Trang chủ Tin Tức “Đại gia” ngân hàng Trần Bắc Hà đã vi phạm những gì?

“Đại gia” ngân hàng Trần Bắc Hà đã vi phạm những gì?

754

Hai lần ông Trần Bắc Hà dính tin đồn bị bắt là hai lần thị trường chứng khoán lao dốc chìm trong màu đỏ. Vậy ông Trần Bắc Hà – người bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, những vi phạm của ông là rất nghiêm trọng – đã dính líu ra sao vào vụ đại án Phạm Công Danh? 
Ông Trần Bắc Hà đã ký 12 quyết định thế nào?
Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng Ngân hàng BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng và ông Trần Lục Lang (hai Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) cùng một số cá nhân khác là những người trực tiếp tham gia, xử lý hồ sơ cho 12 Cty của ông Danh vay 4.700 tỉ đồng.
Ngày 24.5.2013, ông Đoàn Ánh Sáng đại diện BIDV và ông Đỗ Hoàng Linh (Phó Tổng Giám đốc VNCB) ký thỏa thuận hợp tác cùng tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng). Theo thoả thuận, nếu VNCB có khách hàng, đối tác sẽ giới thiệu cho BIDV vào chuỗi liên kết này. Phía BIDV sẽ xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB theo quy định.
Do cần tiền tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Phạm Công Danh đến hội sở BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng để giới thiệu khách hàng của VNCB sang BIDV vay vốn” kinh doanh vật liệu xây dựng.
Sau khi được BIDV chấp thuận, ông Danh về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lập khống 12 công ty để đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Danh còn dùng 6 lô đất tại Đà Nẵng và hơn 3.000 tỉ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh cho các khoản vay này. Ông Đoàn Ánh Sáng đã đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc, ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng.
Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở chính BIDV đã thẩm định, đánh giá rủi ro theo quy định sau đó trình ban lãnh đạo về việc phê duyệt chủ trương cho vay vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà với các công ty.
Tờ trình này được ông Trần Lục Lang ký duyệt và trình Ủy ban quản lý rủi ro đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền (không xin ý kiến Tổng giám đốc).
Ủy ban quản lý rủi ro không tiến hành họp mà lấy ý kiến từng thành viên phân ban rủi ro tín dụng thuộc Ủy ban quản lý rủi ro, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng phân ban) ký phê duyệt.
Ông Trần Bắc Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn. Ông Trần Lục Lang đã ký 12 công văn gửi bốn chi nhánh và Ban khách hàng doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ vay thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi.
Sau khi BIDV chấp thuận giải ngân cho 12 công ty vay 4.700 tỉ đồng, toàn bộ số tiền này đều được các công ty chuyển vào tài khoản để Phạm Công Danh sử dụng.
Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.
Kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy BIDV cho 12 công ty vay tiền khi chưa có đủ cơ sở để xác định các công ty có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay đối với khách hàng, không kiểm tra việc sử dụng vốn sau cho vay…
Với những sai phạm của mình tại BIDV trong việc cho Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng, ông Trần Bắc Hà từng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính.

Ông Trần Bắc Hà phát biểu trong một hội nghị ngành ngân hàng. Ảnh: A.C

Báo bị ung thư và liên tục vắng mặt
Cuối tháng 1.2018, tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm, mặc dù được HĐXX triệu tập 3 lần nhưng ông Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang vẫn vắng mặt.
Trước khi phiên tòa buổi chiều diễn ra, chủ tọa thông báo nhận được đơn của ông Trần Bắc Hà cho biết sức khỏe yếu, bị bệnh ung thư nên không thể tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng và có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

Phó Thống đốc NHNN nói gì về sai phạm của ông Trần Bắc Hà?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Chắc chắn kết luận này sẽ giúp cho BIDV, NHNN, toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, tổ chức hoạt động để làm sao hệ thống ngân hàng hoạt động một cách lành mạnh hơn”. MI VÂN