Trang chủ Tin Tức Đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ: Hướng đến phục...

Đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ: Hướng đến phục vụ xã hội

803
Là một trong 6 mô hình đổi mới sáng tạo thu hút nhiều sự quan tâm tại Hội thảo Giới thiệu các mô hình đổi mới sáng tạo tại quận huyện do Sở KHCN TP.HCM tổ chức vào trung tuần tháng 5/2018, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại phường 2 – quận 10 được triển khai thí điểm từ tháng 9/2017.
Tăng tốc xử lý hồ sơ
Ông Nguyễn Trọng Thiện – Chủ tịch UBND P.2 – Q.10 cho biết khối lượng công việc lớn cùng với yêu cầu ngày càng cao từ phía người dân về thời gian, chất lượng giải quyết công việc đối với hoạt động hành chính công đã khiến cách làm thủ công tại các quận huyện trước đây về cơ bản không thể đáp ứng được.
Do đó, cùng với nhiều đơn vị cơ sở tại TP.HCM thì UBND P.2 – Q.10 đang tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công để tăng năng suất công việc, nhằm đem lại sự hài lòng tối đa cho người dân.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KHCN giới thiệu các mô hình DMST tại quận, huyện.

Cũng theo ông Thiện, trước đây, phường chỉ tiếp nhận và xử lý hồ sơ bằng giấy tờ, sổ sách và điều này rất bất tiện, mất nhiều thời gian, công sức khi cán bộ, công chức muốn tìm kiếm thông tin hồ sơ.
Cũng như nhiều đơn vị khác, trước đây việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại đơn vị này gần như hoàn toàn được thực hiện thủ công, hay nói rõ hơn là gần như tất cả hồ sơ đều được tiếp nhận, lưu trữ và xử lý trên giấy tờ, sổ sách.
“Điều này khiến cho tốc độ xử lý hồ sơ kéo dài. Mỗi khi cần tìm kiếm thông tin, cán bộ của phường cũng phải vất vả vật lộn với hàng chồng giấy tờ, sổ sách”, ông Thiện nói.
Trước tình hình đó cùng với chủ trương đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN trong hoạt động tại cơ sở, UBND Q.10 phối hợp với Sở KHCN TP.HCM triển khai thí điểm Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn P.2 từ tháng 9/2017.
Kể từ đó, hoạt động dịch vụ công tại đây đã có những thay đổi hết sức tích cực.
Không chỉ rút ngắn đáng kể thời gian tiếp nhận hồ sơ, hệ thống còn giúp công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ. Người dân có thể thông qua trang web để tra cứu quá trình xử lý hồ sơ đã nộp một cách chủ động, vừa giảm thời gian, chi phí đi lại vừa tránh được những phiền phức không cần thiết.
Đối với cán bộ địa phương, việc triển khai hệ thống đã giúp cho năng suất công việc của họ được nâng cao. Những việc trước đây tốn rất nhiều thời gian, công sức thì hiện nay có thể hoàn thành chỉ bằng vài cú click chuột.
“Từ khi sử dụng Mô hình Dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần một cú click chuột là có thể tìm kiếm chính xác một hồ sơ, quá trình xử lý hồ sơ, các hồ sơ trễ hạn, các hồ sơ đang phải xử lý…. Phần mềm này đem lại kết quả rất hữu hiệu như giúp rút ngắn thời gian tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ kết xuất báo cáo thực hiện ISO định kỳ”, ông Thiện nhận xét.
Từ khi triển khai thí điểm đến nay, trên Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tại P.2 – Q.10 đã tiếp nhận và xử lý 683 hồ sơ. Các chuyên viên của phường hiện đang sử dụng hệ thống để tiếp nhận, xử lý, luân chuyển và trả hồ sơ hàng ngày. Sự hài lòng của người dân đối với các thủ tục hành chính công cũng được nâng cao.
Đảm bảo trật tự đô thị nhờ ứng dụng di động
Những mô hình như Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tại P.2 – Q.10 không phải cá biệt mà trong thực tế, hiện có rất nhiều mô hình đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang được triển khai hiệu quả tại các quận, huyện ở TP.HCM. Nhờ đó, sự hài lòng và lòng tin của người dân với chính quyền địa phương ngày càng được củng cố.
Là địa bàn sầm uất với mật độ dân số cao, trật tự đô thị là vấn đề nóng tại quận Bình Thạnh nhiều năm qua. Nhưng bộ mặt đô thị đang từng ngày trở nên chỉnh chu, trật tự hơn nhờ ứng dụng di động “Bình Thạnh trực tuyến”.
Đây được đánh giá là một trong những mô hình tiêu biểu về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tại cơ sở.

Ứng dụng Bình Thạnh trực tuyến.

Khi phát hiện vi phạm, người dùng phần mềm chỉ cần chụp ảnh, nhập địa chỉ vi phạm, chọn hành vi vi phạm và gửi lên ứng dụng. Ngay lập tức, những phản ánh đó sẽ được tự động chuyển đến chủ tịch UBND phường có vi phạm và trong vòng tối đa 2 giờ, UBND phường cử lực lượng đến xử lý. Những hình ảnh đã chụp lại sẽ được các lực lượng sử dụng làm bằng chứng chứng minh vi phạm. Kết quả xử lý sẽ được cập nhật tại chỗ và công khai trên ứng dụng để người dân theo dõi, giám sát. Nếu chưa đồng tình với kết quả xử lý, người dùng có thể tiếp tục có ý kiến tại nội dung phản ánh.
Nhận xét về “Bình Thạnh trực tuyến”, anh Trần Lê Nguyên ở tại Bình Thạnh chia sẻ: “Ứng dụng cho phép mình báo cáo lên cho chính quyền, 120 phút sau sẽ có người đến xử lý. Ứng dụng này sẽ giúp cho sự phát triển của đô thị ngày càng đẹp hơn.”
Triển khai từ tháng 4/2017, đến nay ứng dụng đã có hơn 7.000 lượt tải về và đã ghi nhận hơn 6.700 lượt phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm trật tự như xả rác, nước thải bừa bãi, lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng không phép và các vấn đề hạ tầng đô thị khác.
Nhưng quan trọng nhất theo ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó chánh Văn phòng UBND Q.Bình Thạnh là ứng dụng đã đem lại những chuyển biến tích cực về ý thức của người dân cũng như cán bộ, công chức. Tất cả vi phạm có thể bị phát hiện và phản ánh bất kỳ lúc nào khiến cho người dân không dám vi phạm, từ đó thay đổi được ý thức và hành vi của mình.
Bên cạnh đó, quá trình và kết quả xử lý được công khai buộc các cán bộ, công chức phải nâng cao trách nhiệm, hạn chế các tiêu cực. Ứng dụng cũng là kênh thông tin hữu hiệu về thông tin an ninh trật tự, thông tin hoạt động của địa phương giữa chính quyền với người dân.
Bên cạnh Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tại P.2 – Q.10, ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”, hàng loạt các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin khác đang được các quận huyện triển khai theo chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo tại cơ sở của thành phố. Những hiệu quả mà các mô hình này đang mang lại là minh chứng cho tính đúng đắn của cách làm này.
Với cơ chế đặc thù mới cho TP.HCM, quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức thành phố sẽ được cải thiện. Nhưng đi kèm với đó, yêu cầu của người dân với chất lượng công việc của khu vực hành chính công sẽ không ngừng tăng lên. Trong điều kiện đó, đổi mới sáng tạo, ứng dụng CNTT trong quản lý công trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả quận huyện.