Trang chủ Tin Tức Chiếc smartphone “hoàn hảo”: Bao lâu nữa thì có?

Chiếc smartphone “hoàn hảo”: Bao lâu nữa thì có?

772
Sự xuất hiện của chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007 đã tạo ra một làn sóng đổi mới, biến đổi hoàn toàn các thiết bị trong túi chúng ta. Nhờ sự kết hợp giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng sản xuất điện thoại lớn nhất hành tinh và sự ra đời đều đặn của các công nghệ mới, thế giới smartphone hiện nay đã rất khác so với chính nó vào 5 năm trước, chứ chưa nói đến tận 11 năm.
Ba năm sau iPhone, Samsung giới thiệu chiếc smartphone cao cấp của mình, và kể từ đó, chúng ta thấy nhiều “tay chơi” tham gia cuộc đua, bao gồm LG, Sony, HTC, Huawei và OnePlus. Chúng ta còn đau đớn chứng kiến sự sụp đổ và tái sinh của BlackBerry và Nokia.
Dù nhiều tính năng mới được giới thiệu như công nghệ bảo mật, màn hình lớn hơn và tốt hơn, công nghệ xử lý cao cấp, camera ấn tượng, và thời lượng pin ngày một cải thiện, chúng ta vẫn thường nghe rằng cải tiến trên smartphone đã đến giới hạn – nhưng dù nhịp độ cải tiến có lẽ đã chậm lại, còn rất lâu nữa nó mới kết thúc.
Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007
Những chiếc điện thoại mới trong những năm gần đây ngày càng nhận được nhiều cải thiện nhỏ về mặt tính năng, và hoàn thiện dần những công nghệ đã tồn tại. Ví dụ, sức mạnh xử lý hiện đang tăng dần đều, trong khi vào năm ngoái, chúng ta được chứng kiến sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo để giúp smartphone thông minh hơn bao giờ hết.
Một xu hướng khác là các hãng sản xuất bắt đầu tung ra các điện thoại toàn màn hình mà không làm tăng kích thước của thiết bị. Bằng cách làm giảm viền máy và đặt các cảm biến quan trọng vào một vùng khoét (notch) trên đỉnh màn hình, các công ty như Apple với chiếc iPhone X đã có thể làm màn hình máy to hơn mà kích thước tổng thể của thiết bị hầu như không thay đổi.
Dù một số tính năng nói trên chắc chắn khá thú vị, chúng lại không phải là những cải tiến mang tính đột phá. Có phải chúng ta sắp tiến gần đến đỉnh cao của smartphone? Có phải cải tiến trên điện thoại sắp chấm dứt, hay chúng ta chỉ đang chững lại trước khi nhịp độ tăng lên lần nữa? Liệu chúng ta có bao giờ được thấy một chiêc smartphone hoàn hảo hay không?
Alex Newson tại Bảo tàng Thiết kế ở London cho biết: “Nếu bạn cho rằng một thứ là hoàn hảo, bạn sẽ không tìm cách để cải tiến nó nữa… và tôi nghĩ bạn lúc nào cũng nên thách thức công việc của mình (và của người khác) để cải thiện chúng xa hơn”.
Chiếc điện thoại gập đầu tiên sẽ do hãng nào sản xuất?
Không ai biết chắc bước đột phá tiếp theo trên điện thoại sẽ là gì, nhưng có một số nâng cấp ấn tượng mà chúng ta sẽ được chứng kiến trên một vài thế hệ thiết bị sắp tới.
Hai công nghệ mới trong số đó đã gần sẵn sàng để tung ra thị trường. Đầu tiên là công nghệ màn hình gập, có lẽ sẽ được trang bị cho điện thoại trước tiên.
Nếu không gặp vấn đề gì, công nghệ này sẽ cho phép một chiếc điện thoại có thể gập lại để chiếm ít không gian hơn trong túi xách hay túi quần của bạn. Ví dụ, bạn có thể gập nó lại và cho vào túi quần, dù chiếc điện thoại này có màn hình lớn đến 10-inch như một chiếc tablet vậy.
Điện thoại gập HubblePhone của Turing, dự kiến sẽ được sản xuất vào năm 2019
Samsung, LG và Huawei là những hãng được cho là đang phát triển các thiết bị như vậy ngay lúc này, và mỗi hãng lại có các giải pháp của riêng mình để vượt qua vấn đề liên quan đến việc tạo ra một màn hình có thể bẻ cong được.
Samsung được kỳ vọng sẽ là hãng đầu tiên tung ra chiếc Galaxy X vốn được đồn đại khá nhiều, và có lẽ sẽ giới thiệu nó tại CES 2019. Dù đây có thể không phải là một thiết bị flagship của hãng (mà là Galaxy S10), nó sẽ là một bước nhảy lớn về phía trước đối với công nghệ điện thoại.
Cuộc đua 5G
Công nghệ thứ hai mà chúng ta sẽ được thấy trên điện thoại trong thời gian tới là kết nối 5G. Bạn có nhớ cú nhảy vọt về tốc độ khi chuyển từ 3G lên 4G không? Cú nhảy từ 4G lên 5G sẽ còn “kinh khủng” hơn nhiều.
Công nghệ di động thế hệ tiếp theo này sẽ cho phép bạn chơi các nội dung 4K mà không cần Wi-Fi, stream game trực tiếp đến điện thoại và hơn thế nữa. 5G sẽ chưa xuất hiện trên điện thoại ngay được, nhưng nó đang được tích cực phát triển và sẽ thay đổi cách chúng ta sử dụng các thiết bị một khi ra mắt.
