Với giá bán 19,99 triệu đồng, smartphone này gia nhập nhóm những di động đắt nhất trên thị trường, bên cạnh bộ đôi Galaxy S9, S9 Plus, iPhone 8, 8 Plus hay iPhone X. Đáng chú ý, mức giá rẻ nhất cho các sản phẩm này đều ở ngưỡng 20 triệu đồng.
Vào khoảng năm 2016, nhiều tín đồ Sony đã khấp khởi vui mừng khi hãng chào giá mẫu Xperia XZ ở mức 15 triệu đồng, được xem là thấp nhất hơn nhiều so với các năm trước, cũng thấp hơn kha khá so với các đối thủ. Tuy nhiên, bước sang 2017, giá của XZ1 được đẩy lên 16 triệu và giờ là 20 triệu cho XZ2.
Xperia XZ2 có giá 19,99 triệu đồng tại Việt Nam. |
Thật ra, Sony chỉ chạy theo một trào lưu được những ông lớn khác như Samsung hay Apple đưa ra.
Năm 2016, Apple bán iPhone 6S Plus bản dung lượng thấp nhất (16 GB) giá 22 triệu đồng tại Việt Nam. Một năm sau đó, iPhone 7 Plus tăng nhẹ, ở mức 22,3 triệu đồng. Tuy nhiên, bước sang 2018, iPhone 8 Plus được chào bán khởi điểm từ 24 triệu, thậm chí iPhone X còn lên đến 30 triệu đồng.
Samsung không phải ngoại lệ khi 2 năm trước, chiếc S7 Edge được xem là “long lanh” nhất thị trường chỉ có giá 18,5 triệu đồng. Đến thời S8+, giá của máy đã lên mức 20,5 triệu đồng và giờ là 23,5 triệu đồng cho S9+. Giá bán cho mỗi chiếc di động cao cấp nhất của Samsung tăng đều 2-3 triệu sau mỗi năm.
Đáng chú ý, nếu đem so sánh những chiếc iPhone 7 Plus với 8 Plus hay Galaxy S8+ với S9+, không nhiều người tìm ra những điểm khác biệt lớn, đến mức giá bán của máy tăng cả trăm USD.
Biểu đồ giá các mẫu smartphone cao cấp của Apple, Samsung, Sony tại Việt Nam qua các năm từ 2016 đến nay. |
Có khá nhiều lý do được đưa ra cho màn tăng giá đồng loạt trên thị trường smartphone cao cấp. Giá linh kiện smartphone tăng cao thời điểm năm 2017 được xem là nguyên nhân chính. Theo thông tin từ hãng nghiên cứu thị trường Gartner, giá bán smartphone trong năm 2017 tăng thêm 4,3%, chủ yếu do việc thiếu các linh kiện cần thiết như chip nhớ, RAM vv…
Trong khi đó, những di động cao cấp ra mắt các năm gần đây liên tục yêu cầu linh kiện mới hoặc chất lượng cao hơn. Chẳng hạn, những module camera trên Xperia XZ1, XZ2 hay Galaxy S9, S9+ đều là loại tốt nhất hiện nay hay màn hình OLED trên iPhone X có giá cao hơn nhiều so với màn hình LCD truyền thống.
Việc liên tục nâng cấp chip, RAM, hay thay đổi chất liệu thiết kế sản phẩm cũng góp phần khiến giá thành sản xuất của những di động này bị đẩy lên cao.
Tuy nhiên, theo giới bán lẻ, một trong những lý do khiến các hãng sản xuất quyết định tăng giá smartphone cao cấp liên tục qua các năm là tình trạng thị trường bão hòa. Khi lượng mua đi xuống do lượng mua thấp, cách tốt nhất để các hãng cân bằng lợi nhuận là tăng giá bán để bù vào.
Thu nhập của người dùng ngày càng tốt hơn cũng là yếu tố giúp hãng sản xuất tự tin hơn khi tăng giá smartphone. Những smartphone như iPhone X, Galaxy S9+ dù không bán ra rầm rộ như các năm trước nhưng sức mua vào mỗi đợt mở bán đều lên đến vài nghìn chiếc.
Galaxy S9+, iPhone X đều có giá bán trên mức 1.000 USD tại Việt Nam. |
Thực tế, quyết định này phần nào phát huy hiệu quả khi thống kê của GfK chỉ ra, doanh thu từ nhóm điện thoại giá trên 10 triệu tại Việt Nam chiếm đến 30,9% toàn thị trường trong năm 2017, tăng 1,4% tỷ trọng so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà bán lẻ cho biết họ đang phải gánh chịu hậu quả cho việc smartphone cao cấp tăng giá liên tục. Sức bán giảm, doanh số thấp khiến họ chịu sức ép không nhỏ. Về phía người dùng, một bộ phận không nhỏ đang tìm đến dòng sản phẩm “tân trang”, cách nói mỹ miều của các mẫu di động đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí.
Nếu so cùng đời, di động tân trang có thể có giá bán rẻ hơn 3-4 triệu đồng so với máy mới. Chẳng hạn, iPhone X “tân trang” hiện được bán với giá 21-23 triệu (phụ thuộc vào hàng chính hãng hay xách tay), trong khi máy mới có giá lên đến hơn 24 triệu hoặc 30 triệu (máy chính hãng).
Theo news.zing.vn