Trang chủ Tin Tức Giới CNTT tiếc thương cố GS.Phan Đình Diệu – người anh cả...

Giới CNTT tiếc thương cố GS.Phan Đình Diệu – người anh cả ngành CNTT Việt Nam

682
GS Phan Đình Diệu, iện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, Chủ tịch đầu tiên của Hội Tin học Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT (Nguồn ảnh: Vietnamnet.vn)

Vào lúc 10h00 sáng qua, ngày 13/5/2018, GS.TS Phan Đình Diệu, sinh năm 1936 tại Hà Tĩnh, Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện CNTT) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Tin học Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT (1993 – 1997) đã trút hơi thở cuối cùng tại Viện Quân đội 354, Hà Nội.
Trao đổi với ICTnews, các chuyên gia trong ngành đều khẳng định, cố GS.TS Phan Đình Diệu là người có công đầu trong việc đặt nền móng cho sự phát triển ngành CNTT nước nhà. Ông là người đã tạo lập nền tảng của ngành CNTT Việt Nam: đầu năm 1977 Viện Khoa học tính toán và điều khiển được thành lập, GS Phan Đình Diệu được phân công làm Viện trưởng; trong suốt từ năm 1977 đến năm 1985, trên cương vị Viện trưởng, GS Phan Đình Diệu đã dự thảo kế hoạch, dẫn dất Viện vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng được một số hướng nghiên cứu chính về Tin học.
GS. Phan Đình Diệu cũng là người có công tham gia gây dựng cộng đồng CNTT Việt Nam. Năm 1988, ông đã tham gia vận động, thành lập Hội Tin học Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Hội tại Đại hội thành lập được tổ chức ngày 6/1/1989. Ông được tín nhiệm bầu vào cương vị Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam liên tiếp trong 2 nhiệm kỳ I, II (từ tháng 1/1989 đến tháng 3/1996).
Một đóng góp quan trọng của GS. Phan Đình Diệu đối với sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam, đó là ông đã tham gia xây dựng Chương trình Quốc gia về CNTT. Năm 1993, Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT được thành lập, GS Phan Đình Diệu được giao trọng trách làm Phó trưởng ban thường trực của Ban chỉ đạo này. Ông cũng đã tích cực tham gia xây dựng Nghị quyết 49/CP của Chinh phủ về phát triển CNTT ở nước ta trong những năm 90, được ban hành ngày 4/8/1993. Theo đánh giá của GS Viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhờ có Chương trình Quốc gia về CNTT và Nghị quyết 49/CP, nhận thức trong các cấp lãnh đạo có chuyển biến, các bộ ngành và địa phương bắt đầu ứng dụng CNTT vào công tác điều hành và tổ chức quản lý, CNTT nước ta đã có những phát triển bước đầu.
Là người có dịp làm việc cùng GS Phan Đình Diệu trong giai đoạn tham gia tổ chuyên gia của Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT, TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT – Bộ GD&ĐT hồi tưởng lại: “Nhớ lại kỷ niệm những ngày cuối thập kỷ 80, đầu 1990. Dưới sự chỉ đạo của GS Đặng Hữu, Bộ trưởng Bộ KH&CN khi đó, anh Diệu là tổ trưởng tổ chuyên gia cùng các anh Phạm Thượng Cát, anh Trần Văn Đắc (Vụ trưởng Vụ Công nghiệp), anh Đỗ văn Lộc (thư ký) và tôi. Nhiệm vụ rất rõ ràng là bàn thảo chính sách để ra dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển CNTT đến năm 2000. Sau này Chính phủ ký Nghị quyết 49/CP là thế. Điều đáng nói là Nghị quyết 49/CP chỉ rõ nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực CNTT là nhiệm vụ ưu tiên và là quan trọng hàng đầu với việc thành lập 5 khoa CNTT trọng điểm. Sau này về Bộ GD&ĐT thành 7 khoa trọng điểm. Đến nay, tất cả các trường đại học, cao đẳng đều có khoa CNTT. Nghị quyết 49/CP cũng chỉ rõ: Chú trọng phát triển công nghệ mạng và Multimedia. Đến giờ vẫn đúng!”.
