Trang chủ Tin Tức Đón đầu những chiếc ô-tô tự lái

Đón đầu những chiếc ô-tô tự lái

926

Ô-tô tự lái – thành quả tất yếu của cuộc cách mạng 4.0

Không ít người sẽ nghĩ, viễn cảnh tuyệt vời kể trên chỉ tồn tại trong những tác phẩm điện ảnh đậm màu sắc khoa học viễn tưởng, trong thế giới tưởng tượng không giới hạn của các nhà làm phim Hollywood. Nhưng nếu thử dạo qua một số trang báo điện tử, đọc lướt qua một vài bài viết sẽ thấy ngành công nghiệp ô-tô thế giới đang hối hả, gấp rút ra sao, để sớm biến giấc mơ tưởng như hoang đường ấy thành hiện thực.
Theo TechWorld, Fiat đang phối hợp với BMW và Intel trong việc sáng tạo những dây chuyền sản xuất ô-tô tự lái đầu tiên. Nhà sản xuất ô-tô hạng sang Audi (Đức) thì tự tin những chiếc xe không cần con người điều khiển sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2020. Nhiều “gã khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất xe hơi như Tesla, Ford, Volvo cùng nhiều “ông lớn công nghệ” như Google, Apple… cũng đã chính thức tham gia cuộc chơi. Bởi theo đánh giá của nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu, “ô-tô tự lái là thành quả tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Những chiếc ô-tô tự hành chính là những con robot đạt độ chính xác 100%. Hoạt động độc lập, phân tích dữ liệu giao thông chính xác. Không bao giờ say rượu, không nhầm chân phanh thành chân ga. Không bị tác động tiêu cực bởi các yếu tố tâm lý, sức khỏe của tài xế. Do hoạt động hoàn toàn bằng điện năng, xe tự lái giúp giảm thiểu khí thải, hiệu ứng nhà kính để từ đó cải thiện tối đa tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu. Xe tự lái trở thành mô hình tối ưu, khi một số cơ quan phụ trách an toàn giao thông tại Mỹ cho rằng, “ô-tô vận hành bằng máy móc đạt độ an toàn cao hơn so với con người”. Và trong một bầu không khí đặc quánh khí thải, ngày càng độc hại cho sức khỏe con người (như thành phố New Delhi (Ấn Độ), nơi “chỉ hít thở cũng tương đương với hút 44 điếu thuốc lá một ngày”, ô-tô tự lái đã trở thành một lựa chọn hoàn hảo.

Google thử nghiệm xe ô-tô tự lái.
Không chỉ có thế, kỳ vọng lớn nhất mà các nhà sản xuất nhắm tới chính là đưa ra thị trường những sản phẩm giúp con người “Work and Play on the Go – vừa đi, vừa làm việc vừa chơi”. Hãy tiếp tục tưởng tượng, bạn cầm chiếc điện thoại thông minh, nhập địa chỉ cơ quan của mình, của vợ cùng trường học của con rồi ấn nút gọi ô-tô tự lái. Chiếc xe sẽ tự động ra khỏi garage, lần lượt đón từng thành viên gia đình. Cả gia đình có thể trò chuyện, vui đùa với nhau trong suốt hành trình, cho đến khi xe dừng trước cửa. Giấc mơ ấy đã có hẳn một hình hài cụ thể, khi hãng xe danh tiếng Renault dụng công khắc họa viễn cảnh tuyệt vời đó, trong một video clip tung ra mới đây về mẫu xe tương lai mang tên Symbioz.

