Trang chủ Tin Tức Gabriel Jesus, cầu thủ trẻ từng bị dọa bẻ gãy chân trong...

Gabriel Jesus, cầu thủ trẻ từng bị dọa bẻ gãy chân trong một trận đấu cấp thành phố, giờ đã là minh chứng cho những giấc mơ thành hiện thực

712
Tại vùng đất Brazil, nơi bóng đá không phải chỉ là môn thể thao vua mà còn là một biểu tượng thiêng liêng của toàn dân tộc, thì bất kì cậu bé nào từ khi lọt lòng mẹ cũng đều mang sẵn thứ thiêng liêng ấy trong huyết quản của mình. Bất kì bóng hình bé nhỏ nào trên đường phố Brazil cũng mê đắm trái bóng tròn, và mong muốn dẫn được trái bóng lên đỉnh cao. Trong hàng triệu người con đất Nam Mỹ này, chỉ có một số ít làm được điều đó. Mỗi một lứa cầu thủ mới, ta lại có những thiên tài mới và một câu chuyện mới để mà kể về họ. Trong đội tuyển quốc gia Brazil hôm nay, ta có cái tên Gabriel Jesus, người con đất bóng Brazil và người con hiếu thảo của mẹ. Nội dung bài viết dưới dây dựa trên bài tâm sự của Gabriel Jesus được đăng tải trên The Players Tribune, với tựa đề “Hãy Gọi cho Mẹ của mình – Call Your Mama”.

Bất cứ khi nào tôi ghi bàn cho Manchester City, mẹ tôi cũng gọi tôi. Trái bóng cứ chạm lưới, là điện thoại tôi sẽ đổ chuông. Chẳng quan trọng rằng mẹ đang ở quê hương Brazil hay mẹ đang ngồi ngay sân vận động dõi theo con trai của mình. Mẹ luôn luôn gọi tôi. Vì thế, tôi chạy về phía cờ phạt góc, đưa tay lên tai, và tôi nói: “Alô Mãe!” Ngày đầu đặt chân tới Man City, ai ai cũng thấy câu ăn mừng này buồn cười lắm, và mọi người cứ luôn hỏi tôi câu nói có nghĩa là gì. Có một câu trả lời nhanh gọn, rằng tôi yêu mẹ hết lòng, và mẹ sẽ luôn nhấc máy gọi cho tôi. Nhưng có một câu trả lời dài dòng hơn, với khởi đầu là khi tôi còn là một đứa trẻ ôm một giấc mơ. Tại Brazil, có hàng triệu cậu bé với ôm những giấc mơ riêng mình. Nhưng tôi may mắn hơn, bởi tôi quen biết một vài vị siêu anh hùng.

Bạn thấy đó, tôi lớn lên tại vùng đất Peri Jardim phía Bắc São Paulo, và với một số cá nhân sinh sống nơi đây, thì cuộc sống khó khăn lắm. Tôi may mắn hơn họ, vì mẹ tôi tần tảo làm việc và vì thế, gia đình tôi luôn có cơm ăn. Nhưng chúng bạn cùng trang lứa đã cùng tôi lớn lên lại không có được may mắn ấy. Đôi lúc, các bạn chỉ có một bữa ăn trong ngày, và bữa ăn ấy được cung cấp tại đường pitch của sân bóng. Chân thành mà nói, nhiều trong số họ còn chẳng tới để chơi bóng cơ. Họ tới để chơi loanh quanh, ăn bánh mì kẹp và uống chút soda miễn phí. Ngày nào cũng vẫn là lát xúc xích mỡ mortadella kẹp giữa hai miếng bánh mì và một lon soda. Đôi khi, bữa ăn chỉ có lon soda thôi. Nó cũng vẫn phải làm đúng nhiệm vụ, giúp bạn vượt qua ngày đói kém đấy bạn ạ. Với tôi thì mọi ước mơ, mọi thứ đang có trong tay – mọi thứ, đều bắt đầu với Câu lạc bộ Pequeninos. Tên của đội bóng có nghĩa là “Những cá nhân bé nhỏ – Little Ones”. Nó hơn cả một câu lạc bộ bóng đá ấy chứ! Bạn hãy đừng nghĩ tới những bãi biển trải cát dài, những cây cọ cao phủ bóng và những thứ tương tự thế. Hình ảnh đó không phải Peri. Sân bóng của chúng tôi nằm ngay ngoài một nhà tù quân sự. Đường pitch chỉ có đất không, chẳng có cỏ, và bao quanh là những cây thông cao lớn. Ngoài lũ trẻ chúng tôi, những người chơi bóng tại sân đất này là những cán bộ quản ngục từ nhà tù kế bên.

