Trang chủ Tin Tức Giải mã cách Avengers: Infinity War biến Josh Brolin trở thành...

[Điện ảnh] Giải mã cách Avengers: Infinity War biến Josh Brolin trở thành gã khổng lồ màu tím Thanos

795

Nói không ngoa, Thanos là một trong những kẻ phản diện vĩ đại nhất từ trước đến nay trong vũ trụ
điện ảnh Marvel. Gã khổng lồ màu tím cùng ước mơ kế hoạch hoá phân nửa vũ trụ với một cái búng tay, không chỉ đơn thuần là kẻ ác nhân đệ nhất thiên hà mà đồng thời là kỳ quan của
kỹ xảo điện ảnh hiện đại.

Nam tài tử Josh Brolin đã từ lâu nổi tiếng với những vai nam tính mạnh mẽ, nhưng như thế là chưa đủ để ông có thể vào vai ác nhân đệ nhất dải thiên hà Thanos. Chính vì vậy mà ê-kíp làm
phim
Avengers: Infinity War đã phải nhờ đến bàn tay ma thuật của đội ngũ kỹ xảo điện ảnh Digital Domain, studio được thành lập bởi đạo diễn lừng danh James Cameron và cố chuyên gia hoá trang huyền thoại Stan Winston từ 25 trước. Để phòng khi bạn lỡ quên, James Cameron chính là đạo diễn đã đứng sau 2 bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại là Titanic và Avatar.

Những nhân vật được tạo ra bởi CG trong điện ảnh đương đại không phải là hiếm, nhưng biến Josh Brolin trở thành một kẻ huỷ diệt dải ngân hà màu tím trong Avengers: Infinity War có thể xem là đỉnh cao của công nghệ hiện nay. Nó đòi hỏi phải Digital Domain phải kết hợp giữa hệ thống sao chép chuyển động phức tạp kết hợp với công nghệ trí thông minh nhân tạo để làm được điều kỳ diệu mà bạn thấy trên màn bạc.

Điều thú vị là Digital Domain không phải là studio kỹ xảo duy nhất tham gia quá trình sản xuất Avengers: Infinity War, mà còn rất nhiều studio khác nữa. Mỗi studio tuy đảm nhận nhiệm vụ khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn kết hợp một cách nhịp nhàng để tạo nên 3000 khung hình được xây dựng bằng kỹ xảo. Để tham khảo, bộ phim kinh điển Titanic cuối những năm 90 đã được xem là đỉnh cao nhưng chỉ có khoảng 300 cảnh dựng bằng kỹ xảo mà thôi. Thanos là trọng tâm của Digital Domain, và đây là thử thách cực kỳ khó khăn đối với studio này.

Thanos là nhân vật phản diện chính của Avengers: Infinity War, xuất hiện đến hơn 40 phút trên màn bạc. Thất bại trong việc tạo hình Thanos cũng đồng nghĩa với thất bại của toàn bộ phim, vì vậy mọi khung hình của nhân vật này đều được xây dựng một cách chi tiết. Mục tiêu ở đây không chỉ đơn thuần là tạo ra một kẻ phản diện “giống thật” mà còn phải mang tính “nghệ thuật”, đủ khả năng tái hiện lại diễn xuất của Josh Brolin theo cách mà Marvel muốn gửi đến khán giả của mình.

Để làm được điều này, Digital Domain bắt đầu với thiết kế cổ điển của Thanos trong truyện tranh, được Marvel Art Department số hoá thành tượng kỹ thuật số. Các bậc thầy về kỹ xảo điều chỉnh các chi tiết nhỏ như khoảng cách của 2 mắt, hay tương quan vị trí giữa mắt và miệng của khuôn mặt Thanos gần hết mức có thể với Josh Brolin mà vẫn giữ được nét đặc trưng. Điều này cho phép khi sử dụng công nghệ thu lại chuyển động thì cảm xúc của Brolin sẽ được giữ lại nhiều nhất. Song song đó những chi tiết trên phục trang và da của Thanos được xây dựng mất hàng tháng trời, thậm chí là gần một năm dưới sự giám sát khắt khe của Marvel.

Để biến thành Thanos, Josh Brolin mặc trên người bộ đồ sao chép chuyển động “truyền thống” của công nghệ kỹ xảo
CGI. Tuy nhiên anh còn đội thêm một chiếc mũ, được tích hợp 2 camera HD chạy ở tốc độ 60 fps. Khi dựng phim, ê-kíp Digital Domain sẽ sử dụng những thông tin ghi nhận được để tạo hình. Đặc biệt là phần biểu hiện khuôn mặt cực kỳ được chú trọng, với công nghệ độc quyền mang tên Masquerade để lấy thông tin khuôn mặt từ camera độ phân giải HD gắn trên mũ. Bước tiếp theo Digital Domain hợp tác với Disney Research để tạo ra công nghệ mang tên Medusa nhằm lấy hình ảnh độ nét cao khuôn mặt của Josh Brolin làm cơ sở dữ liệu. Hơn 50 kiểu khuôn mặt chính được thu lại và sự biến đổi của chúng, từ cơ cho đến da, từ vẻ mặt cho đến chuyển động của xương. Việc kết hợp giữa Masquerade và Medusa đã giúp tạo ra một trong những nhân vật phản diện bằng CG chân thật nhất từ trước đến nay.

Chính xác hay không chính xác? Dữ liệu về hình ảnh của Thanos được đưa qua một hệ thống trí thông minh nhân tạo học liên tục để tự động đảm bảo rằng Thanos biểu cảm giống như Josh Brolin. Sau đó đội ngũ làm kỹ xảo sẽ tiếp tục có những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như khiến mắt mỏ to hơn nay nhíu mày để nhấn mạnh cảm xúc nếu cần thiết. Đây cũng là lần đầu tiên mà Digital Domain sử dụng công nghệ máy học trong kỹ xảo điện ảnh.

Một yếu điểm của các nhân vật CG chính là đôi mắt, và đó cũng là một trong những trọng tâm của đội ngũ Digital Domain. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhưng khó khăn là ở chỗ bạn không thể gắn thiết bị theo dõi chuyển động của nó như đối với cơ thể. Lúc này là lúc công nghệ Medusa vào cuộc, mang đến những hình ảnh độ phân giải cao về trạng trái của mắt. Sử dụng những dữ liệu đó, đội ngũ dựng phải làm việc cật lực để đảm bảo ánh mắt của mô hình Thanos khớp với ánh mắt của Josh khi thể hiện cùng một cảm xúc. Không chỉ đơn thuần là tròng mắt, nhưng chi tiết xung quanh như da, mí mắt đều được chăm chút một cách kỹ càng để đảm bảo sự trung thực tối đa.

Và đó cũng là cách mà Avengers: Infinity War biến Josh Brolin trở thành gã khổng lồ màu tím với giấc mơ kế hoạch hoá vũ trụ chỉ với một cái búng tay. Thành công của Avengers: Infinity War có thể nói là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của ê-kíp làm phim của Marvel Studio nói chung và các bậc thầy về kỹ xảo điện ảnh của Digital Domain. Và dù ghét hay thích Thanos, chúng ta đều phải thừa nhận rằng hắn ta chính là một trong những kỳ quan được tạo nên từ kỹ xảo điện ảnh đương đại.