Trang chủ Tin Tức Giám đốc VTV24: Làm OTT nên ngồi lại với nhau, đừng đưa...

Giám đốc VTV24: Làm OTT nên ngồi lại với nhau, đừng đưa nhau xuống đáy

746
Trung tâm tin tức VTV24 – Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo: OTT – Tương lai của truyền hình”, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, đại diện từ các đơn vị làm OTT truyền hình lớn trong và ngoài nước như Netflix, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, VTV, FPT, Film+, Danet…
Hội thảo hôm 7/6 cung cấp bức tranh tổng quan về thị trường OTT truyền hình hiện nay tại Việt Nam, cơ hội kinh doanh và những yêu cầu bức thiết đặt ra cho cơ quan quản lý để phát triển thị trường này lành mạnh hơn. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế phim và Công nghệ truyền hình Việt Nam Telefilm 2018.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 – Ảnh: vtv.vn

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 nói mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ ngồi lại với nhau nhằm thiết lập một thị trường phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ video streaming hàng đầu khu vực và thế giới thay vì cạnh tranh nhau trong một cuộc đua xuống đáy.
Bên cạnh phát biểu kết luận của ông Minh, nhiều vấn đề khác cũng được nêu tại hội thảo.
Đau đầu nạn vi phạm bản quyền
Theo tổ chức nghiên cứu Muvi, ước tính doanh thu thị trường OTT truyền hình tại khu vực Đông Nam Á sau 3 năm nữa có thể đạt tới con số 650 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Hiện ở Việt Nam cũng đã có đến 30 sản phẩm OTT truyền hình… qua đó có thể thấy tiềm năng, dư địa thị trường này là rất hứa hẹn.
Tuy nhiên thực tế một gánh nặng lớn đang làm giảm tốc các doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển chung của thị trường OTT Việt Nam: Nạn vi phạm bản quyền các nội dung truyền hình, phim ảnh một cách tràn lan.

Các chuyên gia đang phát biểu ở phiên thảo luận “Khốc liệt cuộc cạnh tranh OTT truyền hình” – Ảnh: vtv.vn

Hiện vẫn chưa có thống kê chính thức nào tại Việt Nam về số lượng các đơn vị vi phạm bản quyền truyền hình, cũng như thiệt hại gây ra. Tuy nhiên Bộ Thông tin & Truyền thông nhận định là vi phạm bản quyền trên internet “đang ở mức báo động”.
Còn theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, phó chủ tịch công ty BHD, 95% nội dung OTT truyền hình hiện nay ở Việt Nam là nội dung lậu, vi phạm bản quyền. Trong khi đó giới chuyên gia cho rằng mức chế tài các hành vi vi phạm bản quyền còn quá nhẹ.

Ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc TCT Truyền hình Cáp Việt Nam VTVcab, cho biết: “Ở Mỹ chẳng hạn, vi phạm bản quyền nếu chỉ cần phát trên YouTube thôi chứ chưa nói đến chuyện đem đi kinh doanh, thì họ có thể kiện bạn đến mức phá sản luôn. Còn ở Việt Nam mức xử phạt hiện nay cao nhất chỉ vài chục triệu”.
Gần đây nhất, Bộ Thông tin Truyền thông đã mạnh tay yêu cầu rút toàn bộ quảng cáo trên 50 trang web vi phạm bản quyền. Trong đó có nhiều trang OTT truyền hình có lượng truy cập cao như hayhaytv, hdviet, hdtivi… Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng thời gian tới cần có những xử lý có sức răn đe hơn nữa được quy định trong luật. Bởi vi phạm bản quyền trên internet luôn có dấu hiệu tái diễn.
Ví dụ mới nhất là trận chung kết Champions League vừa qua, ước tính có đến 50 triệu livestream vi phạm bản quyền.
OTT, lỗ nhưng vẫn phải đầu tư
Những năm gần đây, sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như smartphone, smart TV cộng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Internet băng thông rộng cũng như kết nối 3G, 4G đã thay đổi thói quen xem truyền hình của người tiêu dùng.
Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam hiện là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến với 9/10 người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần. Điều này đang mở ra cơ hội cho những dịch vụ truyền hình truyền dẫn trên nền tảng Internet hay còn được gọi với thuật ngữ OTT truyền hình.
Thực tế từ năm 2017 đến nay, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của dịch vụ truyền hình OTT.
Từ những ông lớn truyền hình như VTV, VTC, K+, SCTV đến các doanh nghiệp nội như FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy hay cả doanh nghiệp ngoại như iFlix, Netflix đều đã tham gia vào cuộc cạnh tranh cung cấp các sản phẩm OTT truyền hình phục vụ người tiêu dùng.
Sau nhiều năm vận hành ứng dụng VTVgo, Đài Truyền hình Việt Nam vừa liên tục cho ra mắt các OTT mới là VTV giải trí, OnMe dành cho nhiều phân khúc người tiêu dùng khác nhau.
Ông Hoàng Ngọc Huấn, Chủ tịch TCT Truyền hình Cáp Việt Nam VTVcab, cho biết OnMe của VTVcab đi theo một chiến lược rất khác: không phải là ứng dụng xem truyền hình thông thường, mà là multi-channel networks – một hệ thống đa kênh.
“Tất cả những gì khán giả muốn đều có trên OnMe. Thị trường OTT là của thế hệ tương lai. Nó là xu hướng tất yếu. Nếu không đầu tư sẽ trở thành thụt lùi”, ông Huấn nói.
Các doanh nghiệp OTT truyền hình hầu như không tiết lộ số tiền đầu tư, nhưng nhận định chi phí đầu tư làm nội dung, công nghệ, cơ sở hạ tầng là “rất lớn”… Có doanh nghiệp hoạt động 5 năm vẫn lỗ hàng triệu USD. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận “đốt tiền” vào cuộc chơi mới này, kỳ vọng những lợi ích bền vững trong dài hạn…