Ngoài Disruptor, vô số những kiểu giày cục mịch xấu trai dành cho “ông già” cũng được hồi sinh. Có thể nói, vòng lặp của thời trang đang khiến giới mộ điệu “tự làm mình xấu đi để trông đẹp và hợp thời hơn”.
Gần 1 năm trở lại đây, Disruptor đã trở thành hit, bán đắt như tôm tươi tại các hệ thống bán lẻ sneakers như Foot Locker, đến nỗi CEO Dick Johnson gọi nó là một trong những mẫu sneakers hot nhất của nhà bán lẻ bên cạnh giày skate của Vans. Đóng góp lớn cho doanh số bán hàng của Fila tại mỹ, tăng khoảng 21% trong quý gần đây.“Đó là một bước tăng trưởng đáng kể,” Matt Powell, nhà phân tích công nghiệp sneakers cho NPT Group cho biết. “Tất cả nhờ vào xu hướng thời trang hoài cổ và dad shoes”.Thương hiệu và logo hoài cổ của Fila đã được chú ý và đi sâu vào làng thời trang trong thời gian qua. Bắt đầu với việc nhà thiết kế người Nga Gosha Rubchinskiy, lấy cảm hứng từ thời trang 1980 – 1990 và đưa Fila lên sàn catwalk vào cuối năm 2016. Chưa kể, Fendi còn làm nổi bật thương hiệu bằng cách mượn font chữ “F” của Fila cho BST mùa thu.
Vào tháng 7, nền tảng tìm kiếm toàn cầu Lyst, đã đưa ra bảng xếp hạng các sản phẩm hot, hit nhất từ quý trước – dựa trên các yếu tố như tìm kiếm, page views, doanh số bán ra của 6 triệu mặt hàng. Và điều bất ngờ chính là, Disruptor đứng thứ 2 trong danh mục sản phẩm dành cho nữ. Nó đánh bại vô số đối thủ sừng sỏ, thường được truyền thông thổi phồng như Prada, OFF-WHITE và Chanel. Tại nhiều thành phố ở Anh, Disruptor còn đứng đầu danh sách sneakers dành cho nữ.Đầu tiên phải kể đến lợi thế về bày bán, Fila Disruptor luôn xuất hiện ở những mặt tiền đẹp nhất của các nhà bán lẻ như Urban Outfitters và Journeys. Kế đến là giá cả, chỉ 65 – 70 USD (1,5 – 1,6 triệu đồng) là bạn đã có được mẫu dad shoes này, rẻ hơn nhiều so với Triple S (895 USD) của Balenciaga và M2K Tekno (100 USD) của Nike. Size số đầy đủ cho cả nam và nữ, Powell nhấn mạnh rằng, xu hướng và sở thích dành cho dad shoes ở nữ giới phát triển mạnh và rõ rệt hơn nam giới.
Fila là cái tên lâu đời ở Anh và Mỹ, nó đã từng rất mạnh nhưng biến mất dần sau những sai lầm của hình thức kinh doanh. Trong một bài viết của Forbes đăng tải vào năm 2008, doanh số bán hàng của Fila Mỹ năm 1997 đạt mức cao nhất là 687 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi cố gắng đưa sản phẩm của mình vào những nhà bán lẻ sáng trọng, 1 thập kỷ sau, Fila Mỹ “mất 42 triệu USD trên doanh thu 61 triệu USD”.Cùng vào năm 2007, Gene Yoon, người sáng lập bộ phận Hàn Quốc của Fila đã giám sát sự hồi sinh dần dần của thương hiệu này. Bao gồm việc tạo ra danh mục hàng hóa tên là “Di sản” của Fila, một trong những yếu tố quan trọng trong thành công hiện tại của Fila.
Hiện tại, quần áo và giày dép của Fila đang hòa nhập mạnh mẽ vào xu hướng rộng lớn hơn của thời trang.“Khi bạn thấy các thương hiệu thời trang cao cấp, bán những đôi giày xấu xí và cồng kềnh – chúng tôi đã có yếu tố này trong DNA của thương hiệu từ năm 1993…”, Louis Colon III, giám đốc Fila Bắc Mỹ cho biết vào năm ngoái.Ông nói thêm rằng, Fila không chỉ muốn trở thành thương hiệu hoài niệm. Mục tiêu của họ là cân bằng quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo Quartzy