Đường pitch chỉ có đất không, chẳng có cỏ, và bao quanh là những cây thông cao lớn. Ngoài lũ trẻ chúng tôi, những người chơi bóng tại sân đất này là những cán bộ quản ngục từ nhà tù kế bên.

Khi tôi 9 tuổi, tôi tới sân với bạn Fabinho của mình, để xem tôi có chơi được cho đội bóng nhỏ kia không. Chúng tôi băng qua cánh rừng thông để tới được sân bóng. Và rồi chúng tôi gặp người đàn ông đã thay đổi vĩnh viễn cuộc đời mình – José Francisco Mamede. Bác là huấn luyện viên cho đội trẻ nhất, và rằng: “Chắc chắn rồi, các cháu có thể chơi trong trận tiếp theo“. Chẳng phải kí tá giấy tờ gì, bởi lẽ câu lạc bộ nhỏ này đâu định biến những đứa trẻ thơ dại thành những khoản lợi nhuận đâu – nơi đây là chỗ cho chúng thấy một khía cạnh tươi sáng nào đó của cuộc sống khó khăn. Nơi đây cho chúng một bữa ấm bụng. Nơi đây khiến chúng xa rời những con phố đầy cám dỗ. Pequeninos là một câu lạc bộ nhỏ, có lẽ bạn chưa bao giờ nghe tới nó đâu. Nhưng phải khẳng định với bạn rằng, bàn tay con người nơi đây đã làm nên những phép màu. Đôi lúc, những đứa trẻ phải ngồi xe bus hơn một tiếng để có được một bữa ăn và một cái canasta básica – một hộp thức ăn nhỏ mà các huấn luyện viên cho mỗi cậu nhỏ mang về nhà. Nó có chút cơm, chút đậu và chút bánh mì – những thứ cần thiết để sống qua những tháng ngày đói kém. Thật đó bạn ạ, những gì mà câu lạc bộ này làm cho lũ trẻ quả thực quá tuyệt vời. Tại quê hương Brazil, chúng tôi có tên riêng cho những người như huấn luyện viên Mamede: Heróis sem capes – Heroes without capes – Những người hùng không mang áo choàng. Và đó đúng là cách lũ trẻ chúng tôi ngước nhìn những vị anh hùng này. Bác Mamede và những huấn luyện viên khác đã cho chúng tôi một cơ hội sống khác trong đời.

Đôi lúc, những đứa trẻ phải ngồi xe bus hơn một tiếng để có được một bữa ăn và một cái canasta básica – một hộp thức ăn nhỏ mà các huấn luyện viên cho mỗi cậu nhỏ mang về nhà.

Với tôi, bóng đá là tất cả. Tình yêu bóng đá là mọi thứ. Pequeninos chỉ tập có 2 buổi một tuần, vậy nên nếu tôi không chơi bóng tại sân, tôi sẽ chơi bóng trên chính đường phố Peri. Có những khi tôi ham vui với trái bóng cùng chúng bạn tới tận đêm khuya – và rồi sau đó, chúng tôi sẽ ngồi lại trên con phố, tán gẫu về những cô gái nóng bỏng xứ Nam Mỹ và trêu đùa nhau tới 2 giờ sáng mới về. Căn nhà nhỏ của tôi chẳng có nhiều việc để mà bận bịu. Cha tôi đã rời bỏ gia đình từ khi tôi sinh ra, mẹ tôi đã lao vào làm việc bất kì ngày nào bà có thể để nuôi sống tôi và các anh em. Bà làm công việc dọn dẹp nhà cửa trong thành phố lớn, và chỉ về nhà khi Mặt Trời đã lặn lâu rồi. Bà ngủ chung giường với tất cả anh em tôi.

