Trang chủ Tin Tức Dùng thử công cụ ScreenTime của Apple trên iOS 12: đi đúng...

Dùng thử công cụ ScreenTime của Apple trên iOS 12: đi đúng hướng, nhưng chưa giải quyết được vấn đề

780
VNReview xin chuyển ngữ bài viết của Victor Tangermann về công cụ ScreenTime để các bạn tham khảo:
Tôi mở khóa iPhone, nhìn chằm chằm vào biểu tượng Twitter đã chuyển sang màu xám trên màn hình, rồi quyết định vẫn mở nó lên. “Bạn đã dùng Twitter đến giới hạn của mình” – một thông báo hiển thị toàn màn hình nhắc nhở tôi ngay lập tức. Không cần suy nghĩ, tôi nhấn nút “Bỏ qua giới hạn”. Chỉ lướt thêm 15 phút nữa thôi rồi tôi sẽ đi ngủ.
Tôi dành quá nhiều thời gian vào điện thoại. Khả năng là bạn cũng vậy. Và có lẽ bạn biết nó không hề tốt chút nào.
Các công ty công nghệ cũng biết điều đó. Đó là lý do tại sao họ đang cố giúp bạn “cai nghiện”. Nghe có vẻ lạ. Suy cho cùng thì các công ty công nghệ hưởng lợi nhất khi bạn dành càng nhiều thời gian càng tốt để xem các quảng cáo, trò chuyện với bạn bè, qua đó tạo ra hàng tấn dữ liệu cá nhân.
Dù vậy, cả hai hãng sản xuất smartphone lớn (Apple và Google) gần đây vẫn quyết định công bố các công cụ nhằm giúp chúng ta kiểm soát thời gian dành cho smartphone. Các công cụ này hoạt động dựa trên giả định rằng nếu bạn ý thức được bạn đã bỏ nhiều thời gian đến mức nào vào điện thoại, bạn sẽ tự kiềm chế được bản thân. Cả hai công cụ đều đưa ra lượng thời gian chính xác bạn dùng từng ứng dụng hay từng loại ứng dụng (ví dụ, ứng dụng mạng xã hội), và cho phép bạn quyết định một khoảng thời gian dùng chúng mỗi ngày. Ngay cả Facebook và Instagram cũng tham gia trào lưu này, tung ra các công cụ thông báo cho người dùng họ đã bỏ ra bao nhiêu thời gian dùng các ứng dụng đó.
Tất nhiên, các công ty công nghệ sẽ chẳng dại gì đe dọa lợi nhuận của mình vì bất kỳ điều gì – những tính năng mới này là lời phản hồi cho một vấn đề rất thực tế. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, chúng ta kiểm tra điện thoại trung bình 85 lần mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu khác còn phát hiện ra rằng gần một nửa số người dùng smartphone (có hàng tỷ người trên toàn thế giới) dán mắt vào màn hình hơn 5 tiếng mỗi ngày – tương đương gần 1/3 thời gian thức trong cuộc đời chúng ta.
Lượng thời gian khủng khiếp mà chúng ta dành để nhìn vào màn hình bé xíu kia đang gióng lên một hồi chuông báo động. Đối với một số người, không có điện thoại có thể gây ra stress thực sự. Các nhà khoa học thậm chí còn đặt tên cho nỗi sợ không thể sử dụng điện thoại, hay không có sóng điện thoại, là nomophobia. Mất tập trung khi lái xe đã khiến số trường hợp thương vong trong các vụ tai nạn giao thông tại Mỹ tăng cao, và dù các chuyên gia tin rằng smartphone là một trong những nguyên nhân chính, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia (Mỹ) vẫn chưa chính thức công bố điều này. Smartphone còn khiến chúng ta thức dậy vào nửa đêm, làm giảm chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Lao động Bỉ thậm chí còn cho thấy sử dụng smartphone trực tiếp gây tác động xấu đến kết quả học tập.
Nói ngắn gọn: chúng ta đang trở thành những con zombie smartphone!
Tôi biết tôi đã dành quá nhiều thời gian cho điện thoại vì tôi thực sự đã tiến hành một cuộc điều tra (theo phương pháp phi khoa học). Trong vòng 7 ngày, tôi đã sử dụng tính năng Screen Time mới xuất hiện trên iOS 12 beta của Apple. Ban đầu tôi nghĩ rằng 1 tiếng mỗi ngày lướt mạng xã hội là đủ rồi. Nhưng tôi đã nhầm.
Thời lượng sử dụng của tôi đã khẳng định những thống kê mà các nhà nghiên cứu đưa ra trong các nghiên cứu của họ: tôi dành ít nhất 4 tiếng mỗi ngày trên iPhone, chủ yếu vào các ứng dụng truyền thông xã hội như Reddit, Twitter, và Instagram. Trong 7 ngày đó, tôi chỉ thực sự dùng chức năng gọi điện trên smartphone đúng 3 phút, trong khi đổ vào mạng xã hội hơn 10 tiếng đồng hồ!
