Từ lâu nay, người Việt Nam chúng ta vẫn thường có tâm lý tự ti, cho rằng ngành sản xuất trong nước còn thua kém rất nhiều so với các quốc gia khác bởi đến chiếc ốc vít chúng ta còn chưa thể sản xuất đạt chuẩn và phải đi nhập khẩu về. Tuy nhiên, câu chuyện về ông Trần Minh Tâm (56 tuổi) ngụ tại huyện Củ Chi, Tp. HCM tự chế tạo xe ô tô điện lại là một minh chứng cho thấy tiềm năng sáng tạo của con người Việt Nam.
Tự nhận một cách khiêm tốn rằng mình mới chỉ học đến lớp 9 đã phải nghỉ để đi làm thuê, trải qua nhiều nghề nhưng cuối cùng, ông Tâm lựa chọn gắn bó với công việc sửa chữa, buôn bán xe đạp điện.
Chia sẻ về ý tưởng tự chế tạo ô tô chạy bằng điện của mình, ông Tâm cho biết rằng mình từng xem thông tin trên thời sự, thấy nhiều quốc gia sản xuất và chế tạo ô tô chạy bằng điện nhưng tại Việt Nam vẫn chưa thấy loại xe này xuất hiện. Từ đó, ông quyết tâm mày mò tìm hiểu để tự chế tạo cho mình một chiếc ô tô điện bằng vốn kiến thức tích lũy được sau một thời gian nghiên cứu sửa chữa ô tô của mình.
Quá trình chế tạo được bắt đầu từ năm 2015 và tới năm 2017 thì chiếc xe ô tô điện của ông Tâm, cũng được coi là chiếc ô tô điện đầu tiên do người Việt Nam chế tạo đã được hoàn thành. Thoạt nghe thì có vẻ quãng thời gian chế tạo quá lâu bởi trên thế giới hiện nay trong cách mạng 4.0, thời gian chế tạo xe hơi xuất xưởng mỗi chiếc chỉ tính bằng phút. Tuy nhiên, theo chia sẻ, ông Tâm cho biết rằng mình phải cóp nhặt và tìm kiếm linh kiện để lắp ráp dần chiếc xe này, đi theo đó là cả công nghiên cứu nên thời gian mới kéo dài ra tới 2 năm trời như vậy.
Cuối cùng thì sau 2 năm rưỡi, chiếc xe ô tô điện của ông Tâm đã được trình làng với 90% linh kiện hoàn toàn của Việt Nam. Tổng chi phí lắp ráp nên chiếc xe này trong suốt 2 năm được ông Tâm ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Chiếc xe ô tô điện do ông Tâm chế tạo có thể đi được tối đa 160km sau mỗi lần sạc đầy pin, và phải mất khoảng 10 tiếng để sạc đầy cả ắc quy lẫn pin của xe. Tốc độ tối đa xe đạt được là khoảng 50 km/h. Nội thất của xe được đánh giá là khá tốt và đẩy đủ với 4 ghế bọc da, hệ thống điều hòa, âm thanh và có cả dàn Karaoke. Điểm thu hút nhất có lẽ chính là chiếc cửa cánh lật giống với các mẫu siêu xe hiện nay trên thế giới.
Còn cần phải cải tiến khá nhiều
Ông Tâm chia sẻ rằng trong thời gian tới mình muốn cải tiến và chế tạo ra các phiên bản nâng cấp của mẫu xe này để tăng tốc độ cũng như quãng đường xe có thể chạy được trong mỗi lần sạc đầy pin. Còn hiện tại thì chiếc xe này vẫn còn khá nhiều điều cần phải cải thiện.
Đầu tiên là về thời gian sạc pin khá lâu, phải mất tới 10 tiếng đồng hồ cho mỗi lần sạc pin để đi được 160km. Khá lâu nếu so với một chiếc xe điện điển hình như của Tesla, chỉ cần 75 phút là sạc đầy pin và có thể đi tới hơn 550km. Nhược điểm này khó có thể cải thiện trong một sớm một chiều bởi cần phải có công nghệ tiên tiến để chế tạo pin cùng các thiết bị hỗ trợ.
Tốc độ tối đa của xe cũng chỉ mới đạt được 50km/h và với quãng đường di chuyển tối đa 160km cho 1 lần sạc trong 10 tiếng, chiếc xe này chưa thực sự phù hợp để chạy các cung đường xe liên tỉnh hay chạy trên đường cao tốc.
Dù vậy nhưng vẫn có nhiều ưu điểm phù hợp chạy trong đô thị
Thực tế thì bên cạnh những điều cần cải thiện ở trên, chúng ta vẫn phải công nhận rằng mẫu xe điện của ông Tâm cũng có rất nhiều ưu điểm phù hợp với nhu cầu di chuyển trong đô thị hàng ngày của người dân.
Với các đoạn đường đông đúc trong nội đô thì việc tốc độ xe chỉ đạt tối đa 50 km/h không hề gây trở ngại lớn gì cho người dùng. Quãng đường đi tối ta 160km cho mỗi lần sạc cũng khá phù hợp nếu chỉ dùng để đi làm, đi chợ, đưa đón con cái đi học của các gia đình hiện nay. Thêm vào đó, thiết kế cửa cánh lật cùng kiểu dáng nhỏ gọn của xe cũng khá phù hợp với tình hình giao thông đông đúc, chỗ để xe chật hẹp như hiện nay tại các thành phố lớn.
Và một điểm cộng không thể phủ nhận khác đó là tính tiết kiệm của chiếc xe này. Theo ông Tâm thì di chuyển 100km, chiếc xe này chỉ tiêu tốn khoảng 15 đến 20 nghìn đồng tiền điện, tức là tương đương với chi phí chỉ khoảng 1 lít xăng mà thôi. Nếu so sánh với mẫu xe chạy xăng được cho là tiết kiệm nhiên liệu nhất năm 2018 là Mitsubishi Mirage (tốn khoảng 6,3 lít xăng cho 100km nội đô) thì rõ ràng tính tiết kiệm của xe thực sự sẽ khiến chúng ta phải cân nhắc.
Hiện tại, tuy rằng phải tốn tới 500 triệu đồng để lắp ráp bản mẫu của chiếc xe điện này nhưng theo ông Tâm, nếu được sản xuất đại trà thì chi phí chỉ khoảng từ 200 đến 250 triệu đồng cho mỗi chiếc xe. Như vậy, nếu mẫu xe này được đưa vào sản xuất đại trà thì sẽ thực sự là một phương tiện phù hợp cho việc di chuyển trong thành phố của các hộ gia đình.
Ảnh: Viết Dũng Startup cho thuê xe điện trị giá 100 triệu USD làm thế nào để khách có thể dùng xe xong là “vứt đâu cũng được”?
Thang Tru
Theo Trí Thức Trẻ