Trang chủ Tin Tức Di sản thiên nhiên thế giới tương lai vịnh Hạ Long –...

Di sản thiên nhiên thế giới tương lai vịnh Hạ Long – Cát Bà: Chung “nhà”, nhưng vẫn khác “mâm”?

799
Ngay từ khi có ý tưởng mở rộng ranh giới vịnh Hạ Long, bài toán quản lý đã được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi di sản nằm trên 2 địa phương khác nhau và có cách quản lý khác nhau. Vụ du khách Lynne Ryan với tàu Hoàng Phương 16 – HP4686 cho thấy những khác biệt khó dung hòa.
Khó đồng nhất theo hướng hạ chuẩn
Du khách Trần Đức Thành (Hà Nội) cho rằng, không ít người chưa hiểu được nội tình nên sớm “kết tội” Quảng Ninh cấm tàu du lịch Cát Bà đưa khách sang tham quan vịnh Hạ Long. Chưa kể, do chưa có tour, tuyến chính thức Cát Bà – vịnh Hạ Long nên tàu 2 bên không qua lại được, thì chất lượng đội tàu, cách quản lý giữa 2 bên quá khác biệt cũng khó cho việc thông tuyến. “Tôi nghĩ rằng, hầu hết du khách sẽ không chọn tàu Hoàng Phương 16-HP4686. Vậy thì tại sao lại phản đối Quảng Ninh loại bỏ tàu Hoàng Phương 16 để sau đó, tàu này chuyển vùng sang Cát Bà hoạt động? Tôi được biết, đội tàu du lịch của vịnh Hạ Long đạt trên chuẩn theo quy định. Điều này là tốt cho du khách, sao lại nói đó là hàng rào kỹ thuật Quảng Ninh đặt ra để cấm tàu Cát Bà sang vịnh Hạ Long?” – anh Thành chia sẻ.
Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – cho rằng, Quảng Ninh đã trải qua khá nhiều bài học xương máu đối với đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, nên việc siết chặt công tác quản lý và nâng hệ số an toàn cao hơn chuẩn toàn quốc nhiều lần là dễ hiểu. Theo thống kê, trong vòng gần 10 năm qua, trên vịnh Hạ Long đã có khoảng 10 tàu cháy, 11 tàu chìm, khiến 22 du khách thiệt mạng. Đáng chú ý là vụ chìm tàu Trường Hải ngày 17.2.2011, khiến 12 du khách (trong đó có 10 du khách nước ngoài) tử vong và vụ lật tender ngày 3.10.2012 khiến 5 du khách Đài Loan (Trung Quốc) thiệt mạng. Đó là 1 con số kinh hoàng và không đáng có ở 1 vùng vịnh tuyệt đẹp mà bất cứ ai 1 lần ghé qua cũng đều nhìn thấy sự bình yên, nên thơ.
Kể từ đó, Quảng Ninh ngày một siết chặt công tác quản lý cũng như tăng dần các điều kiện, tiêu chuẩn cho đội tàu du lịch. Trong đó, có những tiêu chuẩn vượt ngưỡng chung toàn quốc; thậm chí, Quyết định 4088 về việc giảm độ tuổi hoạt động của các loại tàu trên vịnh bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”. “Lâu nay, luật đánh đồng cả tàu du lịch với tàu chở khách thông thường. Không thể quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cũng như đò chở khách ở các tuyến sông, hồ” – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Khánh chia sẻ.
Nhờ vậy, trong vòng 2 năm qua, may mắn là không xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào trên vịnh Hạ Long. Hơn 30 tàu cũ đã bị loại ra khỏi vịnh Hạ Long, trong đó có nhiều tàu chuyển sang Cát Bà hoạt động. Vậy, khi vịnh Hạ Long và Cát Bà về chung 1 mái nhà, tàu Cát Bà phải nâng tầm để đạt chuẩn tàu vịnh Hạ Long, hay cứ hoạt động lẫn lộn giữa 2 loại tàu thuộc 2 đẳng cấp khác nhau?
“Ruộng nhà ai, người đó cấy”?
Theo quy định, 1 danh thắng nằm trên nhiều địa phương thì sẽ do 1 cơ quan thuộc cấp bộ quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý như vậy sẽ khó có hiệu quả, bởi cơ quan này không có thực quyền để xử lý những vấn đề tại hiện trường. Ban quản lý vịnh Hạ Long trước đây là cơ quan cấp sở, nhưng muốn giải quyết sự vụ gì phải mời được các ngành liên quan như công an, thuế, quản lý thị trường. Tuy nhiên, kể từ khi ban này được giao cho UBND TP.Hạ Long vào đầu năm 2016, nhờ có đủ các lực lượng trong tay, công tác quản lý trên vịnh Hạ Long chuyển biến rõ rệt.
Theo ông Phạm Đình Huỳnh – Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long – nạn tàu, thuyền bán hàng rong, “chặt chém”, lừa đảo, ép buộc du khách trên vịnh Hạ Long cơ bản đã giảm. Khá nhiều cuộc vây bắt loại tàu này diễn ra khốc liệt, mà nếu UBND TP.Hạ Long không huy động các lực lượng vào cuộc, khó có thể giải quyết được. Tính đến nay, đã có 26 tàu vỏ gỗ, thuyền nan đeo bám tàu du lịch để bán hàng rong và không có đăng ký, đăng kiểm bị tiêu hủy. Hàng chục lượt tàu du lịch, thuyền viên bị đình chỉ hoạt động có thời gian do những vi phạm, nhất là trong việc ứng xử với du khách.
“Tất cả tàu du lịch đều được gắn định vị, camera để chúng tôi theo dõi, giám sát. Năm 2017, thông qua Báo Lao Động, 1 du khách “tố” nhà tàu ăn bớt thời gian thăm vịnh và nhờ xem lại định vị, chúng tôi xác định phản ánh của du khách là đúng, nên đã tạm dừng hoạt động của tàu này và thuyền trưởng. Nếu tàu Hoàng Phương 16-HP4686 có định vị thì đã chẳng phải cãi nhau về việc đón đoàn khách Úc ở đâu” – ông Huỳnh nói.
Những người trong cuộc cho rằng, nếu vịnh Hạ Long – Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thì giải pháp quản lý tốt nhất vẫn là như hiện nay: Ranh giới bên nào bên đó quản lý, bởi bất cứ cơ quan nào không có lực lượng hành pháp trong tay cũng đều “bó tay”. Khi đó, nếu cách thức quản lý đội tàu du lịch của 2 bên vẫn khác biệt thì di sản chung nhưng vẫn phải khai thác riêng, bởi không phải Hạ Long “ngăn sông, cấm chợ”, mà không thể hạ chuẩn tàu du lịch để giống nhau được.
Ông Hồ Quang Huy – Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long – cho rằng, giải pháp tốt nhất vẫn phải là đồng bộ hóa công tác quản lý giữa Cát Bà và vịnh Hạ Long theo hướng ngày càng tốt hơn thì mới kết nối được. Sau đó, du khách, tàu du lịch sang bên nào thì bên đó thu tiền.