Trang chủ Tin Tức Chuyện cái “núm” trên bàn phím laptop

Chuyện cái “núm” trên bàn phím laptop

785

Mình thấy nhiều anh em thắc mắc về cái “núm” hay “nốt ruồi” trên bàn phím của những chiếc laptop doanh nghiệp chẳng hạn như
ThinkPad,
HP EliteBook, Zbook hay
Dell Latitude, Precision. Tiện đây mình cũng đang dùng ThinkPad và giới thiệu luôn cho anh em về chức năng của nó.


Cái núm này do một nhà nghiên cứu có tên Ted Selker phát triển vào năm 1984 dựa trên một nghiên cứu cho thấy một người đánh máy thường phải mất khoảng 0,75 giây để chuyển tay từ bàn phím sang chuột để điều hướng và mất một khoảng thời gian tương đương để chuyển lại. Selker đã chế tạo một thiết bị để giảm thiểu thời gian này và 3 năm sau khi làm việc tại
IBM, Selker đã tinh chỉnh và hoàn thiện thiết kế của mình, từ đó cái núm huyền thoại trên máy IBM ra đời với tên gọi
TrackPoint. Nó được đăng ký bản quyền sáng chế vào năm 1996 và 2000.


Chức năng của TrackPoint có thể hiểu đơn giản là điều khiển trỏ chuột. Nó luôn nằm giữa các phím G H B trên bàn phím, có một núm cao su lồi lên cho phép chúng ta đặt ngón tay vào di di day day theo các hướng để di chuyển trỏ chuột, khá giống với cần xoay joystick trên tay cầm chơi game.


Bên dưới cái núm này là 4 điện trở strain gauge, còn gọi là điện trở lực nén. Khi mạch điện bị tác động bởi lực (chẳng hạn như khi đè lên núm) thì điện trở sẽ thay đổi từ đó khiến trỏ chuột đi nhanh hơn hay chậm hơn cũng như giúp trỏ chuột di chuyển theo các hướng tương ứng với hướng chúng ta đang tác động lực: bạn đè núm sang trái thì trỏ chuột chạy ngang sang trái, đè xéo xéo một góc thì nó cũng đi chếch theo hướng bạn muốn.


Đi kèm với cái núm này thường là 3 phím chuột gồm chuột trái, chuột phải và chuột giữa nằm ngay bên dưới phím Space (các dòng máy EliteBook mới sau này chỉ còn 2 phím trái phải). Với bàn rê thường thì chỉ có 2 phím vậy tại sao phải có chuột giữa TrackPoint có thể nhận các thao tác điều hướng và nhấp, giữ nhưng chỉ đơn điểm. Vì vậy chiếc nút ở giữa có thể đóng vai trò là phím chuột giữa khi chúng ta thao thác, chẳng hạn mở link trong một tab mới trên trình duyệt web nhưng cũng có thể chỉnh để thực hiện chức năng cuộn trang. Khi cuộn bạn chỉ việc dùng ngón tay nhấn giữ phím chuột giữa vừa di di cái núm lên xuống để cuộn.
Khi phát triển TrackPoint thì ngoài việc giúp rút ngắn thời gian phải rời tay khỏi bàn phím thì chiếc nút này còn rất hữu ích trong những tình huống như:

  • Chiếc laptop quá nhỏ (chẳng hạn như những dòng máy UMPC hồi xưa như chiếc Vaio P trong video) vốn không có nhiều diện tích để lắp bàn rê thì TrackPoint vẫn là giải pháp hiệu quả;
  • Giảm chuyển động của ngón tay bởi vị trí của TrackPoint nằm ngay giữa hàng phím chính (giữa 2 nút G H) thành ra ngón tay không phải di chuyển quá nhiều để điều khiển trỏ chuột;
  • Điều khiển dễ hơn vì không có điểm chết bởi bàn rê thì có diện tích giới hạn, với những màn hình phân giải cao thì khi rê trỏ chuột bạn phải nhấc ngón tay lên và rê nhiều lần để đến điểm mong muốn còn TrackPoint thì không bị hạn chế này, bạn chỉ cần để ngón tay lên và di theo các hướng;
  • *Tay ướt? Bàn rê sẽ khó điều khiển nhưng TrackPoint thì không thành vấn đề!


TrackPoint hay các loại
pointing stick nói chung có thiết kế núm cao su rất đa dạng. Cơ bản có 4 loại và thông thường nhất là loại vòm mềm (Soft Dome) được gắn tiêu chuẩn trên những chiếc ThinkPad, ngoài ra còn có loại vành mềm (Soft Rim) với đầu TrackPoint lõm xuống, có viền xung quanh, loại này thường thấy trên những chiếc laptop doanh nghiệp của HP như dòng EliteBook, thứ 3 là loại vòm tròn (Classic Dome) như trên chiếc Vaio P và dạng đầu tẩy (Eraser Head) mà mình thường thấy trên những chiếc máy doanh nghiệp của Dell như dòng Latitude.


Giờ đây khi bàn rê đã trở nên xịn hơn, hỗ trợ đa điểm, diện tích lớn, nhiều tính năng thú vị hơn thì TrackPoint hay những chiếc núm trên bàn phím không còn được sử dụng nhiều nữa. Tuy vậy, Lenovo, HP, Dell và nhiều hãng làm laptop doanh nghiệp khác vẫn giữ lại TrackPoint bởi họ biết rằng những ai đã quen dùng nó thì sẽ khó mà chịu được khi thiếu nó. Nếu anh em đang dùng những chiếc máy có “núm”, hãy cho nó một cơ hội được thể hiện, dùng thử và biết đâu lại thích nó hơn bàn rê .