DHCP không chỉ cấp địa chỉ IP, nó còn cấp các thông số cần thiết cho hoạt động của mạng như subnet mask (mặt nạ mạng), default gateway (gateway mặc định), và dịch vụ DNS.
Có 3 thành phần bên trong kiến trúc DHCP bao gồm DHCP client, DHCP server, và DHCP relay agents.
DHCP client là thiết bị bất kỳ có thể kết nối vào mạng, và có thể giao tiếp với máy chủ DHCP. Nó có thể là điện thoại, máy tính nhưng cũng có thể là máy in mạng, máy chủ….
DHCP server là thiết bị cấp phát địa chỉ IP.
DHCP relay agents là thiết bị trung gian chuyển tiếp yêu cầu giữa DHCP client và DHCP server. Chúng không phải là thành phần thiết yếu của một mạng thông thường. Tuy nhiên, khi làm việc với các hệ thống mạng lớn, phức tạp, chúng lại trở nên rất cần thiết.
Một địa chỉ IP, khi được cấp phát cho một thiết bị, sẽ có vòng đời nhất định, thường là 24 giờ. Điều này có nghĩa, nếu bạn kết nối máy tính vào một mạng, nó sẽ được cấp một địa chỉ IP và bạn có thể sử dụng IP đó trong vòng 24 giờ.
Trong khoảng thời gian 24 giờ, nếu bạn ngắt kết nối khỏi mạng và sau đó kết nối lại, bạn vẫn sẽ sử dụng địa chỉ IP đã được cấp trước đó. Tuy nhiên, khi hết 24 giờ, máy tính của bạn sẽ được cấp một địa chỉ IP mới.
Ngoài ra, nếu bạn gặp vấn đề với IP hiện có, bạn có thể yêu cầu cấp mới địa chỉ IP, không cần đợi IP hiện tại hết vòng đời.
Bạn có thể tìm thấy các thiết lập này trong phần cài đặt mạng trên máy tính, hoặc trong các thiết lập WiFi trên điện thoại.
Ý nghĩa của DHCP
DHCP là yếu tố cần thiết quyết định số lượng thiết bị có thể kết nối vào một mạng. Nó đảm bảo tất cả các thiết bị trên mạng đều có địa chỉ IP và không có thiết bị nào bị trùng IP. Không có DHCP, các thiết bị trên mạng có thể gặp lỗi xung đột IP khiến cho việc quản trị mạng trở nên khó khăn. Gán địa chỉ IP theo cách thủ công, xử lý lỗi xung đột IP là những công việc tẻ nhạt, tốn thời gian ngay cả trên những hệ thống mạng nhỏ. Đối với các hệ thống mạng lớn hơn, đó gần như là điều bất khả thi.
Xung đột IP & DHCP
Bởi vì DHCP chịu trách nhiệm cấp phát địa chỉ IP nên một lỗi nhỏ trên DHCP cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra lỗi xung đột IP. Thông thường, khi gặp lỗi này, bạn chỉ cần giải phóng IP bị trùng là đủ để xử lý vấn đề. Nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, bạn chỉ cần khởi động lại router.
Nếu những cách trên không thể xử lý vấn đề, nhiều khả năng bạn đang gặp một vấn đề nằm ngoài phạm vi router và thậm chí cả DHCP.
Bích Ngân