Trang chủ Tin Tức Google quay lại Trung Quốc bằng công cụ tìm kiếm kiểm duyệt?

Google quay lại Trung Quốc bằng công cụ tìm kiếm kiểm duyệt?

636
 

Dự án của Google có tên mã Dragonfly, là một trong số vài lựa chọn mà công ty theo đuổi để có thể trở lại Trung Quốc. Google từng phải rút khỏi Trung Quốc năm 2010 sau khi từ chối kiểm duyệt nội dung tìm kiếm theo yêu cầu của chính phủ nước này.
Bloomberg cho biết những năm gần đây, nội bộ Google tranh cãi khá nhiều về mặt đạo đức đối với các hành động của mình, trong đó Trung Quốc là một đề tài nóng. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với lượng người dùng Internet tăng nhanh, do đó bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn hoạt động tại thị trường này để có lợi nhuận.
Intercept đưa tin Google bắt đầu phát triển Dragonfly từ mùa xuân năm 2017 và đã trình diễn phiên bản này cho quan chức Trung Quốc. Bản hoàn thiện có thể ra mắt trong vòng 6 đến 9 tháng. Google từ chối bình luận trước các suy đoán về kế hoạch tương lai.

Trung Quốc chính là lỗ hổng lớn nhất trong bản đồ toàn cầu của Google từ năm 2010. Phần lớn dịch vụ của hãng đều bị chặn, trong đó có cả Gmail và Google Play. Hiện tại, công ty Mỹ vẫn cung cấp một số ứng dụng di động như Google Translate, Files Go, trợ giúp các lập trình viên và đầu tư vào các công ty Trung Quốc như JD.com.
Nhờ vắng bóng Google, Baidu củng cố sức mạnh trên thị trường tìm kiếm nội địa trong khi Bing của Microsoft hoạt động nhờ kiểm duyệt các chủ đề và từ khóa. Facebook, Twitter chịu chung cảnh với Google. Theo Intercept, Google quyết định phải đẩy nhanh quá trình phát triển dịch vụ tìm kiếm có kiểm duyệt sau khi CEO Sundar Pichai gặp gỡ quan chức cấp cao Wang Huning tháng 12/2017.
Ứng dụng tìm kiếm của Google tự động nhặt ra và chặn các website trong danh sách đen của Bắc Kinh. Những trang này bị gỡ khỏi trang kết quả tìm kiếm, được thay thế bằng tuyên bố pháp lý giải thích cho hành động đó. Trong một số trường hợp, kết quả không được hiển thị nếu người dùng nhập từ khóa quá nhạy cảm.
Ngay cả khi Google được trở lại Trung Quốc, rất khó để thuyết phục những người dùng đã quen với Baidu chuyển sang Google.