Trang chủ Tin Tức Chiêm ngưỡng loạt mô hình nhà 3D lọt vòng chung kết cuộc...

Chiêm ngưỡng loạt mô hình nhà 3D lọt vòng chung kết cuộc thi thiết kế nhà ở trên Sao Hỏa của NASA

727

Cuộc thi 3D Printed Habitat Challenge được NASA phát động từ năm 2015 và hiện đã bước vào giai đoạn thứ ba nhằm tìm ra mô hình nhà ở tối ưu và phù hợp nhất để xây dựng trên Sao Hỏa trong tương lai. Trước đó NASA và đối tác dự án, Đại học Bradley tại Illinois, đã tham gia đánh giá 18 mô hình của các đội để tìm ra 5 đội xuất sắc nhất.
Trong vòng chung kết, cả 5 mô hình nhà 3D sẽ phải cạnh tranh để giành chức vô địch. Tổng tiền thưởng chia cho cả 5 mô hình là 100 ngàn USD, trong đó hai đội dẫn đầu sẽ được mang về ít nhất 20.957 USD/giải.
Cuộc thi này thực sự là một thách thức cho các nhà thiết kế và các kỹ sư trong việc tạo ra một ngôi nhà 3D hoàn chỉnh, phù hợp với môi trường sống trên Sao Hỏa và sử dụng chính vật liệu sẵn có trên Sao Hỏa. Giai đoạn đầu của cuộc thi chỉ tập trung vào đánh giá kiến trúc, vật liệu xây dựng,…
Mars Incubator là một trong số mô hình lọt top 10 của cuộc thi

Tuy nhiên tới giai đoạn này, cuộc thi yêu cầu các đội phải tạo ra mô hình 3D thực tế và phải chứng minh được tính thực tiễn của nó. Đặc biệt, mỗi đội sẽ phải tạo ra một mô hình 3D với tỷ lệ 1/3 so với thiết kế bản vẽ.
Theo Newsatlas, quy định về một ngôi nhà ở tiêu chuẩn trên Sao Hỏa do NASA đặt ra là phải rộng ít nhất 92,9m2, có đầy đủ tiện nghi cuộc sống bao gồm hệ thống nước, điện đủ để cung cấp nơi ở cho 4 phi hành gia trong vòng 12 tháng.
Monsi Roman, quản lý chương trình Centennial Challenges của NASA chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy sự thành công của các nhóm. Mỗi nhóm đều có một cách tiếp cận rất đa dạng và độc đáo. Họ không chỉ thiết kế cấu trúc ngôi nhà mà còn đang thiết kế ra chính nơi ở cho các nhà thám hiểm không gian sinh sống và làm việc trên hành tinh khác trong tương lai”.
Mời bạn đọc theo dõi những công trình nhà ở 3D trong cuộc thi xây dựng nhà ở tương lai do NASA tổ chức:
Mô hình 3D đầu tiên của đội Zopherus từ Arkansas, Mỹ. Đội này sử dụng những cỗ máy in 3D có thể quét và lấy vật liệu trên Sao Hỏa để xây dựng nhà.

Đội AI. SpaceFactory, New York, lại chọn cách thiết kế môi trường sống có dạng hình trụ để tiết kiệm tối đa không gian sống.

Đội Kahn-Yates của Jackson, Mississippi, Mỹ lại có thiết kế theo dạng các lỗ nhỏ để lấy ánh sáng vào trong nhà, nhưng đồng thời vẫn có khả năng chống chịu những cơn bão bụi khủng khiếp của Sao Hỏa.

Đội SEArch +/Apis Cor từ New York lại chọn cách làm không gian mở để tận dụng ánh sáng tự nhiên và những ngôi nhà dạng này có thể che chắn bức xạ rất hiệu quả.

Cuối cùng là đội Northwestern University từ Illinois lại có thiết kế dạng vỏ hình cầu với mái vòm parabol bên ngoài.

Nhóm cũng chọn cách xây dựng tòa nhà đơn giản nhất bằng cách sử dụng máy in 3D để tạo ra các khối vật liệu xây dựng có hình thù trước.
Tiến Thanh