Những đứa trẻ khác có trò chơi điện tử để tiêu khiển. Còn tôi, tôi có trái bóng và trí tưởng tượng vô tận của mình. Vui lắm ấy chứ, vì tuổi thơ của tôi nằm hết tại đó. Chúng tôi thường tổ chức giải to, mỗi con phố là một đội, và phần thưởng chiến thắng sẽ là một lon soda chưa bật nắp. Bạn ạ, không còn là một trận bóng mà đó phải là trận chiến để có được nó. Đó là tất cả những gì chúng tôi có lúc ấy. Thực tình thì, lon soda có khi móp méo lại quý giá với chúng tôi hơn Giải Vô địch Nam Mỹ Copa Libertadores. Nếu như bạn chiến thắng, bạn sẽ chuyền lon nước ấy cho đồng đội của mình, và tôi khẳng định nó chẳng giống bất cứ thứ gì bạn từng nếm qua cả. Mỗi người một ngụm, rồi chuyển đi tiếp. Lon nước chiến thắng ấy, nó ngon hơn sâm-panh tới 10 lần bạn tôi ạ. Mười lần.

Khi tôi 13 tuổi, có một biến cố xảy ra mà nó thực sự đã để lại một dấu ấn trong tôi. Đội tuyển nhỏ bé Pequeninos bước vào một giải đấu lớn của São Paulo. Và chúng tôi đã chơi cực kì ấn tượng ấy chứ. Có những trận thuộc vòng đầu mà chúng tôi đã vùi dập những câu lạc bộ lớn hơn tới 12, 13 bàn. Chúng tôi đặt chân tới chung kết, đối đầu với Portuguesa de Desportos, một đội bóng chuyên nghiệp thứ thiệt. Lý do duy nhất để họ tham gia giải chỉ đơn giản là để thăm dò tình hình tài năng trẻ ở các đội bóng nhỏ. Bạn thấy đấy, chẳng khác gì phim luôn. Một đội bóng nhỏ chơi ở một cái sân nằmt bên ngoài nhà tù đứng trước một đội bóng lớn với đủ các thứ công cụ chuyên nghiệp. Nhưng tôi và các đồng đội của mình đều bảo nhau rằng: “Không anh em ạ, chúng ta sẽ thắng. Chúng ta nắm trận đấu này trong tay rồi“.

Và rồi cơn bão ập đến, đúng nghĩa đen. Đêm ấy, mưa lớn tới mức người ta đã định hủy bỏ trận đấu. Nhưng rồi trận đấu vẫn diễn ra, cả sân bóng biến thành sân bùn. Một trận đấu điên rồ. Chúng tôi chạy và ngã trên sân. Chẳng ai có thể đứng vững. Nhưng những cầu thủ Portuguesa vẫn vững vàng trên vũng bùn. Giày của họ có miếng kim loại gắn đế “xịn”. Những miếng đế gắn vào khi trời mưa lớn. Giày của chúng tôi là đồ giá rẻ với đế nhựa, mòn vẹt. Và tôi nhớ rằng, vào chính lúc ấy, tôi nhận ra rằng đây chính là cuộc đời. Đời mà.

Chúng tôi hết mình với trái bóng, cố gắng vươn tới chiến thắng nhưng lại thua 4-2. Tôi không bao giờ quên cảnh các cầu thủ Portuguesa ăn mừng với chiếc cúp sáng bóng ấy. Bóng đá cũng như mọi thứ khác trong đời vậy. Chẳng có gì là công bằng. Bạn sẽ vẫn phải tìm một con đường để vươn lên, ngay cả khi chẳng có gì là công bằng. Một bài học hoàn hảo cho một khoảng thời gian hoàn hảo, bởi lẽ vào ngay năm sau, cuộc sống của tôi trở nên khó khăn muôn phần. Tại Brazil, nếu bạn nuôi mộng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, bạn phải gia nhập những học viện đào tạo tài năng trẻ khi bạn 12 hay 13 tuổi. Nhưng vì lý do nào đó, mọi chuyện không suôn sẻ với tôi.

