Những ứng viên của Facebook sẽ được chia thành hai mảng, một là mảng chip cho trí tuệ nhân tạo hay máy học, và một là mảng chip xử lý cho thiết bị thực tế ảo Oculus. Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà sản xuất chip trong năm qua, khi các con chip trên điện thoại đều được tích hợp vi xử lý riêng cho AI. Những con chip này có thể được phát triển trên nền ASIC (mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng), như chip xử lý TPU của Google, hay FPGA như chip của Microsoft.
Với mảng Oculus thì ứng viên sẽ phát triển chip tích hợp giống như SoC trên smartphone hoặc các hệ thống tiết kiệm năng lượng. SoC là thuật ngữ chỉ một con chip tích hợp nhiều tính năng – tính toán, kết nối mạng, xử lý đồ họa… vào một chip vật lý.
Bloomberg, đơn vị đầu tiên tiết lộ thông tin trên, cho biết Facebook đã từ chối trả lời hay đưa ra bất cứ thông tin nào khác.
Việc tự phát triển chip xử lý không còn xa lạ với những gã khổng lồ công nghệ. Apple tự thiết kế chip trên iPhone và iPad, đáp ứng tốt nhất về hiệu năng cho iOS và tích hợp nhiều tính năng như xử lý ảnh, công nghệ máy học. Thậm chí Apple còn tự làm ra một con chip Bluetooth đặc biệt (W1) để kết nối giữa tai nghe và điện thoại tiện lợi hơn.
Google cũng đầu tư rất nhiều vào những con chip xử lý tác vụ trí tuệ nhân tạo. Chúng không được tích hợp vào các sản phẩm phổ thông như của Apple, nhưng được sử dụng trên các máy chủ, trung tâm dữ liệu của họ để xử lý các tác vụ tìm kiếm, dịch thuật và trả lời tự động ở các phần mềm của Google.
TA