Theo ông Ngọc, ấn tượng của ông về GS Phan Đình Diệu là một người không tham quyền. Ông Ngọc kể: “Kỷ niệm đặc biệt với anh Diệu là một hôm tôi qua nhà anh chơi. Chuyện trò 1 lúc thì buột mồm tôi bảo: “Anh à. Anh là lên đến đỉnh cao của lập chính sách CNTT. Anh không phải tuýp người phù hợp với việc quản lý dự án với tiền nong. Vì vậy em nói thật là Anh nên nghỉ đi. Như thủ thành Yasin ấy. Giã từ sân cỏ lúc đỉnh cao nhất của cuộc đời. Nghe vậy mà cây cao bóng cả không tự ái tý nào và bảo để anh suy nghĩ. Một tuần sau, Anh bảo tôi: Anh nghe theo lời Ngọc. Anh đệ đơn xin Thủ tướng cho Anh nghỉ rồi. Một năm sau vô tình gặp Anh ở sân bay Đà Nẵng, Anh bảo Thủ tướng đồng ý cho Anh nghỉ rồi. Anh về ĐHQG Hà Nội đi dạy học”.

GS Phan Đình Diệu (thứ 5 từ trái sang) tại Đại hội Hội Tin học Việt Nam lần thứ nhất, được tổ chức tại Hà Nội ngày 6/1/1989 (Ảnh Hội Tin học Việt Nam cung cấp)

Chia sẻ với ICTnews, TS Nguyễn Long, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, với cộng đồng CNTT nước nhà, GS Phan Đình Diệu là người anh cả, luôn hết lòng vì sự nghiệp CNTT và đào tạo nguồn lực CNTT. “Từ những ngày đầu hình thành ngành CNTT Việt Nam cho đến giai đoạn sau này, ông luôn nỗ lực góp sức đưa ngành phát triển lớn mạnh”, ông Long nhấn mạnh.

GS Phan Đình Diệu cùng các Chủ tịch và Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, thời điểm ông chia sẻ những kỷ niệm về quãng thời gian bắt đầu xây dựng Viện Khoa học tính toán và điều khiển, tiền thân của Viện CNTT trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam ngày nay (Ảnh Hội Tin học Việt Nam cung cấp)

Trong câu chuyện về GS Phan Đình Diệu, ông Nguyễn Long cho hay, trong quá trình công tác của mình, thời gian xây dựng bước đầu của Viện khoa học tính toán và điều khiển (nay là Viện CNTT trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) là quãng thời gian để lại cho GS Phan Đình Diệu nhiều kỷ niệm hơn cả. Cũng chính vì thế, hồi năm 2008, dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, mặc dù nhận lời viết bài về kỷ niệm với Hội Tin học song vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Tin học lại nhớ và chọn viết về những kỷ niệm ngày đầu xây dựng Viện Khoa học tính toán và điều khiển.
Được sự đồng ý của Hội Tin học Việt Nam, ICTnews xin được đăng tải lại bài viết của GS Phan Đình Diệu:
Những năm tháng khởi đầu của Viện Khoa học tính toán và điều khiển
Phan Đình Diệu
Lời mở đầu: Tôi vốn là một cán bộ giảng dạy và nghiên cứu Toán học. Vào những năm đầu thập niên 1960, do bị hấp dẫn bởi việc học máy tính, tôi đã xin được chuyển về Phòng Toán học tính toán, tức Phòng máy tính điện tử, và rồi gắn bó gần như suốt đời với ngành khoa học tính toán, tức ngành Tin học cho đến ngày nay. Tôi đã trải qua các công tác Trưởng phòng Toán học tính toán, Viện trưởng Viện khoa học tính toán và điều khiển, Chủ tịch Hội Tin học Việt nam, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình quốc gia về Công nghệ Thông tin, rồi từ năm 1997lại trở về với công tác dạy học tại Đại học quốc gia Hà nội. Qua những cương vị công tác đó, thời gian công tác xây dựng bước đầu của Viện khoa học tính toán và điều khiển mà tôi kể lại dưới đây là để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất.
Vào những năm đầu thập niên 1970, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang dần đi vào giai đoạn kết thúc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhiều tập thể cán bộ khoa học kỹ thuật được nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho các kế hoạch xây dựng và phát triển đất nước sau khi hoà bình được lập lại. Tôi nhớ là Thủ tướng đã dành sự quan tâm khá đặc biệt cho ngành Toán học và khoa học tính toán.
