Trang chủ Tin Tức Gốc rễ của các cuộc tấn công mạng là dùng phần mềm...

Gốc rễ của các cuộc tấn công mạng là dùng phần mềm không bản quyền

730
Sử dụng phần mềm bất hợp pháp và không bản quyền là hình thức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến phần mềm máy tính. Đặc biệt, đây không chỉ là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn là dấu hiệu của nguy cơ bị tấn công bằng mã độc.
Sáng nay, 18/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ và BSA| Liên minh Phần mềm tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong Tháng hành động hưởng ứng “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”, cuộc tọa đàm thảo luận về những chủ đề mang tính thời sự đang được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đã có hiệu lực từ đầu năm nay. Cuộc tọa đàm thu hút được đông đảo các cơ quan làm luật, các đơn vị thực thi quyền, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, và đông đảo các luật sư sở hữu trí tuệ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Chia sẻ sâu hơn tại buổi tọa đàm về vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu Trí tuệ (NOIP) cho biết :”Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế với khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do với các đối tác hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển. Đặc biệt, các nước phát triển có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự, không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp..”.

Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu Trí tuệ( bên trái), Tiến sỹ Mai Hà, Chủ tịch Hôi sở hữu trí tuệ Việt Nam ( bên phải), và ông Lương Minh Huân, Phó Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp – VCCI( giữa) chủ trì buổi Tọa đàm

“Trong những năm qua, pháp luật về thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự không ngừng được củng cố, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi, bảo vệ quyền SHTT. Bộ luật Hình sự 2015 đã lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần đưa pháp luật hình sự của nước ta gần hơn với chuẩn mực pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó tăng cường tính răn đe của pháp luật hình sự đối với tội phạm song cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức trong việc tuân thủ pháp luật”, ông Lâm nói.
Tại buổi tọa đàm, ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, BSA| Liên minh Phần đã mềm đưa ra những giải pháp hữu ích, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật vê bản quyền phần mềm.  
Bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã trình bày về công tác thực thi quyền SHTT trong lĩnh vực phần mềm máy tính trong bối cảnh Bộ Luật hình sự mới đã có hiệu lực. “Điều 225 Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có bản quyền phần mềm máy tính. Với những hình phạt nghiêm khắc được qui định trong Bộ Luật hình sự sửa đổi này đã có hiệu lực, tôi cho rằng đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp mình, và có hành động kịp thời, để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nếu một ngày các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng kỳ vọng rằng, với khung hình phạt nghiêm khắc mới mà Bộ Luật Hình sự 2015 sẽ áp dụng đối với pháp nhân thương mại cố tình vi phạm bản quyền phần mềm máy tính nói riêng và quyền tác giả nói chung, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam sẽ có thể giảm xuống đáng kể, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới”.
Ông Minh cũng cho biết kết quả thanh tra bản quyền phần mềm năm 2017, đã thực hiện quyết định thanh tra 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó có 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính là 1.650.000.000 đồng (một tỷ, sáu trăm lăm mươi triệu đồng) và nộp vào ngân sách nhà nước.  Riêng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 đoanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng.
Trong bối cảnh Bộ luật Hình sự sửa đổi mới có hiệu lực từ đầu tháng 1/2018 và nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ được hết các qui định mới, thì “buổi tọa đàm này kỳ vọng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp và các nhà quản lý hiểu biết rõ hơn các quy định của pháp luật Việt Nam về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định mới, đồng thời giúp các doanh nghiệp có giải pháp cần thiết để bảo vệ an toàn thông tin, quyền sở hữu trí tuệ và tránh những nguy cơ trách nhiệm hình sự nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh”, Tiến sỹ Mai Hà, Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết.
Hiền Mai

VietBao.vn