São Paulo FC đã thử tài tôi, họ thích tôi lắm, nhưng rồi họ nói với tôi rằng họ không thể cho tôi ăn ngủ tại học viện được. Nơi đó quá xa nhà tôi, nếu tôi bắt xe bus tới đó hàng ngày, tôi sẽ phải nghỉ học, và mẹ tôi thì … hahahaha … Mẹ tôi chắc chắn sẽ không chấp nhận đâu. Mẹ luôn muốn tôi học hành thành tài. Trong khoảng thời gian này, tôi nợ mẹ mọi thứ. Bởi lẽ rất nhiều đứa trẻ tại đất Brazil này, một khi chúng có tuổi thơ khó khăn, chúng sẽ phải làm việc để phụ giúp gia đình. Chúng chẳng thể vừa đá bóng, vừa đi học và vừa đi làm được. Giấc mơ của chúng sẽ úa tàn vào chính thời điểm trưởng thành ấy. Nhưng mẹ tôi, bà tin ở tôi. Chẳng hiểu vì lý do gì mà bà tin ở tôi. Bà nói với tôi cứ tiếp tục theo đuổi giấc mơ đi con, bất kể tôi sẽ phải làm những gì.

13 tuổi, tôi bắt đầu chơi bóng với những cầu thủ trưởng thành tại các Várzea. Được rồi – mọi con dân São Paulo đều biết tôi đang nói cái gì (và có lẽ họ đang cười lớn đây). Nhưng với những người khác, tôi sẽ giải thích … Várzea là một kiểu sân bóng rổ nhỏ hay thấy tại Mỹ ấy, hay những sân bóng bán chuyên tại Châu Âu đó. Đường pitch toàn đất thôi, và bạn sẽ phải đối mặt với cả marmanjo – những “hard men”, những “người đàn ông hà khắc”. Họ nổi tiếng với lối chơi nhiều phần thô bạo, lợi dụng sức khỏe của mình. Rất nhiều thứ không hay diễn ra xung quanh trái bóng. Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy … Chúng tôi đang chơi trong một trận đấu cực kì quan trọng, hai bờ chiến tuyến với một đội bóng lớn. Họ vẫn luôn là một trong những đội bóng lớn nhất Várzea này, nhưng đã bị cấm tham dự giải trong vài năm gần đây vì vài lý do tôi không muốn nhắc tới. Có thể có những đứa trẻ khác đang đọc bài này đó. Đó là năm đầu tiên họ quay lại giải, họ chạm mặt chúng tôi để lấy suất tham dự giải lớn. Tôi vẫn nhớ cách họ nhìn tôi trước trận đấu, “Đứa nhãi ranh này là ai? Có chơi thật không đây?” Đúng thế thật, là trận đấu đã diễn ra, “thật” lắm. Bốn phút sau khi trái bóng lăn, tôi rê bóng qua hậu vệ số một của họ và ghi bàn. Tôi vẫn nhớ ánh mắt của họ. “Được rồi nhóc. Bọn anh sẽ khiến cuộc đời chú thành địa ngục”.

“Bốn phút sau khi trái bóng lăn, tôi rê bóng qua hậu vệ số một của họ và ghi bàn. Tôi vẫn nhớ ánh mắt của họ. ‘Được rồi nhóc. Bọn này sẽ khiến cuộc đời chú thành địa ngục’.”

Và họ ra tay với tôi mỗi lần tôi chạm bóng. Quả thực iên cuồng, đúng như kiểu họ muốn thực sự làm đau tôi vậy. Có một trung vệ phía họ, vẫn nổi tiếng là một cá nhân cục cằn, luôn mồm nói rằng: “Anh sẽ bẻ chân chú nếu chú định rê bóng qua người anh lần nữa”. Và tôi đã làm vậy lần nữa. Tôi nhận bóng, rê qua anh ta. Như giải bóng rổ chuyên nghiệp vậy. Tôi rê qua anh ta, anh ta mất trọng tâm và ngã dập mông, chấn thương mắt cá chân. Toàn bộ thành viên đội bóng của họ ném cho tôi những ánh nhìn như thể họ sẽ ăn tươi nuốt sống tôi vậy. Nhưng … tôi có thể nói gì đây? Khi bóng chạm chân tôi, tôi đang ngự trị trong một thế giới khác. Tôi có lại trái bóng, tôi chuyền cho đồng đội của mình để cậu ấy ghi bàn. Đám đông khán giả như vỡ òa. Trận đấu kết thúc với tỉ số 2-2, và chúng tôi chiến thắng trên chấm luân lưu. Đối thủ của chúng tôi tức giận tột cùng. Tiếng còi kết thúc vang lên, anh chàng cục cằn ban nãy nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: “Anh đã nói với chú rằng anh sẽ bẻ gãy chân chú đó nhóc. Hẹn gặp lại ở bãi đỗ xe“. Anh ta nói với giọng nghiêm trọng thực sự. Mọi thứ căng như dây đàn. Tôi nhớ rằng tôi đã nghĩ mình không thể toàn vẹn ra khỏi đây. Nhưng may mắn thay, đồng đội đã bảo bọc lấy tôi. Họ quây tôi lại, đưa tôi về mà không hề hấn gì. Nhưng đó vẫn chưa phải là đoạn kết câu chuyện. 

