Trang chủ Tin Tức Chiếm chưa tới 0,01% nhưng chủng loài này đã xóa sạch đại...

Chiếm chưa tới 0,01% nhưng chủng loài này đã xóa sạch đại bộ phận sự sống toàn cầu

765

Kết quả một nghiên cứu mới về sự sống trên Trái Đất cho thấy phần nhỏ bé đáng ngạc nhiên cũng như sự tác động khủng khiếp của loài người lên toàn bộ hành tinh.
Nghiên cứu công bố trên kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNSA) hôm 21-5 đã vẽ lên một bức tranh đáng lo ngại khi các nhà khoa học khẳng định chúng ta đã quét sạch gần 85% động vật có vú hoang dã và phân nửa khối lượng cây xanh mặc dù loài người chỉ chiếm 0.01% sinh khối sự sống trên Trái đất.
Đây có thể coi là một cuộc điều tra dân số toàn cầu đầu tiên về hàng triệu sự sống trên hành tinh. Theo đó, nếu cân cả Trái đất (sinh khối), hơn bảy tỉ người vẫn không là gì so với cây, sâu và vi khuẩn.
Sinh khối loài người chiếm 0.01% sự sống trên Trái đất (Đồ họa: The Guardian)
Chiếm phần lớn cân nặng của hành tinh là cây cối (hơn 80%), vi khuẩn mặc dù nhỏ bé cũng chiếm 13% sinh khối. Nấm, nấm men, nấm mốc chiếm khoảng 2%.
“Những đánh giá này có thể không hoàn toàn chính xác, con số có thể dao động nhiều hoặc ít hơn nhưng tối thiểu cho chúng ta ước lượng bằng con số” – nhà sinh học Ron Milo tại Viện khoa học Weizmann (Israel) tác giả chính công trình nghiên cứu cho biết.
Giờ đây, lượng gia súc thuần hóa đã gấp 14 lần động vật có vú sống hoang dã.Trong tương lai, thay vì sách dạy trẻ em về voi, sư tử, chúng ta sẽ thành thật dạy chúng động vật trên Trái đất chỉ có bò sữa, bò sữa và gà công nghiệp.
Công trình cũng cho thấy gia cầm nuôi hiện nay chiếm 70% tổng số chim trên hành tinh, chỉ có 30% là hoang dã. Tình hình thậm chí còn đáng chú ý hơn đối với động vật có vú – 60% tất cả động vật có vú trên trái đất là vật nuôi, chủ yếu là gia súc và lợn, 36% là con người và chỉ 4% là động vật hoang dã. Trong đại dương, ba thế kỷ săn bắt cá voi đã để lại chỉ một phần năm động vật có vú biển trong đại dương.
83% các loài động vật có vú đã biến mất cùng với sự phát triển nền văn minh của con người (Đồ họa: Guardian)
Việc phá hủy môi trường hoang dã làm nông nghiệp, khai thác và phát triển đã thôi thúc các nhà khoa học đến băn khoăn ‘liệu có cuộc đại diệt chủng thứ 6 xảy ra?’ và ‘có phải phân nửa động vật trên hành tinh đã biến mất trong 50 năm qua?’.
“Tác động của chúng ta đối với thế giới tự nhiên vẫn còn rất lớn” – trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định.
“Khẩu phần ăn của loài ngoài ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của động vật, thực vật và các sinh vật khác. Tôi hi vọng mọi người sẽ xem lại cách họ tiêu thụ như một trách nhiệm với thế giới. Tôi sẽ không trở thành người ăn chay trường nhưng mỗi lựa chọn của tôi trả lại môi trường điều gì đó, liệu tôi nên chọn thịt bò, gia cầm hay đậu phụ thay thế?”.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán các ước lượng sinh khối sử dụng dữ liệu từ hàng trăm nghiên cứu, thường sử dụng các kỹ thuật hiện đại như cảm biến từ xa thông qua vệ tinh có thể quét hầu hết các khu vực và trình tự gen giúp làm sáng tỏ vô số sinh vật trong thế giới vi mô.
Sinh khối của thực vật trên cạn chiếm ưu thế trên quy mô toàn cầu – và phần lớn sinh khối đó là ở dạng gỗ (Ảnh: tinmoitruong)
Họ bắt đầu bằng cách đánh giá sinh khối của một lớp sinh vật và sau đó họ xác định môi trường sống như thế nào có thể sống trên toàn thế giới để tạo ra một tổng thể toàn cầu. Họ sử dụng carbon làm thước đo quan trọng và tìm thấy tất cả sự sống chứa 550 tỷ tấn nguyên tố. Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng những bất ổn đáng kể vẫn còn trong các ước tính cụ thể, đặc biệt là đối với vi khuẩn dưới lòng đất, nhưng nói rằng công trình đã đem lại một sự tổng quan hữu ích.
Paul Falkowski, tại Đại học Rutgers ở Mỹ cho biết: “Nghiên cứu này, theo hiểu biết của tôi, là nghiên cứu phân tích toàn diện đầu tiên về phân bố sinh khối của tất cả các sinh vật – kể cả virus – trên Trái Đất.”
“Có hai bài học chính từ nghiên cứu này,” anh nói. “Thứ nhất, con người cực kỳ hiệu quả trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, diệt trừ rất nhiều các loài động vật có vú hoang dã cho nhiều mục đích khác nhau trên tất cả các lục địa. Thứ hai, sinh khối của thực vật trên cạn chiếm ưu thế trên quy mô toàn cầu – và phần lớn sinh khối đó là ở dạng gỗ. ”
Hoài Anh
Có thể bạn quan tâm: