Hoạt động bán hàng qua mạng Internet chưa được kiểm soát hiệu quả |
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của lực lượng Quản lý thị trường vừa diễn ra tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc cho biết: 6 tháng đầu năm, bên cạnh những mặt tích cực, tình hình buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.
Các vấn đề tiêu cực vẫn phức tạp, nhưng không còn công khai như trước mà tập trung tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang…), biên giới miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…), biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…).
Hàng hóa vi phạm tập trung chủ yếu các mặt hàng như: hàng điện tử, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thuốc lá điếu, đồ chơi bạo lực, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm…
Hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng: tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng, điện tử-điện máy, xe đạp điện, xe máy điện…
Tuy lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng do hàng hoá có chất lượng không cao, giá thành rẻ, gia công với chi phí thấp nên tình trạng này vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.
Thủ đoạn rất đa dạng: đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó gia công thường được đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với một bộ phận dân số thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề được trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.
Hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet diễn ra ngày càng phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019.
Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác.