Trang chủ Tin Tức Gặp tác giả của bức ảnh ‘Bé gái gào khóc ở biên...

Gặp tác giả của bức ảnh ‘Bé gái gào khóc ở biên giới Mỹ’ đang gây sốt trên mạng xã hội

632
Bức ảnh tạo nên làn sóng phẫn nộ cho dư luận tại Mỹ và trên thế giới.
Trong bức ảnh đang gây sốt trên mạng xã hội, bé gái 2 tuổi mặc chiếc áo màu hồng, đi đôi giày thể thao, và chỉ cao hơn đôi chút so với chiếc lốp xe bên cạnh. Cô bé gào khóc trong tuyệt vọng, hướng ánh nhìn về nơi mẹ của cháu – người đang bị cảnh sát tuần tra tại biên giới Mỹ – Mexico khám xét, và sau đó là bắt giữ vì nhập cư trái phép.
Theo các nhà phân tích, bức ảnh đã truyền tải được đầy đủ cung bậc cảm xúc, từ nỗi buồn, sự căm phẫn, và sợ hãi hiển hiện trong đôi mắt của cháu bé. Đây chắc chắn là sự trừng phạt mà không một đứa trẻ nào xứng đáng bị đón nhận.
Người chụp lại khoảnh khắc gây xúc động trên là nhiếp ảnh gia John Moore, trong một chuyến tác nghiệp tại thung lũng Rio Grande vào ngày 12/6. Tấm ảnh đã xuất hiện trang bìa của tạp chí New York Daily News, Times, cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác. Tấm ảnh cũng truyền cảm hứng cho nhiều tổ chức từ thiện, trong đó bao gồm quỹ RAICES do hai cựu thành viên Facebook sáng lập đã kêu gọi được sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm số tiền lên tới hơn 12 triệu USD.
“Cảm xúc quan trọng hơn câu chữ. Nó đã giúp nâng tầm bức ảnh để trở thành một tác phẩm đầy tính nghệ thuật, sâu sắc”
Những tác phẩm lấy chủ đề về trẻ em và nỗi buồn thường có được sự đón nhận mạnh mẽ từ dư luận.
Những tấm ảnh, đặc biệt là của những đứa trẻ trong tình thế tuyệt vọng, thường có được sức lan truyền mạnh mẽ trước khi người ta có được những lời mô tả chính xác về nó.
“Trải qua nhiều thế kỷ, nghề nhiếp ảnh vẫn có được giá trị không thể thể thay thế khi nắm bắt được những khoảnh khắc đầy tính nhân văn – cho dù nó là tốt hay xấu”, Seth Gitner, phóng viên tại Syracuse University cho biết. “Và hình ảnh luôn có sức mạnh hơn câu chữ.”
Quả thực, câu chuyện về những đứa trẻ bị tách rời khỏi gia đình của chúng đã được báo giới nhắc đến trong một thời gian dài. Những tờ báo lớn của Mỹ như NY Times bắt đầu đăng tải từ tháng 4/2018, trong khi CNN thậm chí đã cho biết chính quyền Tổng thống Trump cùng với ông John Kelly, người đứng đầu Cục An ninh Nội địa Mỹ đã lên kế hoạch và xem xét như đây là một thực tế kể từ tháng 3/2017.
Tuy nhiên chỉ trong vài tuần qua, sự phản đối kịch liệt của công chúng mới lên tới đỉnh điểm. Hàng loạt công dân Mỹ, từ chính trị gia, các tổ chức tôn giáo, cho tới các công ty công nghệ như Apple, Microsoft,… đồng loạt kêu gọi về một hành động cần được thực thi. Còn “mặt trận” mạng xã hội thì lan tỏa với sức mạnh và nhiều lời chỉ trích ghê gớm.
Theo CNN, hôm thứ Tư (20/6), Tổng thống Donald Trump dường như đã không chịu được sức ép từ dư luận và chấp nhận ký sắc lệnh có hiệu lực ngay tức thời, yêu cầu chấm dứt việc ly tách các gia đình người nhập cư, người tỵ nạn tại biên giới Mỹ – Mexico. Khi một phóng viên hỏi rằng liệu rằng hình ảnh của đứa trẻ 2 tuổi có khiến ông xúc động hay không, Tổng thống Donald Trump đã trả lời: “Vâng, chúng ảnh hưởng đến tất cả mọi người.”
John Moore – Anh là ai?
John Moore, nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những tác phẩm để lại cảm xúc đặc biệt cho người xem.
Người ta nói nhiều đến bức ảnh, nhưng ít ai biết rằng đằng sau nó là một người nổi tiếng cũng không kém. John Moore thậm chí không khiến những đồng nghiệp của anh phải bất ngờ, bởi so với những công trình của anh trong quá khứ, thành công đầy bất ngờ này là hoàn toàn có thể lý giải.
Moore từng đoạt giải thưởng Pulitzer – phần thưởng được coi là danh giá nhất trong lĩnh vực báo chí và văn học sau khi anh “lang thang” khắp chốn ghi lại những hình ảnh về người tỵ nạn trong suốt một thập kỷ qua. Trong bộ sưu tập của anh có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật để lại cảm xúc đặc biệt cho người xem, và không ít lần xuất hiện trên các tạp chí lớn tại Mỹ.
“Với tư cách một phóng viên ảnh, nhiệm vụ của tôi là tiếp tục tiến về phía trước dù có khó khăn. Nhưng tôi cũng là một người cha của 3 đứa con nhỏ, và những điều này thật đau lòng”, Moore trả lời khi được hỏi về khoảnh khắc chụp lại bức ảnh “Bé gái 2 tuổi”.
Một trong những tác phẩm của John Moore chụp lại cảnh những người tỵ nạn vượt thoát khỏi hàng rào biên giới để đoàn tụ với gia đình.
“Sau khi cảnh sát liên bang ghi lại tên tuổi và quốc tịch, nhóm người lớn bắt đầu trở nên hoảng sợ khi được đưa vào xe tải chở tới trung tâm xử lý”, Moore kể lại. “Cuối đoàn, một bà mẹ người Honduras cùng với bé gái 2 tuổi được yêu cầu đặt con xuống đất để kiểm tra người và cô bé bắt đầu khóc”.
“Khi tôi chụp những đứa trẻ trước ống kính, tôi như nghĩ trong đầu rằng chúng là những đứa trẻ bị tách rời khỏi mình. Tôi phải hít một hơi thật sâu, vì cảm thấy rất xúc động”
“Giống như các phóng viên khác, chúng tôi đều muốn có sự khác biệt trong tác phẩm của mình. Hình ảnh này khiến nhiều người xúc động và tiếp thêm sinh lực cho công chúng Mỹ về vấn đề chia tách các gia đình nhập cư. Tôi hy vọng nó sẽ giúp thay đổi chính sách của Chính phủ”, Moore nói.
Moore cho biết rất nhiều trường hợp trong số những người tìm kiếm tị nạn đến từ khu vực Trung Mỹ. Họ bỏ trốn khỏi quê hương vì sợ hãi trước bạo lực và tính mạng của gia đình bị đe dọa. Ông đã nhìn thấy những cảnh tượng tương tự trong suốt những năm tác nghiệp ở khu vực này nhưng với trường hợp cháu bé người Honduras là một “cảm xúc hoàn toàn khác”.
Chính quyền Mỹ hôm 15/6 cho biết, trong 6 tuần, kể từ ngày 19/4, đã chia tách gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ và người bảo hộ bị cáo buộc vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ. Đây là một phần trong chính sách nhập cư mới “không khoan nhượng” của ông Trump. Chính quyền khẳng định rằng không phải cứ đi cùng trẻ em thì được vào Mỹ dễ dàng vì nghi ngờ trẻ vị thành niên bị dùng làm lá chắn.
Đây không phải lần đầu tiên hình ảnh của một đứa trẻ bị nạn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Đáng chú ý nhất phải kể tới bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” do nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) thực hiện trong quá khứ.
Bức ảnh “Em bé Napalm”
“Em bé Napalm” là tên một bức ảnh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam ghi lại cảnh người dân tháo chạy khỏi ngôi làng bị đánh bom, nằm trong cuộc tấn công bằng bom Napalm của Mỹ năm 1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Chi tiết nổi bật của bức ảnh là một bé gái vừa chạy vừa khóc trong đau đớn. Quần áo của cô bé bị thiêu cháy trong khi từng mảng da rộp lên vì bỏng.
Thành công vang dội với bức ảnh “Em bé Nalpalm” đã giúp cho Nick Út đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1973, khi phác họa một cách hoàn hảo sự khắc nghiệt của thời kỳ chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam.
Nguyễn Nguyễn