Với rất nhiều lập trình viên, nhắc đến Microsoft vẫn là nhắc đến một cơn ác mộng. Hơn một thập kỷ trước, Internet Explorer là minh chứng tiêu biểu cho cơn ác mộng đó. Không theo các tiêu chuẩn của W3C (tổ chức quy chuẩn World Wide Web), chậm được cập nhật (có khi lên tới 6 tháng) và tệ nhất là… có quá nhiều người sử dụng, Internet Explorer trói các nhà phát triển web vào một trình duyệt tệ hại mà họ không có cách nào thoát ra được.
Một thời, bằng các phần mềm cũng thống trị và cũng tệ hại như Internet Explorer, Microsoft đã thực sự trở thành kẻ thù của giới lập trình viên.
Dần dần, chính sự trỗi dậy của Firefox và đặc biệt là sự kiện Google phát hành Chrome năm 2008 đã đẩy lùi Internet Explorer vào dĩ vãng. So với Internet Explorer và thậm chí là cả Firefox, Chrome có tốc độ duyệt nhanh hơn nhiều lần, liên tục được cập nhật và cũng có tính “mở” rõ rệt hơn. Đến 2012, Chrome đã vượt mặt Internet Explorer.
Cũng trong năm đó, Google đặt chân vào cuộc đua smartphone “modern” do Apple khởi xướng với hệ điều hành mở của riêng mình, Android. Những chiếc smartphone mang biểu tượng chú robot xanh nhanh chóng bành trướng ra toàn cầu, đẩy Windows lùi về sân khấu phụ của thế giới hệ điều hành.
Những cuộc lật đổ của Google dành cho Microsoft gắn liền với khẩu hiệu “Don’t be evil” – “Đừng là kẻ xấu xa”. Cha đẻ của Gmail, Paul Buchheit và cũng là người đề xuất “Don’t be evil” làm khẩu hiệu công ty kể lại:
“Đó là một lời mỉa mai dành cho các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, những kẻ đã lợi dụng người dùng của mình”.
Đáng tiếc rằng Google của ngày hôm nay đã thay đổi. Trong tuần vừa qua, khẩu hiệu “Don’t be evil” đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi bộ quy tắc ứng xử của công ty này.
Một giai đoạn lịch sử của Google đã khép lại: trong gần 2 thập kỷ vừa qua, “Don’t be evil” nằm trong tâm trí của nhân viên Google. Năm 2004, khi Google thực hiện IPO, “Don’t be evil” xuất hiện trong bức thư của các nhà sáng lập gửi tới các nhà đầu tư. Ngay cả mật khẩu Wi-Fi trên xe bus đưa đón nhân viên của họ tại Bay Area cũng dùng mật khẩu “Don’t be evil”.
Cái chết của “Don’t be evil” vừa đến vào một thời điểm nhạy cảm dành cho Google. Trong tuần qua, hơn 100 nhân viên tại công ty này đã đệ đơn xin nghỉ việc để phản đối việc Google tham gia vào dự án Maven (AI cho drone) của Lầu Năm Góc. Hơn 3100 nhân viên từng ký tên tuyên bố: “Chúng tôi mang niềm tin rằng Google không nên tham gia vào kinh doanh chiến tranh”.
Cùng lúc, ngay sau khi scandal Cambridge Analytica của Facebook vừa đi qua, Google cũng đang vướng vào các rắc rối liên quan tới quyền riêng tư. CEO của Google cũng đã bị gọi ra điều trần. Tòa án tối cao tại Mỹ đang điều tra việc Google dàn xếp vụ kiện liên quan tới việc đọc email của người dùng.
Đến lúc này, có lẽ không còn ai tin Google không “làm điều xấu xa” nữa cả. Những bước tiến vượt bậc trong mảng AI đang cho phép gã khổng lồ tìm kiếm có thể dấn chân vào các lĩnh vực gây tranh cãi: cho đến giờ, Google vẫn chưa hề đưa ra tuyên bố chính thức liên quan tới Project Maven. Đáng ngại hơn, về bản chất Google vẫn là một công ty khai thác dữ liệu của người dùng để kinh doanh. Search, Gmail, YouTube, Maps… tất cả đều giúp Google “sống” bằng cách “hiểu” người dùng hơn nhằm đưa cho họ những gợi ý phù hợp.
Chính điểm yếu này đã bị CEO của Microsoft đưa ra chỉ trích trong một buổi phỏng vấn gần đây. Theo Satya Nadella, chìa khóa để Microsoft đánh bại Google trong cuộc chiến trọng yếu mới – đám mây, sẽ là “lòng tin”.
Quả thật, tình cảnh của 10 năm trước đang bị đảo ngược hoàn toàn. Khi Google đang liên tục hứng chịu những lời chỉ trích, hình ảnh của Microsoft cũng đang ngày một tốt đẹp hơn. Nhiều năm liền, tại các sự kiện Build tổ chức cho các nhà phát triển, gã khổng lồ phần mềm liên tục ra mắt những tầm nhìn mang tính định hướng cho thế giới công nghệ. Với trọng tâm là đám mây, Microsoft đang tìm mọi cách để xây dựng một bộ xương sống tốt hơn cho cả thế giới công nghệ. Với AI, Microsoft tìm ra những phương thức triển khai đơn giản nhất cho người dùng.
Microsoft thậm chí còn lên tiếng khen ngợi Apple. Windows 10 được phát hành miễn phí trong suốt 1 năm. Microsoft ngày nay hỗ trợ cho trải nghiệm Windows hoạt động tốt với iPhone và smartphone Android. Microsoft sở hữu Xamarin, nền tảng cho phép phát triển ứng dụng đa nền. Microsoft ngày nay yêu cả Linux.
Liệu cuộc lật đổ của Google có sớm bị đổi chiều? Khó ai có thể đoán được, nhưng hiện tại giá trị thị trường của Microsoft đã rất gần với Google. Khi Microsoft lùi dần về phía sau để xây dựng một tương lai vững chắc cho thế giới công nghệ còn Google tiếp tục sống bằng cách khai thác thông tin, tất cả những gì cần thiết để Microsoft lật đổ Google chỉ là một scandal thông tin khác mà thôi.