các startup sẽ cần có chiến lược, cách thức gọi vốn phù hợp.
Điều đầu tiên các startup phải biết mình biết người để có chiến lược, lựa chọn gọi vốn phù hợp. Với các quỹ đầu tư mạo hiểm, họ thực hiện rất nhiều phi vụ đầu tư nhưng tiền đầu tư không thực sự của họ nên các quỹ này thường cẩn trọng khi quyết định rót vốn. Họ cũng thường lựa chọn những doanh nghiệp khởi nghiệp đã có quy mô tương đối lớn (từ 500 nghìn USD trở lên) và đòi hỏi tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vậy, khi gọi vốn từ nguồn này các startup phải chứng tỏ được khả năng thành công dựa trên các số liệu, kế hoạch cụ thể.
Trong khi đó, các nhà đầu tư thiên thần sử dụng chính tiền của họ và thường thiên về cảm xúc, trực quan khi ra quyết định. Để thuyết phục được những nhà đầu tư này, startup cần phải thể hiện được dấu ấn, tầm nhìn của mình một cách ấn tượng.
Đồng thời, ông Gibs Song cũng khuyên các startup cần đưa ra sản phẩm của mình sớm nhất có thể bởi theo ông “ý tưởng thôi là chưa đủ, vấn đề là nó phải được thực hiện.”
Ngoài các nguồn vốn kể trên, có nhiều nguồn vốn khác mà các startup có thể tiếp cận dễ dàng hơn nhiều. Một trong số đó là các nguồn đầu tư từ các chương trình của chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế.
Nói về cơ hội này cho startup, ông Shlomo Nimrodi, Giám đốc điều hành Ramot, ĐH Tel Aviv (Israel) lấy ví dụ: “Vấn đề kháng kháng sinh là vấn đề hết sức nghiêm trọng ở mức độ toàn cầu. Liên hiệp quốc đang sẵn sàng tài trợ cho các dự án giải quyết vấn đề này. Đây là một ví dụ cho thấy các startup có thể khai thác cơ hội đến từ những vấn đề đang tồn tại.”.