Trang chủ Tin Tức HP Envy Curved AIO 34″: màn hình cong và loa B&O ấn...

HP Envy Curved AIO 34″: màn hình cong và loa B&O ấn tượng, làm việc hay giải trí nhẹ tốt, giá cao

736

Lâu lắm rồi mình có dịp trải nghiệm một chiếc
máy tính AiO, lần này của
HP với chiếc Envy Curved All-in-One (AiO) 34″. Chiếc máy này có thiết kế khá đẹp, cấu hình không phải quá mới mẻ nhưng đủ mạnh để đáp ứng hầu hết nhu cầu sử dụng từ làm việc tới giải trí. Ngoài màn hình cong 34″ tích hợp khá chất lượng, nó còn được trang bị loa của Bang & Olufsen rất hay kèm camera hỗ trợ Windows Hello và nhiều cổng kết nối.
Thiết kế rất công nghiệp, nhìn là muốn làm việc:


Envy vốn là dòng máy giải trí, do đó những chiếc máy thuộc dòng Envy thường có thiết kế đẹp, thời trang và thường nổi bật với màu vỏ bạc hay trắng. Tuy nhiên chiếc
Envy Curved AiO 34″ này lại có thiết kế công nghiệp, nhìn chắc chắn và phù hợp với không gian văn phòng với vẻ ngoài xám xịt. Thành ra nhìn vào nó, mình nghĩ đến chuyện là một chiếc máy làm việc, nhất là làm việc đồ họa nhiều hơn là một chiếc máy giải trí năm chễm chệ tại phòng khách.


Envy Curved AiO 34″ rất ấn tượng, nhìn vào là thích ngay với màn hình cong 34″, độ cong 1800R và toàn bộ phần màn hình này lại được đặt trên một chân bằng kim loại nhỏ nhưng rất chắc chắn. Khớp bản lề giữa chân chống và màn hình chỉ cho phép ngửa lên ngửa xuống màn hình, không cho xoay thành ra thiết kế này khá kém linh hoạt. Nó buộc chúng ta luôn phải ngồi đối diện với máy.


Phần chân chống gắn liền với phần đế cũng chính là thùng máy. Phần đế này hình chữ nhật, dẹp và chứa rất nhiều thành phần phần cứng cũng như có tích hợp cả loa B&O. Lớp vỏ bằng kim loại, mình nghĩ là bằng magnesium bởi sắc màu xám hơi xanh cùng với cảm giác sờ vào rất đặc trưng.


Phần đế này có tích hợp dải loa phía trước, bên ngoài bọc vải giống như những chiếc loa thùng và trên mặt đế bên phải có một vòng tròn với chức năng cảm ứng để chúng ta miết ngón tay, điều chỉnh âm lượng. Vòng tròn này rất nhạy, vuốt nhẹ là đi và thậm chí còn hỗ trợ thao tác cử chỉ. Hệ thống loa do B&O thiết kế và tinh chỉnh.


Đối diện bên trái là một khu vực có tích hợp sẵn mạch sạc không dây chuẩn Qi – đây là một tính năng rất hữu ích với những ai dùng điện thoại có sạc không dây như Samsung Galaxy Note 8 hay iPhone X. Khi ngồi dùng máy, bạn chỉ việc đặt chiếc điện thoại lên khu vực này là sạc mà không cần đến dây nhợ lòng thòng, rất thẩm mỹ và tiện lợi.


Có một điều mình không thích lắm trên Envy Curved AiO 34″ là toàn bộ các cổng kết nối chính của nó lại được đặt tại mặt sau thành ra khi cần gắn bất cứ thiết bị ngoại vi nào, đơn giản như chiếc ổ cứng di động hay USB drive thì chúng ta buộc phải lần mò ra sau, khá vướn víu. Số lượng cổng kết nối nhiều và đa dạng với 4 cổng USB 3.0 chuẩn A, 2 cổng HDMI trong đố có 1 cổng out để xuất ra màn hình khác, một cổng in để dùng Envy Curved AiO 34″ như màn hình rời (cắm vào thì nhấn nút hình vuông bên cạnh để đổi chế độ), RJ-45 để kết nối mạng có dây.


Bên cạnh phải có thêm khe đọc thẻ SD, một cổng Thunderbolt 3 và jack tai nghe 3,5 mm 2 trong 1. Với cổng Thunderbolt 3 này thì chúng ta có thể dùng với các loại dock gắn ngoài, hệ thống ổ DAS gắn ngoài tốc độ cao hay card đồ họa gắn ngoài (eGPU) để mở rộng sức mạnh xử lý đồ họa của máy.


Nút nguồn nằm ở đây – một vị trí khá thuận tay để thao tác.