Giáng Sinh năm ngoái, tôi về thăm gia đình, và phải ghé qua ngân hàng làm chút thủ tục giấy tờ. Tôi đỗ xe, lướt qua mặt nhân viên bảo vệ bãi đỗ … Anh chàng này trông quen quen. Và anh ta nhìn tôi, như thể anh ta biết tôi vậy. Anh ấy đưa vé xe cho tôi. Vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt ấy. Và rồi anh gọi với lại “Ê nhóc, NHÓC!” Tôi quay đầu lại. “Có nhớ tôi không? Trên sân đấu Várzea người anh em ơi! Tôi đã suýt bẻ gãy chân cậu rồi đó!” Tôi giật mình, trời đất ơi! Tôi đã không biết phải đáp trả như thế nào. Và rồi anh ấy tiếp lời, “Chú ạ, thực sự lúc đấy anh đã định làm thế thật. Cậu tin được không?“. Tôi ra vẻ ngầu ngầu chút, “Thôi mà, người anh em. Anh không định làm thế đâu. Em biết lúc đó anh đùa mà“. Và anh bảo vệ khăng khăng, “Không đâu chú em. Anh định làm thế thật đó. Và giờ cậu đang chơi cho câu lạc bộ mà tôi yêu thích đấy chứ! Tôi thực sự quý mến cậu đấy nhóc ơi! Cậu tưởng tượng được tương lai sẽ ra sao nếu tôi thực sự giờ trò lúc xưa không?” Chúng tôi bá vai cười lớn, và tôi chụp chung với anh ấy một bức hình.

Ở Brazil chúng tôi thường bảo nhau câu này, và có lẽ đó là cách duy nhất tôi có thể dùng để nói về mình. Đời tôi đã chuyển, một cách màu nhiệm, từ nước lã thành rượu vang. Năm năm trước, tôi đang đá bóng tại Várzea, cố gắng sống sót, cố gắng vào được một câu lạc bộ danh tiếng nào đó tại Brazil. Tôi đã từng chơi bóng với rất nhiều cá nhân xuất chúng mà giờ đang lái xe bus, đang làm việc tại siêu thị, hay đang làm công nhân xây dựng. Chẳng phải họ không có tài hay không cố gắng. Nhiều phần nằm tại may mắn và cơ hội. Với một số người, họ cần phải mưu sinh. Họ không thể chạy theo giấc mơ mãi được. Và nếu không có sự hậu thuẫn từ mẹ, có lẽ tôi cũng đang làm những công việc ấy giống họ rồi. Thay vào đó, tôi đã có cơ hội được thử sức trong màu áo Palmeiras khi mới 15 tuổi, và mọi thứ cứ tiến triển từ đó. Tôi không giải thích được. Theo một cách nào đó, dường như đấy là số phận dẫn lối vậy. Chúa Trời đã viết nên một kịch bản hoàn hảo. Tôi ở lại với đội tuyển trẻ, và đã ký bản hợp đồng thực sự đầu tiên. Và từ ấy, mọi thứ như quả tên lửa phóng lên không. Tôi vào đội tuyển chính, làm tốt vai trò của mình, và rồi được gọi tên vào đội tuyển Brazil trong kì Olympics 2016 tại Rio. Khi nhận được cuộc gọi ấy, cảm xúc hạnh phúc đã chiếm trọn lấy tôi. Để khiến bạn hiểu được khoảnh khắc ấy … thì đây, mới chỉ 2 năm trước dó, tôi đang đứng trên đường phố Peri, tô hai màu vàng và xanh lên vỉa hè nhằm cổ vũ cho World Cup 2014. Mấy anh chàng trong khu này vẽ đẹp lắm và họ đã đưa nghệ thuật lên những bức tường kia, với những khuôn mặt của những người con sáng giá đất Brazil như David Luiz và Neymar.

