Đây là FPT Tech Insight, một cuốn sách (hay đúng hơn là tập san) nói về các thành tựu của FPT trong suốt 30 năm vừa qua. Nó có bìa ngoài là hình ảnh của một chú robot trông rất “cool”, dày hơn 200 trang với nhiều bài viết chất lượng và được thiết kế một cách tinh tế.
Sử dụng một thiết bị di động và ứng dụng được FPT cung cấp, người đọc chỉ cần giơ chiếc smartphone/tablet của mình hướng vào quyển tập san và bỗng chốc mọi thứ trở nên sống động hơn bao giờ hết. Những nội dung đa phương tiện như video hay âm thanh, vốn không thể truyền đạt thông qua những ấn phẩm giấy thông thường, nay đã trở thành hiện thực. FPT đã khéo léo áp dụng công nghệ AR (augmented reality – thực tế ảo tăng cường) để đem đến một trải nghiệm rất mới lạ cho cuốn tập san này.
Tuy nhiên, mọi thứ chưa dừng lại ở đây. Bạn còn nhớ chú robot ở trang bìa chứ? Nếu bạn quét nó bằng ứng dụng AR, nó sẽ sống dậy và trở thành một trợ lý ảo, giúp bạn tìm hiểu về cuốn sách. Bạn có thể nói “Xin chào!”, và nó sẽ tự giới thiệu về mình. Hay, bạn có thế hỏi “Bạn làm được gì?” và nó sẽ nói về những thứ nó có thể làm được.
Đương nhiên, trợ lý ảo của FPT chỉ mang tính chất vui vẻ và không thể so sánh với Siri hay Google Assistant – đừng quên rằng nó chỉ là dự án bên lề của một cuốn tập san. Thực tế, FPT cho biết công đoạn “hi tech hóa” cuốn tập san này được hoàn thành trong 2 tuần, bởi 1 lập trình viên duy nhất.
Nhưng, để có thể xây dựng một trợ lý ảo như thế này cũng yêu cầu FPT phải tích hợp rất nhiều công nghệ bên trong đó, ví dụ như nhận dạng giọng nói, phân tích câu trúc câu, phân tích ngữ điệu… để từ đó có thể hiểu được mệnh lệnh của người dùng và đưa ra câu trả lời phù hợp. Tất cả những công nghệ trên đều dựa trên nền tảng của AI, cũng là thứ mà toàn bộ ngành công nghệ đang theo đuổi trong suốt những năm qua, trong đó có FPT.
Mặc dù đây chỉ là một cuốn tập san nội bộ, và FPT (có lẽ) cũng chưa có kế hoạch phát triển sản phẩm nào tương tự, tuy nhiên tiềm năng của những ấn phẩm như thế này là rất lớn. Ông Lê Hồng Việt – Giám đốc công nghệ FPT lấy ví dụ về sách giáo khoa. Nếu những bài học trong đó được trình bày và mô phỏng sinh động như thế này thì chẳng phải chăng học sinh sẽ cảm thấy hứng thú hơn rất nhiều hay sao?
Ngoài ra, FPT còn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tự hành cho các bạn trẻ Việt Nam thông qua cuộc thi Cuộc đua số, diễn ra lần đầu hồi năm ngoái. FPT kỳ vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa các sản phẩm tiên tiến nhất trên thế giới được phát triển từ trí tuệ Việt Nam từ những sân chơi như Cuộc đua số.
Sau vòng sơ khảo diễn ra từ tháng 10/2017, Cuộc đua số đã chọn ra được 8 đội thi xuất sắc nhất đến từ 6 trường Đại học trên nước. Vòng chung kết của Cuộc đua số sẽ được khởi tranh vào ngày 17/5 tới đây tại Hà Nội.
Tại trận chung kết, các đội thi sẽ phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất trên các đường đi có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt…; xác định và tránh được vật cản với hình dạng bất kỳ xuất hiện trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải, dừng lại. Đặc biệt, các biển báo sẽ tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.