Chiếc smartphone đầu tiên được trang bị công nghệ 5G có lẽ sẽ xuất hiện vào năm 2019 – và điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất chắc chắn đã hoàn thiện khâu thiết kế cũng như bắt đầu giai đoạn sản xuất của mình rồi. Công nghệ 5G xuất hiện, đồng nghĩa sẽ có những sự thay đổi vế mặt thiết kế cơ bản của những chiếc điện thoại thông minh, giống như camera kép, “tai thỏ”, v…v… Tuy nhiên, khác với những công nghệ mới làm chiếc điện thoại mỏng hơn, đẹp hơn (tất nhiên cũng có những trường hợp như thiết kế tai thỏ làm điện thoại đẹp hơn hay xấu đi gây nhiều tranh cãi), thì 5G có lẽ sẽ khiến những chiếc điện thoại thông minh của chúng ta trở nên dày hơn và xấu đi – ít nhất là trong mắt của những người dùng đã quá quen với những mẫu điện thoại càng ngày càng mỏng nhẹ. Tại sao lại như vậy?
Theo như những gì được tạp chí Lightreading chỉ ra, công nghệ 5G sẽ hoạt động trên dải tần cao hơn hẳn so với mạng điện thoại phổ thông mà chúng ta vẫn thường dùng ở thời điểm hiện tại. Việc chuyển hoạt động lên dải tần cao hơn mang lại những lợi ích hấp dẫn cho công nghệ 5G, như tốc độ siêu cao và độ trễ siêu thấp. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho những lợi ích này là sóng 5G sẽ không thể truyền xa được như những bước sóng ở dải tần thấp và trung. Và quan trọng nhất, điều này cũng đồng nghĩa với việc sóng 5G sẽ rất dễ bị cản bởi con người, vật thể, hay cây cối.
Quay trở lại với những chiếc điện thoại 5G được thiết kế trong năm 2018, có một thiết kế tưởng chừng “cổ lỗ sĩ” bỗng nhiên xuất hiện trở lại – đó là núm ăng ten. Điều này có thể thấy ở bản mẫu của chiếc điện thoại 5G Moto Mod của Motorola mới được leak ra – mà nếu nhìn từ mặt sau có lẽ chúng ta sẽ tưởng nhầm đây là một chiếc điện thoại nắp gập từ những năm 2000.
Một hậu quả khác mà công nghệ 5G mang lại, đó là việc phổ cập công nghệ mới lên những chiếc điện thoại sẽ tốn rất nhiều thời gian. Kể cả khi mạng 5G bắt đầu chính thức được ra mắt vào năm 2019, thì việc biến công nghệ này trở nên phổ biến trên toàn thế giới sẽ mất nhiều thời gian hơn thế nữa – do các yêu cầu cực cao về điều kiện cơ sở hạ tầng. Nhìn chung, theo dự báo của giới chuyên gia, thì có lẽ sớm nhất cũng phải tới năm 2025, mạng 5G mới phổ biến được như 4G ở thời điểm hiện tại.
Và đương nhiên, trong lộ trình nâng cấp hết sức dài hơi như thế, các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ chẳng dại gì làm mẫu điện thoại flagship của mình xấu hơn và đắt hơn, chỉ để tích hợp một công nghệ mới mà tới 90% khách hàng của mình không sử dụng được. Chẳng hạn như Apple, ông lớn này chưa bao giờ cần phải vội vàng mang theo những công nghệ mạng mới đang thử nghiệm vào những chiếc iPhone của mình, và đương nhiên với việc 5G khiến cho điện thoại xấu đi như vậy, chắc chắn Apple sẽ không mang công nghệ này lên iPhone nếu như chưa giải được bài toán về vấn đề thiết kế.
Tham khảo BGR