Hai năm sau, tôi đang chơi bóng tại giải Olympics VỚI Neymar. Tôi vẫn nhớ cái ngày lần đầu tiên khoác lên mình tấm áo vàng của đội tuyển quốc gia. Đó là xúc cảm bạn có khi mà mình đã hoàn thành được giấc mơ cả đời. Với con dân Brazil, giải Olympics 2016 đặc biệt lắm, bởi lẽ huy chương vàng Olympics là danh hiệu duy nhất chúng tôi chưa có dược. Tôi vẫn nhớ cái gánh nặng đè lên vai đội tuyển, không chỉ vì chúng tôi đang đá tại Rio, mà vì cả quá khứ buồn tại kì World Cup vừa rồi. Hai trận đầu, chúng tôi chơi không tốt, những lời chỉ trích đã nặng nề lắm, nhất là những lời nhắm vào cá nhân Neymar. Tôi ngưỡng mộ cách Neymar xử lý mọi chuyện và cách anh dẫn dắt chúng tôi tới vinh quang.

Bạn biết đó, trước giải đấu, tôi chỉ là fan của Neymar như bất cứ người nào khác. Anh là một cầu thủ tuyệt vời, ai cũng biết điều đó. Nhưng khi thực sự hiểu con người anh trong khoảng thời gian khó khăn ấy … nó đặc biệt lắm, vì đó mới là con người thật của Neymar. Cách anh đối xử với mọi người đã khiến tôi ngạc nhiên tột độ – bởi trong khoảng thời gian ngắn mà tôi được sống trong thế giới bóng đá, tôi đã thấy những cá nhân chẳng phải tài giỏi gì mà cũng chưa giành được danh hiệu nào, là những kẻ mascarado. Mascarado, những người đeo mặt nạ, là những người mang hai vẻ mặt khác nhau khi đứng trước công chúng và trong phòng thay đồ. Nhưng Neymar thì khác, anh coi mọi người như anh em trong nhà. Anh ấy chính là lý do lớn cho phép chúng tôi đoàn kết lại, gạt bỏ áp lực và chơi bóng cho nhau chứ không vì ai khác. Và khi huy chương vàng nằm trong tay, đó quả là giây phút sung sướng tột cùng cho cả chúng tôi và cho đất mẹ Brazil. Trước giải, Neymar đã săm một hình, và chính nó truyền cảm hứng cho tôi có một hình săm tương tự, một hình ảnh bé nhỏ nói lên mọi thứ. Một cậu nhóc nhỏ, đứng dưới chân đồi, ngước mắt nhìn lên khu nhà ở favela. Dưới cánh tay cậu là trái bóng tròn, và cậu đang mơ những giấc mơ mà mọi con dân Brazil đều hướng tới. Đó không chỉ là tôi, không chỉ là Neymar, mà còn chính là từng cá nhân Brazil đang sống trong hình ảnh ấy. Đó chính là ý nghĩa của chiếc huy chương vàng danh giá.

“Đó không chỉ là tôi, không chỉ là Neymar, mà còn chính là từng cá nhân Brazil đang sống trong hình ảnh ấy. Đó chính là ý nghĩa của chiếc huy chương vàng danh giá”.

Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để góp mặt vào đội tuyển quốc gia mùa World Cup 2018 này, bởi Brazil là Brazil. Có quá nhiều yếu tố tranh đua, và chẳng có gì là chắc chắn cả. Đó cũng là lý do lớn khiến tôi đầu quân cho Manchester City. Tôi hiểu rằng mình cần phải vươn xa nữa, với cương vị là một cầu thủ chuyên nghiệp. Phải nói với bạn rằng, nơi đây khác Brazil nhiều lắm. Bạn chẳng được thấy Mặt Trời thường xuyên nữa. Tôi cũng đã nhận được nhiều lời mời về những nơi khác, những nơi chốn ấm áp hơn nhưng với tôi, quyết định về Manchester City đi từ ước muốn được chơi dưới trướng Pep Guardiola. Đây là lần đầu tôi đặt chân tới một đất nước lạnh như vậy, mà tôi cũng chẳng biết đến ngôn ngữ nơi đây. Tôi đối mặt với thử thách rằng phải để mọi người hiểu được mình, và nghĩ về khía cạnh đó mà xem, cô đơn lắm. Nhưng chính ngài Guardiola là lý do tôi kí hợp đồng, ngài nói với tôi rằng ông rất tin tưởng tôi, và tôi sẽ đóng một vai trò quan trọng cho Man City. Khi ông nói những lời này, tôi chẳng cần suy nghĩ lại nữa. Tôi đã quyết. Và đó là Man City. Nhưng trước khi tôi dời đến thành phố Manchester, tôi phải làm một điều cuối nữa. Tôi phải đóng chương sách này của đời mình.

