Trang chủ Tin Tức Đà Nẵng: Doanh nghiệp bưu chính viễn thông than khó phát triển...

Đà Nẵng: Doanh nghiệp bưu chính viễn thông than khó phát triển hạ tầng tại nhà cao tầng

829
Doanh nghiệp BCVT khó tiếp cận các khu chung cư, nhà cao tầng (Ảnh minh họa: Internet)

Khó phát triển bưu chính viễn thông tại các nhà cao tầng
Theo bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng: ngày 15/11/2007 Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 30 quy định về việc lắp đặt thùng thư công cộng tại các khu dô thị, khu dân cư tập trung cũng như việc bố trí hộp thư tập trung tại các nhà chung cư, tòa nhà văn phòng. Theo đó, tại các khu dô thị hoặc tòa nhà cao tầng phải được bố trí thùng thư công cộng hoặc hộp thư tập trung đặt tại tầng 1 của tòa nhà ở những vị trí dễ tiếp xúc nhất để thuận tiện cho việc gửi thư cơ bản, nhận thư, báo tạp chí của người dân, tổ chức, cá nhân cũng như thuận tiện cho hoạt động thu gom của  doanh nghiệp bưu chính công ích và việc phát thư, báo, tạp chí của doanh nghiệp bưu chính.
“Trong thời gian qua, hệ thống khu đô thị, khu chung cư, toà nhà cao tầng của thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt nhưng hầu như tại các khu chung cư, tòa nhà cao tầng này không có hệ thống thùng thư công cộng hoặc hộp thư tập trung. Điều đó đã gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp xúc dịch vụ bưu chính công ích cũng như dịch vụ chuyển phát. Bưu tá phát công văn, thư từ, bưu phẩm cho các khu chung cư, tòa nhà cao tầng cũng gặp nhiều cản trở. Không có thùng thư công cộng, hộp thư tập trung, nhân viên bưu tá phải lên tận các phòng để phát. Tuy nhiên, với nhiều tòa nhà, bưu tá không thể tiếp cận hệ thống các phòng bên trong vì không có thẻ “quẹt” ra vào do Ban quản lý tòa nhà cấp”, bà Nga nhấn mạnh.

