Trang chủ Tin Tức Đồ chơi nguy hiểm tính mạng con người bán đầy rẫy trên...

Đồ chơi nguy hiểm tính mạng con người bán đầy rẫy trên Lazada, Shopee

811

Chốt an toàn giả – vài chục ngàn là có!
Sau bài viết “Người dùng hoang mang trước “mê hồn trận” hàng nhái trên Lazada”, Dân trí tiếp tục nhận được rất nhiều phản ánh từ độc giả về tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất nhiều trên trang thương mại này. Tuy nhiên, trong đó có một phụ kiện mà độc giả phản ánh rằng, cần dẹp bỏ ngay nếu không sẽ xảy ra những nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của người dân.
Chốt an toàn giả đầy rẫy trên các trang thương mại điện tử
“Chốt dây an toàn giả” là phụ kiện được rất nhiều công ty, viện nghiên cứu khuyến nghị tuyệt đối không sử dụng. Nó được ví như là phụ kiện dự báo trước cái chết của người sử dụng nó. Tuy nhiên, không hiểu sao phụ kiện này vẫn được bày bán công khai và mua dễ dàng, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn.
Dây an toàn được thiết kế ra nhằm mục đích bảo vệ người ngồi trên xe ô tô, máy bay hoặc các phương tiện khác. Khi xảy ra va chạm, dây an toàn sẽ giúp người ngồi trên xe không bị văng ra, kết hợp cùng túi khí để đảm bảo an toàn tính mạng. Theo các nghiên cứu, dây đai an toàn đã giúp cứu sống hàng triệu mạng người mỗi năm.
Tuy nhiên, có vẻ như không quan tâm đến tính mạng con người, nhiều trang web thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Sendo… đều đăng tải và cho phép các cửa hàng bày bán công khai mặt hàng chốt dây an toàn giả và được quảng bá với nhiều cụm từ “mĩ miều”, nào là làm từ inox chắc chắn, yên tâm về chất lượng…
Những nguy hiểm khi không thắt dây an toàn
Khảo sát của Dân trí, truy cập vào website của Lazada, Shopee và nhiều trang thương mại điện tử khác, gõ cụm từ chốt cắm móc đai an toàn, hàng trăm kết quả được hiện ra, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn.
Thử truy cập vào một nơi bán có giá 151 ngàn đồng, cửa hàng này mô tả: “Khi đi với quãng đường ngắn bạn không muốn thắt dây an toàn thì sản phẩm đầu khóa chốt cắm móc đai an toàn sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Đầu khóa chốt cắm móc đai an toàn cho xe hơi được sử dụng để cắm vào chốt đai an toàn, làm cho thiết bị này không phát ra tiếng còi báo động trong trường hợp bạn không thắt dây an toàn”.
Chốt dây an toàn giả này nhằm qua mặt hệ thống bảo vệ của xe hơi, khi cắm vào chốt bảo vệ thì xe sẽ tắt đi cảnh báo âm thanh và người dùng sẽ không cần phải đeo dây an toàn. Khi người dùng mua phụ kiện này để sử dụng, tức đã khiến cho cơ hội sống sót bị giảm đi đáng kể nếu có va chạm xảy ra.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ các trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam nên dẹp bỏ ngay mặt hàng này. Một mặt hàng không có ích và thậm chí gọi là phụ kiện “giết người”.
“Đừng vì lợi ích quá nhỏ bé mà có thể giết chết hàng chục, hàng trăm người. Đừng để cho phụ kiện này phổ biến, hãy dẹp bỏ ngay!”
Phần mềm vi phạm bản quyền cũng xuất hiện nhiều
Ngoài ra, trên các trang thương mại điện tử Lazada, Shopee cũng đang “dung túng” cho các cửa hàng kinh doanh các phần mềm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phần mềm của Microsoft có giá chỉ vài trăm
Độc giả Hải Châu gửi phản ánh, một phần mềm Microsoft Office 365 có giá vài triệu đồng nhưng lên Lazada thì chỉ có 200-300 ngàn đồng mà xài vĩnh viễn.
Một độc giả khác cũng cho biết, phần mềm diệt virus của Kaspesky cũng chào bán khá rẻ khi so với mua ở các cửa hàng chính hãng. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc đều cho biết nhập từ nước ngoài? Trong khi tìm hiểu chỉ có một đơn vị duy nhất ở Việt Nam được nhập khẩu và phân phối mặt hàng này.
Trước thực trạng trên, trao đổi với Dân trí, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Giám đốc điều hành NTS, nhà phân phối

Kaspersky tại Việt Nam cho biết, công ty ông đã ghi nhận nhiều trường hợp và đã có những thông báo đến Lazada và Sendo để gỡ bỏ hàng giả.
Ông này cho rằng hàng giả hàng nhái trên các trang thương mại điện tử không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng và doanh số bán hàng của Lazada và các trang bán hàng khác. Trong giai đoạn thương mại điện tử phát triển mạnh và tỷ lệ điện thoại thông minh ngày càng lớn, tiềm năng của thị trường bán qua mạng rất lớn thì vấn nạn hàng giả, lừa đảo qua mạng làm chùn bước phát triển và người dụng ngại mua sắm. Đã đến lúc các trang thương mại điện tử có chế độ bảo hành cho bên mua, bảo vệ người mua hàng để doanh số thị trường phát triển nhanh hơn nữa.
“Chúng tôi tin rằng để dẹp bỏ hàng giả hàng nhái không chỉ cần các nhà cung cấp mà còn phải nhờ sự giúp đỡ phát hiện của người dùng. Nên chăng có cả những khoản phạt với người bán hàng giả và tặng thưởng cho người mua phát hiện hàng giả. Đó là cách nhanh nhất để làm sạch các trang thương mại điện tử”. Ông Vũ nói thêm.
Ngoài những các mặt hàng trên, rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái thương hiệu Uniqlo, Adidas, Nike, Pierre Cardin… cũng đang tràn ngập trên Lazada và các trang thương mại điện tử khác.
Nếu có những khiếu nại và phản ánh, độc giả hãy gửi thư về cho báo điện tử Dân trí hoặc bình luận thêm ở bên dưới bài viết.
Gia Hưng