Tôi quay lại sân đất nơi Pequeninos vẫn chơi bóng, với đôi giày cắp nách, tôi lại cảm nhận thấy mình của năm 9 tuổi chạy về với tuổi thơ. Nhưng lần này khác, tôi đang mang theo 250 đôi giày mới toanh cho lũ trẻ đam mê trái bóng. Giờ thì, bất cứ đội bóng lớn nào chạm trán với Pequeninos trên một sân đấu ướt át bùn lầy sẽ đều phải dè chừng nhé. Chẳng còn lý do nào ngăn chúng tôi chiến thắng cả. Tôi sẽ không lừa bạn làm gì. Lần đầu tiên đặt chân tới Manchester City, tôi lạc lối về mọi thứ. Mẹ tôi cứ phải di chuyển liên tục giữa Anh và Brazil, thật khó để xa mẹ lâu vậy, bởi mẹ là mọi thứ mà tôi có. Chính bà đã đóng vai cả người mẹ và người cha trong suốt quãng thời gian khôn lớn của tôi. Tôi nhớ lúc mình đang chơi cho Pequeninos, tôi thấy những đứa trẻ khác về chơi đùa với cha sau khi trận đấu kết thúc, nhưng tôi chỉ có một mình. Cảm giác ấy quả là quá nặng nề với một đứa trẻ mới lớn. Nó đã khắc dấu trong tâm hồn tôi. Nhưng giờ, khi có ai đó hỏi về cha tôi, thì tôi sẽ nói ngay người mẹ của tôi chính là người cha. Bà đã làm mọi thứ cho tôi và những người anh em của mình. Bà là một người anh hùng không áo choàng nữa. Và giờ mỗi khi tôi ghi bàn, ngay cả khi bà không có mặt tại sân vận động, tôi sẽ vẫn “nhấc điện thoại lên” và gọi bà. Khi tôi còn bé, bà vẫn luôn luôn gọi tôi để xem tôi đang ở đâu, và khi tôi không bắt máy, bà sẽ gọi cho bạn bè tôi. “Alô Mãe!”

Khi tôi nhấc điện thoại lên, đó là để tôn vinh mẹ tôi và những khó khăn chúng tôi đã cùng nếm trải. Nhưng đó cũng là để tôn vinh những người bạn, gia đình tôi, huấn luyện viên Mamede và tất cả người dân Brazil đã giúp tôi có được ngày hôm nay.
Tôi vẫn luôn là kẻ mơ mộng. Nhưng ngay cả trong những giấc mơ tuyệt vời nhất, tôi vẫn không thấy nổi hình ảnh của mình ngày hôm nay. Tôi biết có rất nhiều đứa trẻ ngoài kia đang vẽ nên những hình cổ động cho World Cup này. Có thể lũ trẻ không chơi cho các câu lạc bộ lớn. Có thể chúng luôn nghe người khác bảo rằng chúng sẽ không có tương lai. Tôi sẽ nói với các em rằng đừng bao giờ ngừng tranh đấu. Bốn năm trước khi anh ra khỏi đường hầm tại Etihad, anh vẫn đang chơi tại Várzea – và tại sân bóng ấy, có những người anh đã dọa bẻ gãy chân anh tại bãi gửi xe. Thật đó, cuộc đời các em hiện tại chỉ là miếng bánh mì xúc xích và lon soda. Nhưng nếu các em đuổi theo giấc mơ của mình thì ai mà biết điều gì sẽ có thể xảy đến? Nước lã có thể biến thành rượu vang. Và vậy đó, tới những đứa trẻ ngoài kia … Nếu các em đến được cái kết của câu chuyện của anh, anh có một thông điệp cuối cùng, và các em hãy biết rằng anh thực sự tin tưởng vào những câu chữ này … Không bao giờ được ngừng mơ ước. À, và hãy làm thêm một việc nữa cho anh, được chứ? Gọi cho mẹ của các em đi. Bà nhớ các em lắm đó.