Trang chủ Tin Tức Đã đến lúc chúng ta giành lại quyền kiểm soát cuộc sống...

Đã đến lúc chúng ta giành lại quyền kiểm soát cuộc sống trực tuyến của mình

726

Đầu năm nay, giữa áp lực ngày càng tăng của các công ty internet nhằm kiểm soát chặt chẽ việc mua bán súng trên mạng, dịch vụ bán hàng Google Shopping của Google cũng đã cấm tìm kiếm từ khóa “gun” (súng).
Có vẻ như đây là một bước đi hoàn toàn đúng của gã khổng lồ tìm kiếm cho tới khi nó khiến những người yêu thích rượu và những người yêu âm nhạc phải bực mình. Hóa ra, Google đã “quá tay” khi áp dụng bộ lọc, khiến người tiêu dùng không thể mua rượu Burgundy (một loại rượu vang Pháp) hay đĩa nhạc của nhóm Guns n’ Rose.
Thuật toán tìm kiếm và công nghệ nhân dạng ngôn ngữ của Google lẽ ra phải thừa đủ tinh vi để có thể hiểu được sự khác biệt, nhưng công ty này đã đã thất bại trong việc áp dụng nó đúng cách. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho thấy các công ty internet cần phải có trách nhiệm hơn nữa đối với những gì có trên nền tảng của họ.
Các tập đoàn công nghệ lớn hiện đang phải đối mặt với sức ép rất lớn từ công chúng yêu cầu họ bảo vệ người dùng của mình hơn nữa. Hồi đầu năm, một nhóm các nhà đầu tư của công ty Apple viết “tâm thư” thúc giục công ty này giải quyết vấn đề nghiện smartphone ở trẻ em và đưa ra những tính năng kiếm soát tốt hơn cho phụ huynh. Facebook thì vướng vào quá nhiều bê bối đến nỗi khó có thể kể hết, trong đó bao gồm nạn tin giả mạo tràn lan, thu thập quá nhiều dữ liệu của người dùng hay quá chậm trễ trong việc xóa bỏ các nội dung cực đoan. Sau bê bối Cambridge Analytica, người dùng mới cảm thấy “sốc” và chợt nhận ra rằng họ đã cho đi quá nhiều dữ liệu.
Tất cả các công ty truyền thông xã hội đều đang chịu sự giám sát để giới hạn thời gian mà trẻ em sử dụng màn hình và thực thi tốt hơn các giới hạn độ tuổi được quy định trong chính sách của họ.
Các công ty truyền thông xã hội đang phải theo dõi chính sách hạn chế thời gian sử dụng màn hình của trẻ em
Trong một lá thư gửi tới các công ty công nghệ vào tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Jeremy Hunt nói rằng, Silicon Valley là nơi quy tụ những cá nhân xuất chúng nhất và có ngân sách lớn nhất nước Mỹ, cho nên các tập đoàn ở đó lẽ ra phải có thừa khả năng giải quyết những vấn đề đó mà không gặp phải sự cố nào.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến người dùng thường xuyên chỉ trích các công ty công nghệ chính là họ thường không quan tâm đến việc bảo vệ cho người sử dụng của họ, bởi vì việc đầu tư sẽ đòi hỏi chi phí và làm hao hụt lợi nhuận ròng của họ. Hoặc nhìn theo cách khác, việc áp đặt thẩm quyền của họ lên những nội dung được đăng tải lên trên nền tảng có thể đẩy những công ty này trở về vị trí của một tòa soạn báo tầm thường hay kênh tin truyền thống, và việc đó nhạo báng những tuyên bố của họ trước đó, rằng đó chỉ đơn thuần là những nền tảng mà thôi.
Danh tiếng của các công ty công nghệ lớn đã tệ đi khá nhiều trong những năm qua, và “những cậu bé thiên tài” tạo ra các dịch vụ kết nối toàn cầu đã cho thấy rằng họ chưa suy nghĩ đủ chín chắn để ngăn mình khỏi những hậu quả như bây giờ. Những sự thay đổi lần này chỉ có khả năng diễn ra nhanh hơn trong tương lai, thay vì là sẽ chậm lại.
