Trang chủ Tin Tức IOC xem xét khả năng đưa game vào thi đấu tại Olympic...

IOC xem xét khả năng đưa game vào thi đấu tại Olympic 2024

683
Rất nhiều khả năng,
Thế Vận Hội tổ chức tại Paris năm 2024 sẽ là lần đầu tiên có sự hiện diện của các bộ môn
thể thao điện tử cho các gamer chuyên nghiệp tranh tài. Trước đó tại Pyeong Chang, thế vận hội mùa đông diễn ra đầu năm nay, giải đấu Intel Extreme Master Season XII đã được tổ chức nhưng chỉ trùng với lịch diễn ra
Olympic mùa đông và được Ủy ban Olympic Thế giới (IOC) bảo trợ chứ không được tổ chức trong khuôn khổ Thế vận hội.
Vào cuối tuần này, IOC sẽ có buổi họp đầu tiên để đưa ra quyết định có đưa game vào thi đấu trong khuôn khổ
sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh hay không. Cuộc họp này sẽ được tổ chức tại buổi tọa đàm ”
eSports Forum” ở Lausanne, Thụy Sỹ bởi IOC và GAISF (Hiệp hội Liên đoàn Thể thao Quốc tế). Mục tiêu của sự kiện này là tạo ra một cuộc đối thoại từ đó tạo ra nền tảng kết hợp giữa thể thao điện tử, làng game và Olympic.
Trong cuộc tọa đàm này, một trong những câu hỏi quan trọng nhất sẽ được trả lời những người có liên quan như chủ tịch IOC Thomas Bach,
game thủ chuyên nghiệp bộ môn Overwatch Jacob Lyon… Đó chính là
“liệu gaming có nên được công nhận như một bộ môn thể thao thực sự hay không?”

Dĩ nhiên chặng đường để eSports có chỗ đứng ở Thế vận hội vẫn còn rất xa. Sau eSports Forum, chủ đề thể thao điện tử sẽ tiếp tục được đem ra bàn thảo tại các sự kiện Action Forum tổ chức tại Buenos Aires tháng 10, GAISF IF Forum đầu tháng 11 tại Thụy Sỹ, sự kiện ANOC General Assembly lần thứ 23 cuối tháng 11 tại Nhật Bản. Cuối cùng là vào tháng 12/2018, IOC sẽ chính thức bình bầu xem có nên đưa eSports vào bộ môn thi đấu tại Olympic hay không ở Hội nghị Thượng Đỉnh Olympic.

Đường rất chông gai nhưng nhiều người vẫn vô cùng hy vọng. Sau Olympic Tokyo 2020, danh sách các bộ môn thi đấu tại Olympic Paris 2024 sẽ được công bố chính thức.
Vào năm ngoái, chủ tịch IOC đã tuyên bố, những tựa game có tính bạo lực máu me sẽ không được đem ra tranh tài tại Olympic nếu thể thao điện tử được đưa vào Thế vận hội. Ngài chủ tịch cho biết: “Chúng tôi muốn cổ vũ những hành động chống lại kỳ thị đối xử, bạo lực, và đem thông điệp hòa bình tới cho mọi người”. Như vậy nghĩa là những bộ môn như Counter-Strike, Call of Duty, DOTA 2 hay League of Legends sẽ khó có cơ hội góp mặt tại Olympic.

Điều này cũng có nghĩa, những trò chơi như FIFA hay NBA mô phỏng thể thao ngoài đời thực sẽ có nhiều cơ hội hơn. Dù cộng đồng hâm mộ những game này không đông đảo bằng những game nêu trên, nhưng việc game xuất hiện tại Olympic như một bộ môn thể thao thành tích cao tranh huy chương vẫn sẽ là bước ngoặt lớn đối với làng game toàn thế giới.
Trong những năm vừa qua eSports đã có bước phát triển thần kỳ, những giải đấu với giải thưởng lên tới cả triệu USD đã chẳng còn hiếm, qua mặt nhiều bộ môn thể thao thông thường.