Sau khi Viện Toán học đã được thành lập vào năm 1971 do các giáo sư Lê Văn Thiêm và Hoàng Tuỵ chủ trì, ngành Toán học được chỉ thị tập trung nhiều hơn cho các ứng dụng thực tế, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý sản xuất và quản lý kinh tế. Và vào năm 1975, Chính phủ đã ra một Nghị quyết (số 173 CP năm 1975) về đẩy mạnh ứng dụng Toán học và kỹ thuật máy tính trong quản lý kinh tế, trong đó có một nội dung là chuẩn bị thành lập một Viện Toán kinh tế ở Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.

Đối với ngành khoa học tính toán, hồi đó ta mới có một máy tính điện tử đầu tiên (máy Minsk-22 do Liên Xô sản xuất, nhập năm 1968) và một phòng Toán học tính toán với một tập thể gồm toàn các cán bộ và kỹ sư còn trẻ tuổi do Tiến sĩ Nguyễn Lãm phụ trách, cũng đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho một kế hoạch phát triển và ứng dụng khoa học tính toán trong tương lai. Tôi vốn là một cán bộ dạy Toán ở Đại học Sư phạm Hà Nội, sau mấy năm được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, do thích học tiếp một số vấn đề lý thuyết về máy tính, nên từ đầu năm 1968 đã được phân công về làm việc ở phòng nghiên cứu của anh Lãm, và sau khi anh Lãm được gọi về phục vụ quân đội năm 1972, được cử thay anh làm Trưởng phòng Toán học tính toán, do đó cũng được tham dự vào việc xây dựng kế hoạch phát triển khoa học tính toán nói trên.
Đầu năm 1975, tôi may mắn được cử đi thực tập để tìm hiểu tình hình phát triển Tin học ở Pháp trong vài ba tháng, và tiếp theo đó, sau khi miền Nam được giải phóng lại được cử vào Sài Gòn để tìm hiểu thực tế sử dụng hệ thống các máy tính điện tử dưới thời Mỹ và chính quyền cũ, nên cũng thu thập được nhiều thông tin và hiểu biết bổ ích cho công việc chuẩn bị các kiến nghị cho giai đoạn phát triển mới.
Vào cuối năm 1975, một bản dự thảo kế hoạch phát triển và ứng dụng ngành khoa học tính toán và máy tính điện tử đã được trình lên Chính phủ xem xét, và sau đó ít lâu một Nghị quyết của Chính phủ (số 245 CP/1976) về xây dựng và phát triển ngành khoa học tính toán đã được ban hành, mà nội dung chủ yếu gồm có 3 điểm chính: Đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và mở các khoa về toán học tính toán và kỹ thuật máy tính ở một số trường Đại học chủ chốt; Xây dựng tại Viện Khoa học Việt Nam đang được thành lập một Viện nghiên cứu về khoa học tính toán và điều khiển; Thành lập tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước một Cục Máy tính điện tử để giúp thống nhất quản lý việc phát triển kỹ thuật và trang bị máy tính trong cả nước.
Thực hiện Nghị quyết đó của Chính phủ, sang đầu năm 1977, Viện Khoa học Việt Nam đã ra quyết định thành lập Viện Khoa học tính toán và điều khiển trên cơ sở sáp nhập Phòng Toán học tính toán (tức là Phòng máy tính điện tử) và Ban Điều khiển học vốn trực thuộc UBKHKTNN đã có trước đó, và tôi được cử giữ nhiệm vụ Viện trưởng Viện khoa học mới được thành lập đó.
Viện đã được thành lập, nhưng còn rất nghèo nàn và thiếu thốn đủ thứ. Điều lo lắng đầu tiên là làm sao xác định được đúng đắn các hướng hoạt động chủ yếu của Viện, và để sớm trở thành một Viện nghiên cứu khoa học, thì phải tập trung xây dựng và phát triển những hướng nghiên cứu nào để mong sớm có được những kết quả nghiên cứu thật sự ? Vốn liếng có sẵn lúc đó thì ngoài một cơ sở vật chất nghèo nàn gồm hai máy tính điện tử đã cũ và lạc hậu, một ít dụng cụ kỹ thuật chủ yếu để phục vụ cho việc sửa chữa chứ không phải cho nghiên cứu, và một tủ sách chắp vá thậm chí chưa có tiền để mua sắm một tạp chí chuyên môn nào cho ra hồn, có lẽ đáng kể nhất là một lực lượng cán bộ còn khá trẻ và đang hăm hở học tập, ham mê nghiên cứu khoa học, ngoài một số ít anh em đã tốt nghiệp tiến sĩ hay phó tiến sĩ ở Liên Xô hoặc các nước Đông Âu, đa số còn chưa trải qua kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.
