|
Nhân viên Viettel 498 Xã Đàn làm việc liên tục ngay từ giờ mở cửa |
Theo khảo sát của ICTnews tại Hà Nội sáng ngày 19/4, các điểm giao dịch của Viettel, MobiFone, VinaPhone ngay khi bắt đầu mở cửa đã chật ních người đến làm thủ tục. Phần lớn trong số đó là những người sử dụng SIM “rác” đến đăng ký chính chủ, người cao tuổi không biết về công nghệ và không có smartphone kết nối 4G, Wi-Fi.
Tại điểm giao dịch của Viettel 498 Xã Đàn, chị Lê Thị Hòa, nhân viên tại đây cho hay khoảng 1 tuần nay, lượng khách hàng tới làm thủ tục rất đông. Có những người đến từ 5h30 sáng, nhân viên phải chạy hết “công suất”, tranh thủ tối đa thời gian để hướng dẫn, nhập thông tin cho khách.
|
Cảnh thường thấy tại các điểm giao dịch của nhà mạng trong những ngày này |
|
Khách hàng được hướng dẫn ngay từ cửa điểm giao dịch. |
Quan sát của ICTnews tại đây cho thấy, do số lượng người đăng ký trên toàn hệ thống của Viettel quá đông, có lúc dịch vụ bị gián đoạn khiến cho thời gian chờ đợi của khách hàng tăng đột biến.
“Chiều hôm qua tôi ra đăng ký nhưng đông quá không chờ được. Sáng nay tôi ra khỏi nhà từ hơn 6h sáng, chờ cửa hàng mở cửa là vào làm luôn”, bác Truyền, một người dân trú tại phố Xã Đàn nói trong khi nét mặt tỏ rõ sự mệt mỏi.
|
Đa phần những người có mặt tại điểm giao dịch Viettel là người cao tuổi |
|
Ai cũng lo lắng, muốn đăng ký thông tin sớm |
Trong khi đó. tại điểm giao dịch VinaPhone 57A Huỳnh Thúc Kháng cũng tương tự, ngay đầu giờ sáng đã có vài chục người đến làm thủ tục chật kín phòng giao dịch.
|
Tương tự điểm giao dịch Viettel, tại đây cũng đa phần là người cao tuổi đến làm thủ tục |
Ngay tại cửa đón tiếp, VinaPhone bố trí nhân viên phát tờ khai và hướng dẫn khách hàng tỉ mỉ. Những trường hợp là thuê bao chính chủ cần bổ sung thêm ảnh được hướng dẫn sử dụng smartphone tự chụp ảnh, cài ứng dụng và đăng ký qua mạng.
“Khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày có khoảng vài trăm người đến làm thủ tục”, một nhân viên giao dịch cho hay.
|
Nhân viên VinaPhone nhiệt tình hướng dẫn. |
Có những người sau khi được hướng dẫn đã cầm theo tờ giấy hướng dẫn về nhà nhờ con cháu sử dụng smartphone đăng ký hộ, đỡ phải chờ đợi vất vả. Song những người không được may mắn như vậy đành tiếp tục chờ.
|
Hướng dẫn đăng ký online được dán lên máy tính để người dân vào giao dịch dễ nhận biết. |
|
Không phải ai cũng biết đăng ký online |
“Nhà tôi thì chỉ có hai ông bà già ở với nhau, không biết gì về công nghệ nên phải nhờ các cô chú ở đây làm”, bác Nguyễn Thanh, một người dân sống tại phố Huỳnh Thúc Kháng nói.
Tương tự, tại điểm giao dịch của MobiFone tại 97 Nguyễn Chí Thanh lúc 8h30 có hơn 100 người đứng ngồi xếp hàng chờ tới lượt:
Tuy đông nhưng không có cảnh chen lấn lộn xộn, người ít tuổi nhường ghế cho người cao tuổi hơn.
|
Người dân hướng dẫn nhau đăng ký |
|
Thậm chí do quá đông phải đứng tràn cả ra ngoài cửa. |
Theo nhân viên tại đây, những ngày này là những ngày căng thẳng thực sự vì tất cả đều làm liên tục không nghỉ, thậm chí phải có nhân viên từ cửa hàng khác đến tăng cường. Đến 21h hàng ngày vẫn còn đông người chờ đợi.
|
Rất nhiều người cao tuổi tự thuê xe ôm đến đăng ký. |
Hiện chỉ còn 5 ngày nữa là tới thời điểm Nghị định 49/2017 của Chính phủ có hiệu lực.
Thực hiện quy định Nghị định 49, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VinaPhone, MobiFone đã nhắn tin khuyến nghị khách hàng nhanh chóng hoàn thiện việc bổ sung thông tin thuê bao trước ngày 24/4/2018. Tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) và cung cấp ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.
Quy định này nhằm hạn chế tình trạng SIM rác và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn.
Đáng chú ý, để giúp khách hàng thuận tiện trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao theo quy định của Chính phủ, Viettel, VinaPhone cũng đang áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ khách hàng. Ngoài hình thức cập nhật thông tin tại các điểm giao dịch, thông qua các gian hàng bán hàng lưu động, tiếp xúc tại nhà (đối với các trường hợp khách hàng tuổi cao, sức khỏe yếu, khó khăn trong đi lại…) còn hỗ trợ khách hàng khai báo thông tin chủ thuê bao và cập nhật ảnh chân dung trên thiết bị di động, máy tính cá nhân qua ứng dụng (của Viettel là My Viettel, VinaPhone là My VinaPhone).
Nguyên Đức