Trang chủ Tin Tức Chưa có bản quyền, người Việt cài ứng dụng cũng không xem...

Chưa có bản quyền, người Việt cài ứng dụng cũng không xem được World Cup

793
Một tuần nữa là trận đấu đầu tiên của Giải bóng đá vô địch thế giới – World Cup 2018 sẽ khởi tranh. Điều mà nhiều người Việt quan tâm lúc này là chưa có bất kỳ đơn vị nào tuyên bố sở hữu bản quyền phát sóng giải đấu bóng hấp dẫn nhất hành tinh này tại Việt Nam.
Trong lúc chờ đợi thông tin về bản quyền, một số người dùng trong nước đã tìm hiểu cách mua các ứng dụng trả phí với hi vọng có thể thưởng thức hợp pháp World Cup tại Việt Nam. “Nếu trả vài USD hoặc vài chục USD để xem World Cup thì cũng rất đáng tiền vì giải đấu bốn năm mới có một lần”, Đức Thành, một người mê bóng đá tại Hà Nội, cho biết.
Một dịch vụ OTT quốc tế giới thiệu gói xem World Cup 2018 với mức phí 3,99 USD.
Theo tìm hiểu của anh Thành, Directv là một trong số những ứng dụng xem truyền hình tại Mỹ có phần mềm dành cho smartphone, máy tính bảng và hỗ trợ cả trên máy tính. Mức phí hàng tháng của dịch vụ này từ 35 USD (800.000 đồng) đến 110 USD (2,5 triệu đồng) mỗi tháng, hỗ trợ hàng trăm kênh độ phân giải cao.
Một số lựa chọn khác được tính đến như Tcsgo của Tây Ban Nha, giá chỉ 4 USD (khoảng 90.000 đồng) hay như TV 2 Play từ Đan Mạch có mức phí khoảng 20 USD (460 nghìn đồng) mỗi tháng. “Tôi không biết tiếng nước ngoài, nhưng tôi thấy việc bình luận cũng không quá quan trọng”, anh Minh Phúc, một người yêu bóng đá khác, chia sẻ.
Trong bài viết “Dân chơi tự lắp màn hình 4K khổ lớn xem bóng đá” trên VnExpress, một số độc giải cũng bàn về hướng xem World Cup khi Việt Nam chưa có bản quyền. “Mua bản quyền app TV của nước ngoài xem có sao đâu bạn. Vấn đề thích hay không thôi”, độc giả Nguyễn Ngọc Tùng đáp lại câu hỏi của độc giả khác về vấn đề bản quyền.
Tuy nhiên, Quang Dũng, một người làm trong lĩnh vực truyền thông, cho biết dù có mua các ứng dụng trả phí hỗ trợ World Cup từ nước ngoài, người dùng cũng không thể xem giải đấu này tại Việt Nam nếu Việt Nam chưa có bản quyền. “Việc áp dụng bản quyền là theo khu vực địa lý chứ không chỉ do nhà cung cấp phần mềm”, anh nói.
Theo anh Dũng, các dịch vụ OTT (cung cấp nội dung trên nền tảng Internet) phát các trận World Cup cũng phải tuân thủ quy định về bản quyền theo vùng lãnh thổ mà họ nắm. “Sẽ không có chuyện một ứng dụng trên smartphone, máy tính lại có thể stream các trận đấu World Cup cho cả thế giới, vậy thì sao họ bán được bản quyền cho những bên khác”, anh giải thích.
Ngọc Quân, một nhà báo trong lĩnh vực thể thao, cũng có cùng ý kiến xung quanh việc sử dụng các ứng dụng nước ngoài để xem World Cup trong bối cảnh Việt Nam chưa có bản quyền. “Trước đây, tôi dùng MyK+ để xem các trận đấu Ngoại hạng Anh trên smartphone nhưng khi ra nước ngoài thì không xem được, với World Cup cũng tương tự”, anh ví dụ.
Theo anh Quân, nếu không nói đến các chương trình phát “lậu”, một số người vẫn tìm cách để xem nội dung trên các ứng dụng bản quyền thông qua việc “fake” IP bằng VPN. Tuy nhiên, cách này có hạn chế là chất lượng xem thường kém do truy cập mạng qua VPN bị chậm đi, tốn thêm tiền mua VPN và cũng chỉ là tận dụng kẽ hở của công nghệ để “lách luật”.
“Những người mê bóng đá truyền tai nhau cách xem World Cup ‘lậu’ nhưng theo tôi việc này sẽ khá khó khăn vì với giải đấu lớn như thế này, luật bản quyền sẽ được làm rất chặt”, anh Quân nói. “Yêu thích bóng đá song tôi nghĩ người Việt nên tôn trọng bản quyền, không thể nói vì đam mê mà vi phạm được”.
Bảo Anh