Bàn phím và chuột không dây được HP tặng kèm với Envy Curved AiO 34″. Bộ bàn phím chuột này khá tốt, bàn phím dạng full size nhưng rất gọn và mỏng, hàn trình tốt, độ nẩy cao. Tuy nhiên, bàn phím không có đèn nền backlit thành ra khó sử dụng ban đêm. Thêm vào đó là dường như HP bê nguyên layout của bàn phím trên laptop 15,6″ lên chiếc bàn phím rời này thành ra hệ thống phím điều hướng rất nhỏ, dễ bấm nhầm cũng như hàng phím chức năng trên cùng.


Con chuột lại được thiết kế khá độc đáo, nó vừa giống giống hình dạng quả trứng của Apple Magic Mouse nhưng lại có phần đuôi rỗng, mang lại cảm giác cầm giống Microsoft Arc Mouse. 2 Mình không thích con chuột này cho lắm bởi 2 phím chuột nông và hơi mất cân đối.
Màn hình và âm thanh có gì đặc sắc?
HP Envy Curved AiO 34″ như tên gọi sở hữu màn hình con 34″, độ cong 1800R và là màn hình IPS. Kiểm tra kỹ hơn thì tấm nền màn hình có mã LM340UW3-SS1 – một tấm nền IPS cong Ultra-Wide do LG sản xuất.


Màn hình được xử lý bề mặt matte nên trong suốt quá trình làm bài trải nghiệm này, mình dùng máy ngoài trời và không gặp trở ngại nào nhờ khả năng chống chói. Tấm nền này có độ phân giải 3440 x 1440 px – dạng QHD+ và tỉ lệ 21:9. Với kích thước 34″ thì độ phân giải này cho mật độ điểm ảnh 109 ppi, rất mịn. Độ phân giải hơi lỡ cỡ thế này cũng rất phù hợp với tỉ lệ màn hình 21:9.


Đo bằng Spyder4Elite, độ sáng trung bình 277 nit, độ tương phản trung bình 490:1. Gamma 2.2 mặc định trên màn hình rất chuẩn, anh em có thể thấy trong thang trên, đường gamma đo được màu đen bám sát với gamma 2.2 chuẩn màu xanh dương. Ở gamma 2.2 thì khả năng tái tạo màu đen của màn hình đạt 0.57 black level (càng gần 0 càng tốt) và white point ở 7300 (vẫn cao hơn so với mức white point phổ biến là 6500K). Độ sáng màn hình gần 300 nit, không quá cao nhưng vẫn đủ dùng trong hầu hết các điều kiện môi trường, đáng tiếc là độ tương phản thấp, nếu như trên mức 800:1 thì trải nghiệm giải trí sẽ tốt hơn rất nhiều.
Về màu sắc, tấm nền của LG có độ bao phủ các dải màu rộng với 75% Adobe RGB, 70% NTSC và 98% sRGB. Delta-E trung bình của màn hình là 1.04 và tối đa 3.86 ở màu xanh dương. Thật sự thì nếu chưa cân chỉnh, chiếc màn hình này ám xanh rất rõ, màu sắc hơi lạnh, cân xong mọi thứ trở nên thực hơn.


Màn hình cong của Envy Curved AiO 34″ cũng bị nhược điểm không đồng đều về độ sáng và màu sắc giữa các vùng trên màn hình. Khu vực phía trên và 2 bên góc trái phải trên có độ sáng thấp hơn từ 10 đến 17%, trong khi đó vùng bên dưới màn hình lại có độ sáng cao nhất. Trong khi đó, độ sai lệch màu sắc ở 100% độ sáng cũng rất lớn với phần bên phải màn hình, Delta-E sai đến 5.5 – 7.7 nhưng nếu giảm mức sáng xuống khoảng 70% thì tỉ lệ sai lệch lại giảm hẳn xuống còn 0.7 – 2.0.


Nhìn chung màn hình của Envy Curved AiO 34″ có chất lượng tốt, nó phù hợp với nhu cầu giải trí với phim ảnh và làm việc hàng ngày. Mặc dù có độ bao phủ các dải màu lớn nhưng với độ sai màu cao cùng với khả năng hiển thị màu sắc không đồng đều theo từng khu vực thì màn hình này không lý tưởng để làm đồ họa, chỉnh sửa hình ảnh.


Về âm thanh, dàn loa trên Envy Curved AiO 34″ gồm 4 loa và 2 rad bị động để tăng bass. Hệ thống âm thanh này do B&O tinh chỉnh và chất lượng âm thanh của nó rất tốt. Loa hướng thẳng về trước, âm thanh đầu ra lớn, cân bằng, bass giàu và khá sâu. Với 100% âm lượng và mình để máy ngoài trời tại café Tinh Tế thì nó đủ sức thay cả dàn loa café .