Không chỉ tăng tốc trên đường đua hoàn thiện công nghệ, lắp đặt dây chuyền sản xuất, ngành công nghiệp ô-tô thế giới – với sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ của nhiều quốc gia đã gấp rút chuẩn bị song song những công nghệ và cả hành lang pháp lý đi kèm.
Theo tác giả Nguyễn Mai Đức, trong một bài viết đăng tải trên diễn đàn Vforum.vn, vì ô-tô tự lái chạy bằng điện nên rất cần trạm sạc tự động trên đường. Hiện tại, Mỹ đã có 16 nghìn trạm sạc công cộng. Trung Quốc đang dự định tăng từ 150 nghìn trạm lên tới 800 nghìn trạm, thậm chí đã cân nhắc tới việc xây dựng những con đường giúp xe vừa đi vừa tự sạc. Những văn bản đầu tiên quy định điều kiện sản xuất xe tự lái (áp dụng cho cả nhà sản xuất lẫn công ty công nghệ) đã được chính phủ liên bang Mỹ ban hành từ 2016. Và nước Pháp đã công bố kế hoạch cấm toàn bộ xe chạy bằng xăng và dầu vào năm 2040 như một động thái mở đường cho xe hơi không người lái.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao – chìa khóa để phát triển
Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) của ngành cơ khí động lực do Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên và Tạp chí Cơ khí Việt Nam tổ chức năm ngoái. Nhưng đây cũng chính là mảng thiếu hụt trầm trọng, trong thực tế phát triển của ngành công nghiệp ô-tô trong nước, tính đến thời điểm này. Trong khuôn khổ cuộc hội thảo nói trên, bà Phạm Thị Phương Thảo – Giám đốc Công ty phát triển nhân lực HP thẳng thắn chia sẻ, “trong khi doanh số bán hàng và lượng xe tăng trưởng rất mạnh thì ở chiều ngược lại, chúng ta đang rất thiếu nguồn nhân lực theo kịp tốc độ phát triển ấy. Tuy phong trào đào tạo kỹ sư ô-tô hiện đang nở rộ với khoảng hai nghìn sinh viên ra trường hằng năm (chưa tính tới hệ đào tạo cấp dưới và trung tâm dạy nghề) nhưng kiến thức và tay nghề kỹ thuật của đội ngũ này vẫn bộc lộ nhiều bất cập”.
Phát biểu trong Hội thảo – Triển lãm quốc tế về phát triển công nghệ thông minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá. Việc hình thành, phát triển lực lượng lao động được trang bị đủ kỹ năng, trình độ để khai thác, làm chủ công nghệ, phương thức vận hành mới cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam”.
Dõi theo cơn lốc phát triển công nghệ ô-tô thế giới, nguy cơ thiếu hụt NLCLC để đuổi kịp, thậm chí đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ấy đang là bài toán cực kỳ nan giải. “Ô-tô tự lái sẽ hiện diện trong tương lai gần, chúng ta phải làm gì để có được nguồn lực nhân sự tương ứng” là vấn đề mà các đơn vị đào tạo trong nước đang băn khoăn, trăn trở.
Sự thay đổi về ngành nghề đào tạo, về lĩnh vực ứng dụng, năng lực cùng việc hướng nghiệp cho sinh viên để từ đó cho ra đời nguồn NLCLC đang đặt ra yêu cầu thay đổi cấp thiết. PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) – cái nôi đang đào tạo hàng nghìn kỹ sư tương lai mỗi năm- cho biết: “Bên cạnh đào tạo kỹ sư, nhà trường sẽ tập trung đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu – phát triển để đào tạo lực lượng chuyên gia, không chỉ có khả năng vận hành hệ thống mà còn có thể nghiên cứu phát triển và thiết kế hệ thống cùng thiết bị thông minh… Từ năm 2017, trường đã xây dựng dự án đào tạo tinh hoa Elitech, bao gồm tất cả các chương trình đào tạo đặc biệt chất lượng cao vốn có từ trước, theo khuôn khổ mới với chuẩn mực mới”.

Chính vì thế, để các doanh nghiệp ô-tô trong nước giữ được thế chủ động về nguồn nhân lực tương ứng khi biểu tượng của công nghiệp ô-tô 4.0 xuất hiện, một chương trình tiên tiến đào tạo kỹ thuật ô-tô (TE –E2), trong khuôn khổ Dự án đào tạo tinh hoa Elitech đã chính thức góp mặt trong danh mục tuyển sinh năm 2018 của trường ĐHBK.
Nỗ lực tạo mảnh đất ươm mầm và vun xới nhân lực tinh hoa tương lai của Viện cơ khí động lực – ĐHBK đã có được bước khởi đầu khả quan. Để bảo đảm chất lượng đào tạo thật sự “tinh hoa”, năm đầu tiên chỉ tuyển 30 sinh viên, với kỳ vọng sẽ đào tạo nguồn NLCLC nắm bắt và làm chủ được công nghệ trên các loại ô-tô hiện đại, ô-tô có nguồn động lực mới (hybrid, điện…) và ô-tô thông minh của khu vực cũng như quốc tế.
Ngoài khả năng sáng tạo công nghệ để thiết kế, chế tạo và sản xuất ô-tô thế hệ mới, trình độ ngoại ngữ cùng khả năng vận hành dây chuyền sản xuất ô-tô hiện đại, năng lực khai thác, sử dụng ô-tô thế hệ mới có hàm lượng công nghệ điều khiển, tự động hóa và thông minh cũng là những điểm cộng mà họ được trang bị, sau khi ra trường.
Chỉ còn hai năm nữa là tới năm 2020 – mốc thời gian được nhiều công ty ấn định cho ra mắt những bước tiến công nghệ của mình. Trong năm 2020, những chiếc xe bus tự lái sẽ lăn bánh trên đường phố Singapore. Toyota (Nhật Bản) sẽ tung ra 10 dòng xe chạy hoàn toàn bằng điện. Ford phát triển xe hơi kết nối mã nguồn mở, đồng thời cho ra mắt 40 mẫu xe điện và xe hybrid (kết hợp giữa điện và xăng dầu). Và dòng xe điện Fisket Emotion có thể sạc đầy hoàn toàn trong vòng một phút… Có vẻ như viễn cảnh đường phố ngập tràn những chiếc xe tự lái đang tới rất gần.
Chuẩn bị đối mặt và hóa giải “thách thức lớn” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra là việc cần làm ngay, không thể chần chừ. Người làm giáo dục Việt Nam đều hiểu rõ điều đó.

VietBao.vn