Theo thống kê của Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu (APWG), trong năm 2017 và nửa đầu 2018 có khoảng 1.500 đồng tiền ảo đang hoạt động. Việc phổ biến của những Bitcoin hay Ethereum giúp con người có thêm phương thức thanh toán mới, nhưng cũng khiến chúng trở thành “mồi ngon” cho giới tội phạm mạng. “Ngoài buôn bán ma túy, rửa tiền, tiền ảo là mục tiêu của tội phạm trong năm qua”, Dave Jevans, Chủ tịch APWG và CEO công ty bảo mật tiền điện tử CipherTrace, nói với Reuters.
Jevans nhấn mạnh, con số 1,2 tỷ USD tiền ảo bị đánh cắp là thống kê dựa trên các vụ việc đã phát hiện. Con số thất thoát trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Chỉ khoảng 20% số tiền trong đó được thu hồi.
Khác với tiền thông thường, tiền ảo có các mã hóa phức tạp gây khó khăn cho cảnh sát khi điều tra. Thế nhưng, sắp tới công việc này còn khó khăn hơn sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) trong hôm nay (25/5). GDPR được đưa ra nhằm đơn giản hóa và củng cố các quy tắc bảo vệ quyền riêng tư của từng công dân. Điều này có nghĩa là, các hồ sơ trực tuyến của bất kỳ ai thuộc EU sau 25/5 (gồm tên, địa chỉ, email…) đều không thể bị xâm phạm.
“GDPR sẽ tác động tiêu cực đến an ninh Internet tổng thể, vô tình hỗ trợ tội phạm mạng. Khi bị hạn chế truy cập vào thông tin quan trọng, luật mới sẽ làm khó các nhà điều tra cũng như các quan chức thực thi pháp luật, thậm chí cản trở việc điều tra tội phạm mạng, trộm tiền điện tử, lừa đảo, tung phần mềm độc hại và nhiều thứ khác”, Jevans nhấn mạnh.
2017 là năm ghi nhận sự bùng nổ của tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin. Đồng tiền này đã gây nên cơn sốt khi giá trị của nó tăng phi mã, tiệm cận mốc 20.000 USD mỗi đồng. Tuy nhiên, từ đầu 2018 đến nay, Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo khác liên tục hạ nhiệt với giá trị giảm nhiều lần so với lúc đỉnh điểm.
Bảo Lâm