Như đã kể ở trên, trước khi thành lập Viện, tôi có may mắn được có dịp tìm hiểu được ít nhiều tình hình phát triển Tin học thế giới qua chuyến thực tập tại Pháp và chuyến công tác tại miền Nam sau giải phóng, và cũng nhờ sau chiến tranh, ta đã lập được các quan hệ hợp tác chính thức về khoa học kỹ thuật với Liên Xô và các nước Đông Âu, nên ngay sau khi thành lập Viện, cùng với các cán bộ chủ chốt trong Viện chúng tôi đã xây dựng được các phương hướng xây dựng Viện một cách cụ thể, bao gồm các nội dung như sau:
1.Phát triển một số hướng nghiên cứu về lý luận về các hệ thống, các hệ điều khiển, các phương pháp thống kê, phương pháp tính toán trong các hệ phương trình vi phân, các hệ đại số tuyến tính…
2.Lý thuyết lập trình và các ngôn ngữ thuật toán, chương trình dịch, một số vấn đề về ôtômat và các ngôn ngữ hình thức, độ phức tạp tính toán.
3.Phát triển các nghiên cứu về kỹ thuật tính toán, đặc biệt về kỹ thuật vi tính và vi xử lý (microprocessors), tiến tới khả năng thiết kế, lắp ráp máy vi tính và các thiết bị vi xử lý dùng trong điều khiển kỹ thuật và các ứng dụng khác.
4.Chuẩn bị các năng lực cần thiết cả về lý luận và về kỹ thuật để thực hiện các ứng dụng trong điều khiển sản xuất, quản lý kinh tế và điều khiển kỹ thuật.
Đề ra và thực hiện các phương hướng nghiên cứu nói trên đối với một Viện còn non trẻ và mới được thành lập, bây giờ nhìn lại có thể nói đó là một kế hoạch đầy tham vọng và nhiều mạo hiểm. Nhưng thực ra để xác định được các nhiệm vụ đó vào những năm 1977-78, Viện cũng đã có những căn cứ nhất định. Để xây dựng Viện sớm trở thành một Viện nghiên cứu khoa học, tất yếu phải sớm đưa được hoạt động chuyên môn của Viện vào quĩ đạo chung về khoa học của các hướng nghiên cứu cùng ngành trên thế giới. Ta đi sau và còn nghèo nên khó mà nhanh chóng có được vị trí “bằng vai phải lứa” với bạn bè khắp nơi, nhưng dẫu chưa cao được bằng người ở mọi vị trí thì cũng phải phấn đấu để có được chỗ đứng bằng chị bằng em ở một vài điểm nào đó, rồi từ vài điểm ban đầu đó mà vươn dần lên ở những điểm khác. Chính với suy nghĩ đó mà ở giai đoạn khởi đầu ta đã chọn một vài điểm khá khiêm tốn mà ta tự xét thấy có khả năng do đã có chuẩn bị từ trước như một vài hướng gắn với các vấn đề lý thuyết hoặc có tính chất toán học, hoặc các hướng kỹ thuật tuy rất hiện đại nhưng đã có những sự hỗ trợ quí báu được tin cậy như về hướng phát triển kỹ thuật vi xử lý. Bên cạnh đó, việc phát triển một số hướmg nghiên cứu ứng dụng cũng là hết sức cần thiết, vì đó là lẽ tồn tại của Viện.
Tuy chưa phải mọi mục tiêu đề ra đều đã được thực hiện mỹ mãn, nhưng có thể nói trong khoảng mươi năm đầu tốn tại của mình, trên cơ sở phát triển theo các phương hướng đã đề ra đó, Viện đã tiến được những bước khá vững vàng, tạo được một đội ngũ cán bộ, tích luỹ được một vốn kiến thức và kinh nghiệm để làm đà cho những bước phát triển tiếp theo. Vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi trên thế giới, máy vi tính còn chưa là sản phẩm hàng hoá phổ biến, nước ta lại đang trong tình trạng bị cấm vận, anh em cán bộ và kỹ sư của Viện đã tự thiết kế, lắp ráp được liên tiếp các máy vi tính VT1, VT2, VT3, tự viết được hệ điều hành (dưới dạng các hệ quản trị tệp) cho máy, và “sáng tạo” nên ngôn ngữ “BASIC Đồi Thông” cùng với chương trình dịch để sử dụng trên máy, đó là những kết quả rất đáng tự hào.