Câu hỏi về sự hoàn hảo
Vậy còn chiếc điện thoại hoàn hảo thì sao? Sự thật là, “hoàn hảo” khá khó định nghĩa khi xét trong bối cảnh hiện tại. Mỗi người khác nhau muốn những tính năng khác nhau, do đó không phải mọi người đều đồng ý về một thiết bị lý tưởng chung chung. Đó là một phần lý do tại sao chúng ta bắt đầu thấy những chiếc điện thoại chuyên dụng như Razer Phone – chuyên chơi game, hay Sony Xperia XZ2 Premium được tối ưu cho những người muốn xem video 4K.
Razer Phone – chiếc điện thoại “dành cho game thủ”
Tìm ra cách để làm ra một chiếc điện thoại phù hợp với mọi người là một thách thức mà các hãng sản xuất đã phải đánh vật kể từ thời feature phone vẫn còn ở trên đỉnh thế giới.
Có lẽ ví dụ phổ biến nhất là Motorola và một sản phẩm mà hãng bắt đầu phát triển vào năm 2013. Dự án Ara, sau đó được Google mua lại, được lập ra nhằm phát triển một chiếc điện thoại mô-đun mà bạn có thể tự lắp ráp cho phù hợp với nhu cầu.
Dự án Ara của Google
Dự án Ara – mà nếu thành công – sẽ tạo ra một thiết bị khởi đầu gọi là Endos, về cơ bản là một bộ khung máy, bạn có thể thêm các tính năng mình muốn bằng cách mua các mô-đun bổ sung và gắn chúng vào đó. Bạn sẽ cần một bộ các mô-đun cơ bản để làm chiếc điện thoại hoạt động, nhưng bạn có thể thêm các mô-đun phụ trợ hoặc các công nghệ mới sau này để cá nhân hóa thiết bị.
Bạn muốn một camera cao cấp siêu mạnh mẽ và không quan tâm liệu nó có trồi ra hay không? Bạn có thể mua một mô-đun như vậy. Bạn hứng thú hơn với pin lớn có thể trụ vững trong 2 ngày? Dễ ợt, chỉ cần đặt hàng trực tuyến, bạn sẽ có một viên pin dày hơn thông thường với các thông số như ý muốn.
Tuy nhiên dự án Ara lại không thành hiện thực: nó bị hủy bỏ vào năm 2016. Dù vậy, Motorola đã kịp mang thiết kế mô-đun này lên các điện thoại flagship của mình – một tính năng gọi là Moto Mods, và bạn vẫn có thể mua chúng ngay lúc này. Đây là ý tưởng ít tham vọng hơn, với số lượng các mô-đun giới hạn hơn, nhưng ý tưởng cơ bản của nó – rằng bạn có thể bắt đầu với một thiết bị và thêm các tính năng mình muốn – vẫn như nhau.
Có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy một chiếc điện thoại mô-đun hoàn toàn xuất hiện trên thị trường, nhưng trong năm 2018 này, không một công ty nào đang phát triển ý tưởng như vậy.
Thay vào đó, các công ty như Vivo và Oppo lại thử nghiệm công nghệ camera popup nhằm đáp ứng nhu cầu chụp ảnh mà không gây ảnh hưởng đến thiết kế toàn màn hình đang ngày một phổ biến.
Vivo NEX có camera selfie trồi sụt chỉ xuất hiện khi bạn mở ứng dụng chụp hình
Cũng có khả năng hình dạng của điện thoại sẽ thay đổi đáng kể để đạt đến sự hoàn hảo.
Một số người nghĩ kính thông minh sẽ thay thế công nghệ truyền thống chúng ta đang có trong túi quần. Cựu chuyên gia phân tích của Wall Street là Gene Munster, nhà khoa học của Oculus Research Michael Abrash, và Alex Kipman, lãnh đạo nhóm phát triển Microsoft Hololens, tất cả đều tin vào ý tưởng một ngày nào đó, kính thông minh sẽ thay thế thiết kế smartphone truyền thống.
Alex Newson không nghĩ điều đó sẽ sớm xảy ra. “Chiếc điện thoại vẫn sẽ là nơi người ta muốn hội tụ các tính năng. Khi bạn đặt quá nhiều thứ vào một chiếc đồng hồ hay một cặp kính, nó sẽ bị người dùng từ chối”.
“Điện thoại có lẽ là nơi người tiêu dùng muốn phần lớn các công nghệ hội tụ lại. Sẽ phải có một thay đổi đáng kể trong cách sử dụng thiết bị để khiến điều đó thay đổi”.
Có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ mang điện thoại trên mặt, cho phép chúng ta nhắn tin, tìm kiếm, chơi game, và nhiều thứ khác nữa mà không cần đặt thứ gì vào túi, và cũng chẳng cần nhấc một ngón tay nào lên cả; nhưng cho dù hình thù của điện thoại trong tương lai như thế nào đi nữa, thì khả năng là sự hoàn hảo giả định đó sẽ nằm mãi ở chân trời xa kia. Thật khó để hình dung ra một tương lai nơi chúng ta có thể đồng ý rằng chúng ta đã thấy một chiếc smartphone hoàn hảo – hay thậm chí là nó nên trông như thế nào.
Minh.T.T