Trang chủ Tin Tức Dân mạng oán trách VTV khi phải xem U23 Việt Nam như...

Dân mạng oán trách VTV khi phải xem U23 Việt Nam như kẻ trộm

720
Một quán cafe ở Đà Nẵng đã phát tín hiệu lậu từ xoilac để phục vụ người dân. Ảnh: FB Hải Châu

Việc VTV không mua được bản quyền truyền hình ASIAD 2018 đã vô tình đẩy hàng triệu người dân phải tìm link lậu để xem trận đấu của Olympic Việt Nam và Olympic Pakistan vào chiều ngày 14/8, khi thầy trò HLV Park Hang Seo có trận mở màn tại ASIAD 2018.
Trong trận đấu ngày chiều ngày 14/8, không chỉ các cá nhân, mà rất nhiều hàng café đã livestream tín hiệu từ các trang web vi phạm bản quyền để khách hàng xem. Những người am hiểu và có đủ thiết bị thu truyền hình vệ tinh thì tổ chức thu “lậu” qua vệ tinh nước ngoài để phục vụ hàng xóm láng giềng. Một số trang báo điện tử hàng đầu còn dẫn một loạt link lậu trực tiếp trên trang báo để phục vụ người hâm mộ đội tuyển U23 Việt Nam. Dù ai cũng biết đây là hành động không đẹp mắt, là hành vi vi phạm bản quyền nhưng họ cũng không thể cưỡng lại được sự cuồng nhiệt của khán giả nhà.

Dự báo trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Nepal vào 19h ngày hôm nay (16/8) tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tiếp tục tái diễn.
Cơn thèm khát được xem các cầu thủ U23 trình diễn của người hâm mộ bóng đá Việt Nam khiến lượng tìm kiếm trên Google tăng mạnh. Theo công cụ thống kê Google Trends, “Link xem bóng đá ASIAD” đang là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Hiện cụm từ này đang dẫn đầu xu hướng với khoảng 20.000 lượt tìm kiếm.
Trên các trang web vẫn bị báo chí phê bình vì hành vi vi phạm bản quyền như xoilac…, xoac.., mybongda…. đã thay thế các đài truyền hình chính thống để livestream tín hiệu “lậu” để phục vụ người hâm mộ. Một số trang còn có cả phần bình luận trực tiếp bằng tiếng Việt do họ tự thực hiện. Các trang này có dẫn khá nhiều link trên Facebook, YouTube. YouTube đã chặn một số kênh livestream trận đấu sau ít phút, tuy nhiên người dùng ngay lập tức lại chia sẻ nhau các đường link khác để xem.
Việc phải xem bóng đá với cảm giác của kẻ “ăn trộm” đã khiến nhiều người dân bất bình. Vì chất lượng tín hiệu không được mượt mà, bình luận viên không chuyên nghiệp. Sau trận đấu ngày hôm qua nhiều người đã lên mạng xã hội oán trách VTV, khi nhà đài quốc gia không làm tròn trách nhiệm phục vụ nhu cầu thông tin của người dân, không làm tròn trách nhiệm đưa thông tin, hình ảnh về thành tích thi đấu của đoàn thể thao nước nhà tại một sân chơi tầm cỡ khu vực.

Tất cả người hâm mộ Việt Nam đều phải xem U23 Việt Nam thi đấu quá các trang web vi phạm bản quyền.

Rất nhiều người đặt câu hỏi, tại sao các quốc gia khác trong khu vực đều có bản quyền, còn Việt Nam thì không? Tại sao VTV thất bại trước đối tác bán bản quyền, trách nhiệm này thuộc về ai?
Vào ngày 30/7/2018, nhiều người hâm mộ đã bàng hoàng khi VTV chính thức công bố kết quả đàm phán về vấn đề bản quyền truyền hình ASIAD 2018. Lý do VTV đưa ra là giá bản quyền truyền hình trọn gói của sự kiện này tại lãnh thổ Việt Nam do phía đối tác KJSMWORLD CORP, công ty có trụ sở tại Hàn Quốc – đơn vị mua lại từ Ban tổ chức Á vận hội, đặt ra quá cao.
Trở lại về quá trình thương thảo mua bản quyền ASIAD 2018, cách đây 2 năm, Công ty dịch vụ truyền thông Dentsu – Nhật Bản đã chào bán gói bản quyền ASIAD 18 cho các đài truyền hình tại Việt Nam và chỉ duy nhất VTV tiến hành đàm phán. Được biết giá cả mà công ty này đưa ra khá mềm và dễ chịu nên đôi bên chỉ sau vài cuộc gặp gỡ đã gần như thỏa thuận thành công và chuẩn bị ký kết hợp đồng.
Tuy nhiên, câu chuyện mua bán bản quyền bỗng trở lên phức tạp khi bỗng dưng có một đối tác khác nhảy vào là Công ty Hàn Quốc KJSMWORLD CORP. Đối tác Dentsu  – Nhật Bản đã lẳng lặng rút lui mà không nói rõ lý do. Công ty KJI hét một giá “siêu đắt” lên đến vài triệu USD, chưa kể các chi phí khác như là phí đường truyền, khiến nhóm đàm phán của VTV choáng váng.
Một nguồn tin từ VTV cho hay: “Câu chuyện khá phức tạp và khó hiểu. VTV đến giờ vẫn không hiểu nổi tại sao lại có sự chuyển đổi chủ sở hữu bản quyền phát sóng ASIAD 18 trên lãnh thổ Việt Nam, mà không có bất kỳ lời giải thích nào được đưa ra. VTV đang ở thế sắp chốt hợp đồng bỗng dưng bị rơi vào tình cảnh dở dang”.
VTV đã trao đổi mua gói không độc quyền để phát trên truyền hình miễn phí nhưng đối tác không đồng ý và chỉ chào bán gói độc quyền với giá rất cao. Như vậy, với mức giá trao đổi do đối tác đưa ra, VTV đã không thể đàm phán việc mua bản quyền Asian Games 2018.
Bên bán kiên quyết không giảm giá. Bên mua (VTV) quyết không mua giá cao, không chịu bị ép giá, để tránh tạo tiền lệ xấu cho việc đàm phán bản quyền sau này. Kết quả là hơn 90 triệu người dân Việt Nam không được xem đội tuyển Việt Nam một cách đàng hoàng trên truyền hình, mà bị rơi vào cảnh phải xem lén lút, xem trộm tín hiệu truyền hình từ các nước lân cận.
My Lan

VietBao.vn