Đành rằng trong những kết quả đó, có sự giúp đỡ rất quí báu mà ta luôn biết ơn của nhiều bạn bè quốc tế (như của kỹ sư người Pháp A.Tessonnière), nhưng tinh thần làm việc hăng say và ham hiểu biết của cả một lớp cán bộ, kỹ sư trẻ như Nguyễn Chí Công, Vũ Duy Mẫn, Trần Bá Thái, Phí Mạnh Lợi… vẫn mãi mãi để lại trong chúng tôi những kỷ niệm đẹp. Về những hướng nghiên cứu khác, việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra như về ứng dụng kỹ thuật vi xử lý trong điều khiển các hệ thống điều độ điện lực, điều hành nhà máy xi măng, xây dựng tập thể nghiên cứu ngôn ngữ thuật toán và lý thuyết lập trình, nghiên cứu lý thuyết hệ thống, đặc biệt các kết quả về tính điều khiển được trong các hệ thống đa tuyến tính, một số vấn đề về phương pháp tính giải các bài toán toán học và về độ phức tạp tính toán… cũng đã đạt được giá trị khoa học nhất định, trong nhiều năm Viện đã xuất bản được khá đều đặn một xê-ri các thông báo nghiên cứu khoa học của Viện, làm sản phẩm để trao đổi với nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học cùng ngành trong và ngoài nước.
Tôi công tác tại Viện Khoa học tính toán và điều khiển đến năm 1985 thì xin thôi giữ chức vụ Viện trưởng, và từ đó cũng không có trách nhiệm theo dõi sát các hoạt động của Viện nữa. Sau đó Viện đã hai lần đổi tên, là Viện Tin học rồi nay là Viện CNTT.
Trong vài chục năm gần đây, ngành CNTT và truyền thông đã có những bước phát triển rất to lớn, trên thế giới và cả trong đất nước ta. Tôi vui mừng được biết là trong thời gian đó, Viện đã liên tục phát triển, nhiều tập thể nghiên cứu của Viện đã trưởng thành, trở thành những tập thể nghiên cứu vững vàng trong các phương hưỡng hiện đại của khoa học TT&TT nói chung, vừa có năng lực vươn lên trình độ hiện đại, vừa có khả năng làm ra những sản phẩm đáp ứng các nhu cầu ứng dụng thực tế trong nước như các sản phẩm MISA về quản trị tài chính, phần mềm về nhận dạng và đọc văn bản tiếng Việt, về quản trị mạng Internet, các kết quả về lý luận và thực hành tự động điều khiển trong kỹ thuật…
Tôi nhớ từ ba bốn mươi năm trước, người ta còn tranh luận với nhau về việc có nên xem Tin học, tức khoa học máy tính (Computer Science), là một ngành khoa học độc lập hay không; thế mà chỉ sau một thời gian ngắn, với sự phát triển nhanh chóng của nó, người ta đã gần như thống nhất xem cái “ngành khoa học” đó, trong giai đoạn phát triển hiện đại của nó, mà người ta đề nghị gọi nó là khoa học tính toán (Computational Science), với các phương pháp hùng mạnh của nó là mô hình hoá và mô phỏng, là ngành then chốt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc phát triển khoa học và nhận thức của con người nói chung ở thế kỷ mới, Bởi vì các phương pháp nói trên cho đến nay là những phương pháp gần như duy nhất có thể giúp con người tìm hiểu sâu vào bản chất của những đối tượng và quá trình cực kỳ phức tạp của thế giới tự nhiên và kinh tế-xã hội.
Tôi hy vọng rằng Viện CNTT và ngành khoa học tính toán nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để bắt kịp bước tiến mới của khoa học thế giới, góp phần đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển khoa học nói chung và cũng là vào sự nghiệp hiện đại hoá đất nước thân yêu của chúng ta.