Một điểm mình rất thích trên Envy Curved AiO 34″ là nó được tích hợp camera hồng ngoại hỗ trợ tính năng nhận dạng khuôn mặt Windows Hello. Camera này bình thường nằm ẩn tại cạnh trên của màn hình, ấn nhẹ vào thì camera trồi lên, nhẹ nhàng mượt mà và lịch sự. Camera này có tốc độ nhận diện nhanh, độ phân giải cao gọi video rất đã. Có điều nó chỉ nhận diện tốt trong điều kiện ánh sáng thuận, nếu bị lóa thì nhìn mãi cũng không ra mình dù đã thử đứng xa đứng gần.
Cấu hình như máy bàn, có card rời, chúng ta làm được gì trên Envy Curved AiO 34″?
Envy Curved AiO 34″ có nhiều tùy chọn cấu hình và chiếc máy mình mượn từ prolap có cấu hình như sau:

  • CPU: Intel Core i7-7700T (Kaby Lake), 4 nhân 8 luồng, 2,9 – 3,8 GHz, 8 MB Cache, TDP 35 W;
  • GPU: AMD Radeon RX 460 (Polaris 11), 896 shader, 977 MHz (khóa), 4 GB GDDR5 chạy ở PCIe 3.0 x8;
  • RAM: 16 GB (2 x 8 GB DDR4-2400 MHz);
  • Lưu trữ: 256 GB Samsung PM961 NVMe SSD + 2 TB Seagate HDD 5400 rpm;
  • Kết nối: Bluetooth 4.0 + Intel Wireless-AC 7265;
  • Nguồn: 230 W.

Với cấu hình này thì Envy Curved AiO 34″ không khác gì một chiếc máy bàn tầm trung và hiệu năng của nó thì ít nhiều anh em cũng có thể đoán được với vi xử lý 4 nhân và card đồ họa AMD tầm trung. Điều thú vị nhất là dòng chip Core i7-7700T – một phiên bản tiết kiệm điện của 7700 với TDP 35 W nhưng vẫn đầy đủ món ăn chơi như 4 nhân 8 luồng, bộ đệm L3 lớn. Có điều xung nhịp của Core i7-7700T thấp hơn nhiều, như xung cơ bản của Core i7-7700T là 2,9 GHz còn Core i7-7700 là 3,6 GHz, Turbo Boost của Core i7-7700T lên tối đa 3,8 GHz còn phiên bản không “T” lên đến 4,2 GHz. Đổi lại TDP 35 W, tiết kiệm điện hơn đáng kể so với mức TDP 65 W của Core i7-7700.


Đi kèm với CPU tiết kiệm điện là GPU AMD Radeon RX 460 phiên bản laptop – một con GPU tầm trung, nó đủ để mang lại trải nghiệm giải trí cơ bản và hỗ trợ xử lý các tác vụ đồ họa. Mình có thử chơi một số tựa game trên chiếc máy này và nhận thấy nó không lý tưởng lắm bởi GPU Radeon RX 460 lại chạy ở PCIe 3.0 x8 thay vì x16, thêm nữa là độ phân giải màn hình QHD+ quá sức đối với RX 460.


Chẳng hạn như mình chơi Assassin’s Creed Syndicate thì ở thiết lập đồ họa Medium, độ phân giải FHD mới đạt tỉ lệ khung hình trung bình 30 fps. Hay với DOOM, mình phải chỉnh thiết lập đồ họa xuống Low, giảm khử răng cưa tối đa và đưa về độ phân giải FHD thì mới chơi được ở khung hình ổn định từ 30 – 45 fps. Benchmark bằng 3DMark thì hiệu năng của Radeon RX 460 nó chỉ tương đương với GTX 1050 trên laptop mà thôi. Mức điểm ngang ngửa và có phần thấp hơn ở một số bài test.


Trải nghiệm trên Envy Curved AiO 34″ rất tốt dù chơi game không ngon bởi cấu hình của nó mang tính vừa đủ. Core i7-7700T vẫn rất nhanh, 16 GB RAM chạy dual-channel đủ để sử dụng đa nhiệm, lướt web nhiều tab, chạy các phần mềm ăn RAM lớn như Premiere. Ổ SSD Samsung PM961 có tốc độ truy xuất rất cao khiến việc khởi chạy ứng dụng, xử lý dữ liệu nhanh hơn hẳn. Thêm nữa là GPU Radeon RX 460 đủ để kéo màn hình QHD+, mở Lightroom làm hình thì RX 460 vẫn mang lại trải nghiệm mượt hơn. Nếu không có GPU rời mà chỉ phụ thuộc vào Intel HD Graphics tích hợp thì chắc chắn trải nghiệm trên Envy Curved AiO 34″ sẽ rất cùi bắp.


