Trang chủ Tin Tức “Điểm danh” những chiếc iMac ấn tượng nhất trong 20 năm qua

“Điểm danh” những chiếc iMac ấn tượng nhất trong 20 năm qua

771


Cách đây 20 năm, vào ngày 6/5/1998 thế hệ iMac đầu tiên chính thức được Apple ra mắt. iMac là dòng sản phẩm tác động lớn đến ngành công nghiệp máy tính nói riêng và ngành công nghệ nói chung. Đây cũng là biểu tượng của văn hóa Apple, nó cho thấy một công ty yếu thế trước Microsoft đã vực dậy như thế nào để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như ngày nay.
Với nhiều thay đổi trong suốt 20 năm, iMac đã có một hành trình dài. Hãy cùng điểm qua những chiếc iMac được xem là “bước ngoặt” của ngành công nghệ trong thời gian qua.
iMac thế hệ đầu tiên

Chiếc iMac đời đầu trông khá kỳ quái với màn hình CRT 15 inch, ổ cứng chỉ 4GB nhưng nó được gọi là “cuộc cách mạng nhỏ” vào thời điểm ấy. Thiết kế tích hợp mọi thứ vào một màn hình duy nhất của iMac được nhiều hãng máy tính sau này áp dụng và gọi là “all-in-one”.
Theo Engadget, iMac được thiết kế cho việc truy cập internet, tính năng mà khi đó vẫn chưa nhiều người tiếp cận, đó cũng là ý nghĩa chữ “i” trong tên gọi iMac.
iMac cũng góp phần mở ra kỷ nguyên cho cổng kết nối USB. Chắc chắn cổng USB đã xuất hiện trước iMac, nhưng việc loại bỏ các cổng cũ để chuyển sang USB (cùng việc Microsoft cải thiện khả năng hỗ trợ USB trên Windows 98) khiến nhiều công ty phải phát triển thiết bị ngoại vi dùng cổng USB, góp phần giúp cổng USB nhanh chóng phổ biến rộng rãi.
Và cũng không thể phủ nhận rằng iMac chính là sản phẩm đánh dấu sự trở lại của Apple. Thành công của iMac giúp hãng vượt qua khó khăn sau những sai lầm trong quá khứ. iMac cũng mở đường cho một triết lý mới của Táo khuyết: đơn giản và dễ sử dụng. Danh tiếng của Jonathan Ive cũng ngày càng củng cố thêm sau iMac.
iMac G4: Phép thử của Apple

Apple đã gặp vấn đề với chính sự thành công của iMac: làm sao để tạo ra một thiết bị “biểu tượng” khác giống iMac khi thiết kế kết hợp màn hình CRT lồi đã cũ kỹ?
Đối với Apple, hãng không ngần ngại thay đổi, thậm chí có phần táo bạo với chiếc iMac G4 ra mắt năm 2002. Lấy cảm hứng từ “hoa hướng dương”, thiết bị có màn hình LCD phẳng 15 inch (sau này còn có bản 17 và 20 inch) nối với chân đế hình cầu phía dưới bằng bản lề có thể nghiêng hoặc xoay.
Dù không tạo ra “cú hích” lớn như iMac đời đầu do giá cao và hiệu năng chip xử lý PowerPC không như kỳ vọng, song nó đã mở ra một chiến lược mới cho Apple: tập trung vào đa phương tiện, nội dung kỹ thuật số, thúc đẩy khái niệm như camera kỹ thuật số và biên tập video nghiệp dư.
iMac G5 và sự kết hợp cùng Intel

