Không lâu trước đây, Facebook vẫn là nền tảng thống trị cuộc chiến mạng xã hội (và xét trên nhiều phương diện đến giờ vẫn vậy), gần như trên mọi biểu đồ và số liệu thống kê, “quả bom nổ chậm” của Mark Zuckerberg luôn san phẳng mọi đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, một khảo sát đến từ Pew Research đã cho thấy chỉ 51% trẻ em độ tuổi từ 13-19 sử dụng Facebook – giảm hơn 20% so với 2015. Dù đang “chảy máu” khách hàng, nhưng rất nhiều người dùng trong số đó lại chuyển sang sử dụng những nền tảng khác cũng thuộc Facebook như WhatsApp và đặc biệt là Instagram.
Khi điện thoại di động dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống trẻ vị thành niên – khoảng 95% trẻ em độ tuổi từ 13-17 cho biết được sử dụng điện thoại thông minh hoặc được truy cập internet thường xuyên, những ứng dụng nhắn tin như Messenger, WhatsApp và các nền tảng mạng xã hội ảnh như Snapchat và Instagram trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và tham vọng “Phủ một màu xanh dương lên toàn thế giới” Facebook từng một thời khao khát cũng theo đó mà dần tuột xa khỏi tầm với.
Cuộc đại di tản người dùng không phải tới giờ mới diễn ra, nhưng quá trình này đã dần trở nên rõ rệt hơn trong vài năm gần đây với việc người dùng trẻ tuổi chuyển hướng sử dụng từ các nền tảng truyền thống như Facebook và Twitter sang các nền tảng gần gũi thân thiện hơn như YouTube và Snapchat – và cũng chính hai nền tảng vừa đề cập đặt ra nhiều mối đe dọa nhất tới Đế chế chữ F màu xanh.
Qua báo cáo, 32% trẻ em độ tuổi “teen” sử dụng YouTube thường xuyên hơn tất cả các công cụ mạng xã hội khác, trong khi đó 35% cho biết Snapchat là điểm đến hằng ngày của mình. Chỉ 10% cho biết thích sử dụng Facebook thường xuyên nhất. Và ngay cả khi 51% trẻ em sử dụng Facebook không hẳn là con số quá tồi tệ, nhưng đem so sánh với số liệu người dùng của các nền tảng khác thì chỉ đứng cuối. Cụ thể là Snapchat có 69% người dùng là thanh thiếu niên, Instagram là 72% và YouTube đứng đầu với 85%.
Cần nói thêm con số trên không cho biết tần suất sử dụng ứng dụng của trẻ, vậy nên không thể kết luận liệu Facebook đã thực sự chết trong mắt người dùng nhỏ tuổi chưa. Nhưng bạn phải kể đến những người dùng trong số 51% đó chỉ đăng nhập Facebook để sử dụng các ứng dụng khác như trò chơi, Instagram hoặc Messenger.
Đối với Mark Zuckerberg, con số 51% không phải điều quá ngạc nhiên. Vị CEO trẻ đã tiên liệu được mức tụt dốc người dùng từ ít nhất nửa thập kỷ trước. Bằng chứng là Facebook đã nỗ lực lôi kéo người dùng quay trở lại, điển hình là vụ ăn cắp trắng trợn tính năng ảnh Stories của Snapchat – cũng chính là con bài đã giúp Facebook giành lại được phần nào vị thế trước Snapchat Inc.
Ngoài ra, Facebook còn thử sức với nhiều tính năng mới lạ như live stream, AI, AR, gaming, video theo yêu cầu. Không hẳn là Facebook thất bại thảm hại với những tính năng của mình – minh chứng là công ty đạt trung bình hơn 8 tỷ lượt xem video mỗi ngày từ năm 2015 và con số đó chỉ có thể tăng lên tại thời điểm 3 năm sau đó – chỉ có điều không thay đổi nào từ phía Facebook tỏ ra hấp dẫn đối với thị trường người dùng tuổi “teen”, những khán giả tỏ ra thích thú và mê mẩn với Snapchat lenses, bộ lộc ảnh Instagram, và vlog của người nổi tiếng ưa thích trên YouTube.