Mình cũng tiến hành benchmark để anh em có thể thấy những thông số để tham chiếu. Có thể thấy với Core i7-7700T dù là CPU desktop nhưng nó chỉ nhanh hơn đôi chút so với Core i7-7700HQ vốn là CPU laptop bởi xung nhịp cơ bản của Core i7-7700T chỉ nhỉnh hơn 100 MHz so với Core i7-7700HQ trong khi xung Turbo Boost thì ngang bằng. Cái hơn của Core i7-7700T so với Core i7-7700HQ là bộ đệm L3 lớn hơn 2 MB, TDP thấp hơn 10 W. Thành ra không ngạc nhiên khi điểm số PCMark 8 và PCMark 10 của
HP Envy Curved AiO 34″ lại tương đương hay nhỉnh hơn chỉ đôi chút so với những chiếc laptop chạy Core i7-7700HQ.


Hệ thống tản nhiệt hoạt động hiệu quả cho phép CPU có thể đạt được xung nhịp tối đa đơn nhân còn với đa nhân thì xung nhịp thường nằm ở khoảng từ 3,2 đến 3,4 GHz. Mình stress test bằng AIDA64 thì xung 4 nhân ổn định ở 3,2 – 3,3 GHz, điện toàn package cũng đủ với 34,91 W (TDP 35 W) không bị cắt giảm và nhiệt độ CPU tối đa ở 77 độ C, trung bình 70 độ C – một mức nhiệt độ chấp nhận được đối với CPU Core i7-7700T. Stress sau 15 phút thì hệ thống không bị throttle, nhiệt độ và xung nhịp vẫn được duy trì ổn định.


GPU Radeon RX 460 trên Envy Curved AiO 34″ khi stress test bằng FurMark đạt xung tối đa 977 MHz với thiết lập phân giải native 3440 x 1440 px, khử răng cưa MSAA 8x và nhiệt độ ổn định ở 63 độ C, không tăng sau 15 phút stress test. Phiên bản RX 460 này cũng là phiên bản di động thay vì desktop thành ra mức TDP của nó mặc định là 75 W nhưng trên Envy Curved AiO 34″ thì nó được giới hạn ở 50 W để tiết kiệm điện. Thành ra xung nhịp không thể đạt tối đa ở mức 1180 MHz theo thông số mà AMD đưa ra.


Nhìn chung, Envy Curved AiO 34″ vẫn là một chiếc máy theo thiên hướng giải trí với phim ảnh và văn phòng, đúng theo định hướng của dòng Envy. Thiết kế của Envy Curved AiO 34″ đẹp và xịn, cấu hình cũng mang tính vừa đủ, cổng kết nối nhiều, ấn tượng nhất vẫn là màn hình cong phân giải cao và hệ thống loa B&O. Tuy nhiên, Envy Curved AiO 34″ vẫn cần phải được cải tiến trong thế hệ tiếp theo để nó mang lại trải nghiệm tốt hơn. Chẳng hạn như phần màn hình cong nên thiết kế linh hoạt hơn, các cổng kết nối đặt tại vị trí dễ tiếp cận hơn. Kiểm tra trên trang của HP thì dòng máy này vẫn chưa có phiên bản dùng Core I thế hệ 8 cũng như GPU mới hơn của AMD như RX 500 series hay Nvidia GeForce GTX 10 series.
Điểm mình thích:

  • Thiết kế công nghiệp, hoàn thiện rất tốt;
  • Màn hình 34″ cong, chất lượng cao;
  • Hệ thống âm thanh B&O ấn tượng;
  • Cấu hình vừa đủ, phù hợp để làm việc và giải trí nhẹ nhàng;
  • Cổng kết nối rất đầy đủ;
  • Webcam IR nhận diện khuôn mặt nhanh;
  • Có sạc không dây Qi tiện lợi.

Điểm mình chưa thích:

  • Màn hình chưa linh hoạt, không quay sang 2 bên được;
  • Vị trí các cổng kết nối chính nằm sau, khá bất tiện;
  • RX 460 vẫn quá yếu để có thể chơi game;
  • Bàn phím và chuột hoàn thiện chán, bàn phím không có đèn backlit, nút chuột khó bấm.

Giá bán của phiên bản Envy Curved AiO 34″ cấu hình như trên vào khoảng 2000 USD, chiếc máy này mình mượn bên Prolap.vn và họ bán giá 60 triệu.