Sau khi Cốc Cốc bị phát hiện thu thập dữ liệu cookie đăng nhập của người dùng và gửi sang 1 website khác là itim.vn vào ngày 15/4 vừa qua, phía công ty này ngay lập tức đã có những tuyên bố nhằm xoa dịu tình hình. Cụ thể, ông Hiếu Phan – Trưởng nhóm Phát triển trình duyệt Cốc Cốc cho biết, trình duyệt này không hề thu thập thông tin nào của người dùng.
Vị đại diện của Cốc Cốc còn cho biết, lấy thông tin cookie chẳng qua chỉ để phục vụ cho việc “cải thiện chất lượng dịch vụ” và hỗ trợ tính năng sửa lỗi chính tả. Để sửa lỗi, Cốc Cốc bắt buộc phải gửi những nội dung mà người dùng nhập vào lên server để kiểm tra và trả kết quả gợi ý trở lại cho người dùng.
Tuy nhiên, cộng đồng an ninh mạng WhiteHat.vn cho rằng, câu trả lời của Cốc Cốc không hề thuyết phục. Nếu việc thu thập dữ liệu người dùng gõ vào để sửa lỗi chính tả là an toàn, thì tại sao Cốc Cốc phải vội vàng vô hiệu hóa tính năng này trên phiên bản cập nhật sau ngày 16/4?
WhiteHat.vn còn làm 1 video ghi lại chi tiết quá trình thu thập dữ liệu của Cốc Cốc trong các phiên bản cũ và thật bất ngờ khi ngay cả các nội dung mang tính cá nhân như tin nhắn riêng, mật khẩu tài khoản,… cũng được Cốc Cốc thu thập. Tóm lại, người dùng gõ cái gì thì Cốc Cốc biết cái đó.
Video tố cáo Cốc Cốc thu thập thông tin nhạy cảm của người dùng.
Admin Nam Lê của Cộng đồng SEM Việt Nam đã đăng status buộc tội Cốc Cốc “bỉ ổi” trong việc xử lý khủng hoảng bằng cách tuồn thông tin sai lệch cho báo chí, tránh né các câu hỏi trực tiếp của người dùng và ép người đã khơi ra scandal này phải gỡ thông tin tố cáo.
Status của admin Nam Lê tố cáo Cốc Cốc.
Anh Nam Lê cũng cho biết, không hề có chuyện anh đính chính và xin lỗi Cốc Cốc vì đưa tin sai sự thật như một số nguồn tin đã đưa. Hiện dưới status của anh Nam Lê, có tới gần 1.500 bình luận bức xúc với những gì Cốc Cốc đã làm và lo lắng cho sự an toàn thông tin của mình.
Theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, việc Cốc Cốc thu thập thông tin của người dùng là chắc chắn có, và không chỉ riêng Cốc Cốc mà còn nhiều công ty công nghệ khác cũng thực hiện điều này. “Tuy nhiên, việc họ làm gì với thông tin này thì vẫn còn là điều bí ẩn. Nhưng hành vi chặn thu thập ngay sau khi bị phát hiện là rất đáng ngờ”.
Bên cạnh đó, Cốc Cốc còn bị nhiều người lên tiếng tố cáo tự cài addon mang tên Rủng Rỉnh lên trình duyệt mà chưa được sự cho phép của người dùng. Thông qua addon này, Cốc Cốc có thể “ăn chặn” tiền hoa hồng của các website affiliate marketing một cách trắng trợn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này trong các bài tiếp theo.
VietBao.vn