Camera 1 “năm tuổi”
Dù đã cố gắng hết sức tập trung vào quảng cáo và ca ngợi nhằm hướng dư luận tới cụm camera kép mặt sau trên Galaxy S9+ cũng như hàng loạt cải tiến thậm chí còn có phần đột phá trên cảm biến camera chính – cảm biến ảnh di động đầu tiên có khả năng tự động thay đổi khẩu độ từ f/2.4 xuống f/1.5 tùy điều kiện ánh sáng, Samsung vẫn không thể giấu nổi điểm yếu rõ ràng hiện lên ngay qua con mắt các fan hâm mộ công nghệ: Đó là camera mặt trước. Có thể nói chính xác rằng Samsung đã “bê” nguyên cảm biến camera trước khẩu độ f/1.7 quay video 2K 30 fps trên Galaxy S8/S8+ lên flagship 2018 S9 và S9+. Qua trao đổi, nhóm PR chính thức của hãng điện thoại Hàng Quốc đã xác nhận:
“Cảm biến camera mặt trước có độ phân giải 8MP, là cảm biến đang xuất hiện trên nhiều thiết bị Samsung ra mắt gần đây, vậy nên có thể nói không có gì thay đổi về mặt này trên Galaxy S9”.
Trong thời đại công nghệ bùng nổ và càng đúng hơn với công nghệ di động, việc camera chụp ảnh (dù là camera trước) không được nâng cấp trên một flagship có giá hơn 20 triệu đồng trong suốt một năm là điều thật sự khó chấp nhận. Đáng thất vọng hơn, máy ảnh mặt trước trên Galaxy S8 vốn dĩ đã là một trong những camera cho chất lượng ảnh kém nhất so với các smartphone đầu bảng cùng thời điểm ra mắt là năm 2017, đáng chú ý là Pixel 2 và 2 XL của Google. Chất lượng ảnh chụp trên cam trước S9 cho nước ảnh tạm được, nhưng quan trọng nhất là da người bị làm mịn quá đáng, trông giống như búp bê vậy – điều mà hiện không còn flagship tiêu chuẩn nào phạm phải.
Chất lượng ảnh cam trước S9 rất đáng quan ngại so với các flagship hiện thời khác (ảnh từ Android Authority)
|
Chưa rõ vì sao Samsung lại quyết định không nâng cấp camera trước trên S9. Dù năm ngoái hãng cũng đã quyết định không nâng cấp camera sau trên S8 (tức Galaxy S8/8+ đã sử dụng cùng cảm biến với Galaxy S7/S7 Edge hồi năm 2016, và lý do duy nhất giải thích cho việc Samsung không phải chịu đựng quá nhiều búa rìu dư luận tại thời điểm đó là vì chất lượng ảnh trên camera sau của S7 tỏ ra quá tốt và với chỉ một vài nâng cấp thiết yếu về thuật toán xử lý hình ảnh trên S8 đã là đủ để cạnh tranh với các flagship khác). Dù bạn có là người thích selfie hay không, khó có thể hiểu được động thái trang bị cho flagship 2018 một camera selfie “trung bình yếu” có tuổi đời hơn 1 năm vốn đã không thể cạnh tranh được trên thị trường tại thời điểm ra mắt. Thậm chí với một số người, đây có thể trở thành lý do khiến họ quyết định không mua Galaxy S9/S9+. Sau cùng, cho bao nhiêu điểm camera sau của S9 và S9+ đạt được, thì khả năng chụp ảnh selfie cũng làm máy cũng bị trừ đi bấy nhiêu điểm.
Có vẻ như Samsung đã đặt cược quá lớn vào camera trước 1 năm tuổi vốn dĩ chụp ảnh không hề đẹp |
2. Chế độ chụp xóa phông trên cam trước đâu?
Tiếp tục một xác nhận “chân thật” nữa từ đội ngũ PR của Samsung về việc camera trước trên cả hai model Galaxy S9 và S9+ đều không có khả năng chụp ảnh xóa phông, bởi tính đến thời điểm hiện tại hãng vẫn đang dựa vào hệ thống camera kép để tạo ra được bức ảnh phông mờ:
“Chỉ riêng camera trên S9+ có khả năng chụp live focus (tức chụp ảnh chân dung xóa phông) bằng hai camera sau”.
Quyết định không đem chụp ảnh chân dung xóa phông lên camera sau của S9 và camera trước của cả hai máy đặt Samsung vào thế rất bất lợi không chỉ bởi vì chụp ảnh xóa phông là một điểm cộng thú vị và rất đáng tiền trên mặt trận nhiếp ảnh di động vài năm gần đây, mà còn bởi vì chiếc iPhone X và Google Pixel 2/2XL – vốn dĩ là hai đối thủ chính của Galaxy S9/S9+ đã có thể cho ra được những bức ảnh chân dung xóa phông đẹp đầy thuyết phục.
Bạn có tin được đây là tấm ảnh xóa phông chụp từ camera trước của Pixel 2? |
Điều đáng ngạc nhiên hơn, đó là trong khi bỏ qua chụp ảnh xóa phông trên camera sau S9, Samsung lại trang bị cho cam trước điện thoại một chế độ gần giống chụp ảnh xóa phông có tên là “Selfie Focus”. Tiếc rằng, qua thử nghiệm, các chuyên gia và reviewer công nghệ kết luận rằng đây là một tính năng “thà không có thì hơn”.
Còn đây là ảnh “xóa phông” trên điện thoại đầu bảng 2018 Samsung Galaxy S9 |
Hy vọng rằng trong các đời Galaxy tiếp theo, điển hình là Galaxy Note 9, Samsung có thể cải thiện chế độ chụp selfie xóa phông cũng như tìm cách mang chụp ảnh chân dung xóa phông lên cam sau của cả 2 model điện thoại, bởi đây đang là điểm yếu nhất của flagship Người khổng lồ điện tử Hàn Quốc, cũng là điều bắt buộc với hãng nếu còn muốn tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường smartphone khắc nghiệt. Qua slogan “Tuyệt đỉnh camera, thấy điều không thể” của Samsung, có thể nói hãng mới chỉ hoàn thành được một nửa nhiệm vụ của mình.