iPod ra mắt khoảng vài tháng trước iMac G5 nhưng đã thành “ngôi sao” vào năm 2005, điều đó khiến Apple muốn làm một chiếc máy tính kết hợp hoàn hảo với máy nghe nhạc của mình, thế là iMac G5 ra đời.
Với 2 phiên bản 17 và 20 inch, thiết kế all-in-one của iMac G5 được “vay mượn” từ iPod. Những cải tiến bên trong iMac G5 cũng rất đáng giá với CPU 64-bit. Ngôn ngữ thiết kế màn hình gắn vào chân đế trên iMac G5 được nhiều hãng khác áp dụng và Apple vẫn tiếp tục duy trì đến ngày nay.
Một số bản nâng cấp của iMac G5 còn giúp phổ biến webcam trên máy tính để bàn và là những thử nghiệm đầu tiên của Apple cho trung tâm giải trí qua giao diện Front Row. Bạn có thể thấy giao diện này trên những chiếc Apple TV đời đầu chạy phần mềm cũ.
Tuy nhiên, nhiều người có thể biết đến thiết kế của iMac G5 vì một lý do khác: Đây là máy tính Apple đầu tiên sử dụng CPU Intel. Chiếc iMac đầu tiên dùng CPU x86 có thiết kế khá giống iMac G5, cho tốc độ nhanh hơn và có thể làm nhiều thứ chưa từng có trước đây, như cài Windows song song với Mac OS.
iMac nhôm nguyên khối

Đến năm 2007, thiết kế của iMac đã trở nên quen thuộc trên những chiếc máy tính để bàn cho gia đình, nhưng với iMac nhôm nguyên khối, mọi thứ đã thay đổi.
Thiết kế kim loại và kính của iMac mới không chỉ gợi nhớ đến iPhone đời đầu mà còn giúp iMac “long lanh” hơn khi đặt trong văn phòng. iMac nhôm mới gồm 2 phiên bản 20 và 24 inch, kèm bộ bàn phím và chuột không dây, sử dụng CPU 2 nhân. Dù không thể xoay chuyển ngành công nghiệp như phiên bản 1998, song thiết kế của iMac nhôm đã thực sự đạt đến đỉnh cao.
Những thế hệ iMac sau đó vẫn giữ ngôn ngữ thiết kế quen thuộc này, chỉ có vài sửa đổi nhỏ. Nó cho thấy sự phát triển của cả ngành công nghiệp và vai trò mới của iMac: máy tính chuyên nghiệp cao cấp trong thời đại smartphone và laptop đang đổ bộ.
Thế hệ iMac unibody (từ 2009) có thêm phiên bản 27 inch và CPU 4 nhân, các thế hệ sau đó trang bị chuẩn giao tiếp Thunderbolt tốc độ cao do Apple và Intel hợp tác phát triển.
iMac thế hệ 2012 đánh dấu cho cái chết của ổ CD khi người dùng chuyển sang dịch vụ lưu trữ đám mây và stream video, nhạc qua internet.
iMac trở thành máy trạm: iMac Retina và iMac Pro

Năm 2014, ngành công nghệ và máy tính đã khác xa so với 1998. Smartphone và tablet ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số PC. Vai trò cần thiết của iMac giờ không chỉ còn lướt web, sửa ảnh hay biên tập phim thông thường mà đã mở rộng ra biên tập, dựng đồ họa chuyên nghiệp.
Giải pháp của Apple lần này là iMac với màn hình Retina. Phiên bản 27 inch của iMac Retina có độ phân giải lên tới 5K, giá bán không quá đắt đỏ vì nhiều màn hình 5K thời điểm đó thậm chí còn đắt hơn cả chiếc iMac. iMac từ đó trở thành máy tính yêu thích của các nhà làm phim, dựng đồ họa hay thiết kế.
Tuy nhiên, nếu để nhìn vào sự thay đổi lớn nhất của iMac trong 20 năm qua thì ví dụ rõ ràng nhất chính là iMac Pro. Đây được xem là hệ thống lý tưởng cho những ai quá chờ đợi vào bản nâng cấp của Mac Pro, nhưng nó cũng đại diện cho sự thay đổi chiến lược của Táo khuyết. Trong khi iMac năm 1998 hướng đến những công việc cơ bản, dễ dàng thì iMac Pro chuyên đảm nhận những tác vụ nặng nề với CPU Intel Xeon cho máy trạm, card đồ họa dạng “khủng”, SSD tốc độ cao và giá bán lên đến 5.000 USD (113 triệu đồng).
iMac Pro đã không còn thuộc về thông điệp “máy tính cho phần còn lại của mọi người” mà Apple truyền tải, nhưng cũng đúng thôi vì trong thời đại smartphone hay tablet đang “thống trị” như hiện nay, máy tính cũng không còn là thứ gì quá cao siêu hay đa năng mà nó từng được ví như cách đây 20 năm.
Phúc Thịnh