Trang chủ Tin Tức Du hành vũ trụ sẽ khiến con người thành loài đột biến?

Du hành vũ trụ sẽ khiến con người thành loài đột biến?

703

Du hành không gian luôn ẩn chứa những điều nguy hiểm.
Nếu đi đến các hành tinh xa xôi, liệu chúng ta có trở thành người đột biến hay không? Các phi hành gia sẽ phải làm gì để chống lại bức xạ và sự thiếu hụt oxy trên không gian?
Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu mẫu máu của các phi hành gia để phát triển loại thuốc mới giúp họ có thể ngăn chặn những đột biến nguy hiểm khi du hành trên không gian trong tương lai, theo RBTH.
Theo Giáo sư Evgeny Nikolaev từ viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Skoltech ở Moscow, khi con người bước vào không gian không trọng lực, cơ thể sẽ bật cơ chế phòng vệ để thích ứng trước sự thay đổi từ môi trường bên ngoài.
Trong thời gian vừa qua, chuyên gia này đã nghiên cứu các mẫu máu của các phi hành gia Nga để hiểu cách con người đã từ từ thích ứng như thế nào với sự thay đổi trên.
Nếu thành công, nghiên cứu của ông có thể dẫn đến các loại thuốc mới giúp cơ thể con người hoạt động đúng cách và tránh các đột biến trên đường đến sao Hỏa hay các hành tinh khác.
Biến đổi như người ngoài hành tinh
Du hành vũ trụ là một trải nghiệm hoàn toàn xa lạ với cơ thể của mỗi chúng ta. Cùng với đó, sự thay đổi trọng lực sẽ có tác động nghiêm trọng đến cơ thể của con người và điều này sẽ dẫn đến một sự tiến hóa để thích ứng trong không gian.
Oleg Gazenko, nhà khoa học phụ trách chương trình gửi động vật vào vũ trụ của Liên Xô, suy đoán rằng con người khi ra ngoài không gian quá lâu sẽ dần biến đổi: cao hơn, khuôn mặt thuôn dài và cánh tay cũng dài hơn trước.
Trong không gian, lưu thông máu và tiêu thụ oxy thay đổi và cột sống giãn ra. Lực hấp dẫn giảm nhẹ khiến đôi chân các phi hành gia trở nên hồng và mềm như chân trẻ con.
Môi trường không trọng lực sẽ gây ra những biến đổi khó lường cho cơ thể.
Những thay đổi này không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng bức xạ lại là câu chuyện khác. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là phát triển các loại thuốc mới.
Ví dụ, các nhà khoa học đã nghiên cứu những gì xảy ra với mắt người trên hành trình đến sao Hỏa. Giáo sư Nikolaev nói: “Nếu không có biện pháp bảo vệ thì bức xạ sẽ khiến chúng ta gần như bị mù. Do đó, các chất chống oxy hóa đặc biệt phải được phát triển để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực này”.
Nghiên cứu protein
Các nhóm nghiên cứu của Nikolaev đã nghiên cứu những biến đổi trên ở cấp độ phân tử để xác định quy trình nào cần được ngăn chặn.
Các nhà khoa học đã quyết định tập trung vào các protein vì chúng là những yếu tố quan trọng trong quá trình thích nghi của cơ thể.
Trong giai đoạn nghiên cứu đầu tiên, nhóm nghiên cứu của Nikolaev đã xác định được 125 protein trong máu của 18 phi hành gia người Nga đã hoàn thành nhiệm vụ dài ngày trên Trạm vũ trụ quốc tế.
Con người có hơn 20.000 protein và nhiều protein có thể ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta khi du hành không gian. Không thể nghiên cứu tất cả chúng, vì vậy nhóm của Nikolaev đang tập trung vào các chất chuyển hóa.
“Nếu chúng tôi có dữ liệu về những thay đổi trong một số chất chuyển hóa trong máu của các phi hành gia, chúng tôi có thể xác định loại protein nào nên được thay đổi”, Nikolaev giải thích.
Một khi các protein mục tiêu được xác định, các nhà khoa học sẽ có thể xác định các quá trình dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược của các phi hành gia trong không gian. Từ đó, tìm ra cách ngăn ngừa sự đột biến của cơ thể.
Theo Quốc Vinh (Người đưa tin)