Quả là sốc khi đối diện với những con số đó – không ai thực sự thích thừa nhận rằng họ đã lãng phí quá nhiều thời gian như vậy. Nhưng phần khiến tôi khó chịu nhất là gì? Bất kỳ khi nào chiếc iPhone nhắc tôi bỏ điện thoại xuống, tôi đều lơ đi! Sau chỉ 2 ngày, vì cảm thấy quá phiền toái, tôi quyết định… tắt hẳn tính năng này đi. Tôi chẳng thay đổi thói quen sử dụng smartphone của mình dù chuyện gì xảy ra. Tôi khá chắc là chiếc điện thoại (và những người tạo ra các ứng dụng và bản thân thiết bị nữa) đã thắng, chứ không phải tôi.
Vậy thì tại sao tôi – như hầu hết chúng ta – lại chật vật trong việc kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại đến vậy? Các nhà khoa học tại Đại học California đề cập đến cụm từ “Power of the Like” (Sức mạnh của nút Like) để miêu tả một loạt các hoạt động trong các vùng xử lý phần thưởng của não bộ khi các chủ thể tuổi thanh thiếu niên tham gia thử nghiệm xem các hình ảnh với nhiều Like (so với các ảnh ít Like) trên Instagram. Ngay cả những thứ cơ bản như một tương tác xã hội mỗi ngày cũng được xử lý bởi hệ thống phần thưởng của não bộ – và smartphone có thừa khả năng để tái tạo lại một loạt các hoạt động như vậy trên màn hình.
Liệu thói quen sử dụng smartphone không lành mạnh của chúng ta có nên được gọi là một loại “nghiện” hay không vẫn là một vấn đề được tranh cãi nảy lửa. Các định nghĩa chính thức bởi WHO và Cẩm nang Chuẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-V) phiên bản thứ 5 tại Mỹ đều cho rằng việc một người phụ thuộc cả về vật chất lẫn hành vi là “bị nghiện”. “Cho đến hôm nay, sử dụng smartphone đã dẫn đến một loạt các rối loạn chức năng tâm thần nghiêm trọng. Do đó, chúng ta không phải ‘nghiện’ smartphone như những gì hay nói với nhau” – Andrew Campbell, một chuyên gia thần kinh học tại Đại học Sydney cho biết.
Thay vào đó, “tình yêu” của chúng ta dành cho màn hình điện thoại có khả năng là do “hành vi ám ảnh” gây ra. Nhưng Campbell không hoàn toàn loại trừ khả năng những thay đổi tiêu cực về hành vi có thể dẫn đến nghiện thực sự. Và dù hiện nay chúng ta không có một định nghĩa cụ thể cho chứng nghiện smartphone, thì trong tương lai gần có lẽ nó sẽ xuất hiện mà thôi.
Vẫn chưa rõ liệu các công cụ giới hạn thời gian và hiển thị thông tin về quá trình sử dụng từ Apple, Google, và Facebook có giảm đáng kể được thời gian chúng ta dành cho smartphone hay không. Nhưng chắc chắn nó không hoạt động với tôi. “Tôi nghĩ có còn hơn không” – David Greenfield, trợ lý giáo sư lâm sàng tại khoa Tâm thần học, Trường Dược, Đại học Connecticut, nhà sáng lập Trung tâm dành cho chứng Nghiện Internet và Công nghệ, nói – “Tôi không biết chỉ riêng chúng có giải quyết được vấn đề không, nhưng tôi nghĩ đó là một bước đi tích cực trong việc nhìn nhận nó là một vấn đề”.
Theo Greenfield, một khi biết được những thông tin như vậy, các trường học và thậm chí là cả các thành phố sẽ tìm cách đặt ra những giới hạn trong việc sử dụng smartphone. Trên thực tế, Pháp đã đi trước một bước và thông qua quy định cấm smartphone tại các trường học.
Greenfield đưa ra một số gợi ý để tôi (và bạn nữa) có thể giảm thời gian sử dụng smartphone, như sau:
1. Tắt mọi thông báo. “Bởi điện thoại di động là chiếc máy đánh bạc nhỏ nhất thế giới. Nó hoạt động trên một lịch trình biến thiên, bởi mỗi lần bạn kiểm tra nó, bạn không biết mình sẽ thấy được gì và nếu có thì những thứ đó sẽ hay ho thế nào”.
2. Tắt điện thoại đi khi không sử dụng. Đây là một cách khá nhanh gọn: không còn thông báo, không còn nhấc máy lên, và cũng không còn mất ngủ nữa.
3. Để smartphone ngoài tầm mắt. “Nếu nó đang úp màn hình lại hay đã tắt, nếu não bạn có thể thấy điện thoại, nếu nó trong tầm nhìn của bạn, nó sẽ kích hoạt mức độ cortisol trong não, và bạn sẽ muốn sử dụng nó”.
4. Nếu không thể sống thiếu điện thoại, hãy chuyển màn hình smartphone sang tông xám. Bằng cách này, smartphone sẽ trở nên ít cuốn hút hơn với bạn, khi mà màn hình chỉ có 2 màu trắng-đen. (Cách này hiệu quả bất ngờ, bởi chính người dịch bài này cũng đã thử và chẳng muốn nhìn vào điện thoại nữa!).
Với những công cụ thích hợp, chúng ta sẽ có cơ hội phá bỏ thói quen (xấu) sử dụng smartphone. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta sẽ phải thay đổi cách thức tương tác với thiết bị mỗi ngày. Nếu trải nghiệm của tôi là chính xác, những công cụ đó sẽ không giúp gì nhiều cho chúng ta, nhưng ít nhất chúng cũng là một bước đi đúng hướng.
Minh.T.T