Ông Lương Hồng Khanh, Trưởng đại diện VNPT tại Đà Nẵng, Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng cũng cho rằng: Theo quy định của Nghị định 25 hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông: Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng có nhiều chủ sử dụng (chung cư, tòa nhà văn phòng, khách sạn), công trình xây dựng công cộng phải có trách nhiệm bố trí mặt bằng để doanh nghiệp viễn thông lắp đặt cột ăng-ten trên nóc tòa nhà, lắp đặt thiết bị thu, phát sóng trong tòa nhà, …
Mặc dù đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật, nhưng các doanh nghiệp viễn thông gặp rất nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các tòa nhà để lắp đặt hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Anh Kha, đại diện Viettel Đà Nẵng cũng tỏ ra khá bức xúc với việc bị “cản trở” khi lắp đặt hạ tầng mạng viễn thông tại các tòa nhà cao tầng. Nghị định 25 quy định khá rõ, Viettel Đà Nẵng cũng nhiều lần gửi văn bản đề nghị Sở Xây dựng Đà Nẵng khi cấp phép xây dựng cho các tòa nhà trên nên bổ sung thêm yêu cầu các chủ đầu tư phải bố trí hạ tầng viễn thông. Song sau nhiều lần đề nghị, Sở Xây dựng vẫn không phản hồi, gây khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông.
Câu chuyện ngầm hóa “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Theo báo cáo của Sở TT&TT Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2018, Sở đã tham mưu cho Thành phố ban hành quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Triển khai việc sắp xếp và chỉnh trang trên 18 tuyến đường với tổng chiều dài trên 17 km. Hoàn thành hồ sơ đề xuất và được UBND Thành phố đồng ý chủ trương thí điểm ngầm hóa cáp viễn thông tại một số tuyến đường bằng phương thức đầu tư xã hội hóa.
Tuy nhiên, ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho rằng: Câu chuyện ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn Đà Nẵng là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Theo ông Cư, cáp viễn thông treo trên cột điện lực rất lộn xộn, tình trạng treo kéo cáp trộm rất nhiều. Nhiều sợi cáp viễn thông không còn sử dụng vẫn treo trên cột, phải gần 30% số cáp treo trên cột điện lực là cáp vô chủ. Vì vậy, ông Cư đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nên sớm giải quyết hạ ngầm cáp viễn thông để đảm bảo mỹ quan của thành phố.
“Rút kinh nghiệm ở các thành phố lớn, nếu chúng ta không làm sớm thì sẽ đến lúc chúng ta không thể làm xuể”, ông Cư nhấn mạnh.
Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Anh Kha, Đại diện Viettel Đà Nẵng cho rằng câu chuyện ngầm hóa tại Đà Nẵng cứ kéo dài mãi do không có một tổng chỉ huy. Ông Kha đơn cử, Thành phố Huế là địa bàn có nhiều di tích lịch sử nên việc ngầm hóa cáp viễn thông phức tạp hơn Đà Nẵng nhiều. Mặc dù vậy, Huế vẫn tiến hành việc ngầm hóa rất thuận lợi do có 1 Phó Chủ tịch UBND thành phố nằm trong Ban chỉ đạo ngầm hóa cáp viễn thông. Vì vậy, ông Kha đề xuất: Đà Nẵng nên thành lập Ban chỉ đạo và đích thân Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chủ trì Ban này để sớm xử lý dứt điểm việc ngầm hóa cáp viễn thông.
Theo Ông Lương Hồng Khanh, Giám đốc VNPT Đà Nẵng: Đối với việc hạ cáp ngầm viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tự làm, thành phố không cần bỏ chi phí nhưng điều các doanh nghiệp cần là UBND Thành phố cần hỗ trợ về thủ tục. Đơn cử, khi doanh nghiệp viễn thông đã được Sở TT&TT duyệt ngầm hóa,  nhưng khi đưa sang Sở Giao thông vận tải để xin giấy phép lại rất khó khăn. Hơn nữa, khi ngầm hóa cần có sự đồng bộ giữa các doanh nghiệp viễn thông, chia sẻ hạ tầng dùng chung, tránh tình trạng nay đào đường, mai lại đào đường. Mà với việc chia sẻ hạ tầng dùng chung, thành phố cũng phải đứng ra làm trọng tài, chứ để các doanh nghiệp tự đàm phán, ai cũng dựa trên lợi ích của mình, rất khó.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho rằng: Việc ngầm hóa cáp viễn thông mới dừng ở mức chôn lấp. Hiện nay, tuyến cáp ngầm làm thí điểm tại đường Lê Duẩn thật ra chỉ là hình thức “chôn ống”, nếu sau này doanh nghiệp phát triển mạng lưới, tăng dung lượng, tăng cáp cũng phải đào lên lại chứ chưa thực hiện ngầm hóa “đúng nghĩa”.
Tuy nhiên, ông Ngô Tấn Cư góp ý rằng, Đà Nẵng không đủ tiền, đủ đất làm ngầm hóa tuynel. Vì thế, ông đề xuất trong giai đoạn hiện nay nên chọn “chôn lấp”. Trước mắt, Thành phố nên cho các doanh nghiệp đặt ống chôn tại các tuyến đường, mỗi doanh nghiệp một đường ống màu sắc khác nhau, ai nhiều ống thì phải bỏ chi phí nhiều.
Trước các bức xúc của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng và Công ty quản lý nhà phải tổ chức khảo sát việc lắp đặt các thùng thư công cộng, hộp thư tập trung tại các khu chung cư, tòa nhà trên địa bàn; nơi nào chưa có phải lắp đặt ngay. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở TT&TT tạo điều kiện pháp lý cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc lắp đặt hạ tầng mạng, trạm BTS tại các tòa nhà cao tầng theo đúng quy định.
Ông Dũng cũng nhận định rằng việc ngầm hóa hệ thống cáp quang viễn thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện rất khó khăn, từ kinh phí đến quỹ đất. Trong khi đó, đây là lộ trình cần thiết để đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị. Vì vậy, ông Dũng đồng ý với giải pháp cho các doanh nghiệp chôn ống, đồng thời yêu cầu Sở TT&TT xây dựng bộ đơn giá trao đổi hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể sử dụng chung hạ tầng của nhau. 
Đoàn Hạnh

VietBao.vn