Và theo bản năng, chúng ta lại quay về với những người đóng vai trò là bộ mặt chính của sự thay đổi này, nhằm sửa cho đúng những sai lầm của cuộc cách mạng Internet. Tin giả là vấn đề mà Facebook cần giải quyết; còn Snapchat thì cần phải thi hành những quy định của họ về giới hạn độ tuổi.
Rất dễ hiểu khi chúng ta tin rằng các công ty internet nên được giao nhiệm vụ sửa chữa nền tảng không hoàn hảo của mình. Các nhà sáng lập của chúng, những người đã kiếm được hàng tỷ đô từ việc chúng ta sử dụng dịch vụ của họ, đang trở thành mục tiêu hấp dẫn được đem ra khiển trách, phê bình.
Nhưng chúng ta cũng cần phải ý thức được sự nguy hiểm của việc tin vào những công ty lớn này sẽ chịu trách nhiệm với những gì xảy ra trên mạng.
Những công ty mạnh nhất trên Internet không hoàn toàn đáng tin cậy như chúng ta nghĩ.
Hãy nhìn tình hình tin giả tràn lan trên mạng xã hội mà xem. Facebook đã thừa nhận một cách muộn màng rằng những thông tin bịa đặt đã phát tán rất nhanh trong suốt cuộc bầu cử của tổng thống Trump hồi năm 2016, cho dù những ảnh hưởng của chúng vẫn còn đang gây tranh cãi. Nhưng những cố gắng của công ty này để giải quyết chúng chỉ làm vấn đề thêm tệ hơn. Công ty này nhận thấy rằng việc gắn thêm một cái mác cảnh báo tin giả bên cạnh những tin giả mạo này lại gây tác động ngược, càng làm củng cố niềm tin của những người đang có xu hướng tin vào câu chuyện đó. Nhưng nếu gỡ những bài đăng này , Facebook lại “mang tiếng” là kiểm duyệt, nhất là trong một xã hội đề cao chủ nghĩa “tự do ngôn luận”.
Những tranh cãi gần đây về quyền riêng tư đang trở thành con dao hai lưỡi. Suốt hàng năm trời chúng ta đã sẵn lòng cung cấp dữ liệu đến tất cả các công ty mà không lường trước được hậu quả của nó. Chúng ta đánh dấu vào những ô đồng ý với điều khoản và điều kiện mà không xem xét lại bởi chúng ta mong muốn được truy cập vào dịch vụ miễn phí đằng sau những điều khoản đó. Và giờ chúng ta lại yêu cầu trừng phạt những công ty này vì đã sử dụng thông tin của chúng ta, hoặc đòi xóa bỏ những mô hình kinh doanh đó.
Chắn chắn mọi thứ sẽ tốt hơn nếu chúng ta ý thức hơn về cách mà dữ liệu của mình được sử dụng như thế nào ngay từ lúc đầu, và có một cơ quan lớn hơn kiểm soát nó, thay vì chỉ tin tưởng vào các công ty.
Nhưng cũng có những thứ mà chúng ta phải đánh đổi. Ví dụ, việc kiểm soát độ tuổi sẽ được thực thi nghiêm ngặt hơn bằng việc yêu cầu xác minh bằng thẻ căn cước, đồng nghĩa với việc chúng ta thậm chí sẽ đưa nhiều thông tin cá nhân hơn cho các công ty này. Giúp các công ty xử lý nghiêm vấn đề tin nhắn quấy rối cũng có nghĩa là chúng ta cho phép họ truy cập vào tin nhắn của chúng ta.
Một số lượng lớn các vấn đề liên quan đến công nghệ là vấn đề của con người, và tốc độ chóng mặt cùng quy mô to lớn của internet khiến những vấn đề đó càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đùn đẩy trách nhiệm sang cho những công ty của Thung lũng Silicon thay vì giải quyết tận gốc vấn đề – ví dụ như sự thiếu trách nhiệm với dữ liệu của chính mình hay không chịu “động não” khi đọc tin giả – sẽ chỉ khiến cho quyền lực mà những công ty này có được ngày càng lớn.
“Những gã khổng lồ xứ Silicon Valley” đã thường xuyên làm chúng ta thất vọng khi đặt vấn đề về sự riêng tư và tính bảo mật trực tuyến mà họ đem lại. Thật khó để tin tưởng rằng họ sẽ không tái phạm những vấn đề đó trong tương lai. Chúng ta phải cân nhắc đến những phương án thay thế, và nhận ra rằng: Trách nhiệm cho quyền riêng tư hay bảo mật trực tuyến thực chất không nằm ở họ, mà là ở chúng ta.
Ngọc Quân
Theo Telegraph