Đối thủ lớn nhất thời điểm đó của iPhone 5S là Samsung Galaxy S4. Chiếc điện thoại này được cài sẵn Android 4.2, và sau đó được cập nhật lên Android 5.0 Lollipop. Android 6.0 Marshmallow được tung ra vào năm 2016 nhưng không bao giờ chính thức xuất hiện trên Galaxy S4, và khả năng chiếc điện thoại này được Samsung nâng cấp lên Android P là một con số không tròn trĩnh.
Điều đó hoàn toàn không tốt chút nào, và nó cho thấy sự khác biệt trong cách mà Apple và các hãng sản xuất Android xử lý các bản cập nhật phần mềm quan trọng.
Tại WWDC 2018, Apple công bố rằng hệ điều hành iOS 12 sẽ hỗ trợ mọi thiết bị được tung ra từ năm 2013 trở lại, và đó là một minh chứng tích cực rằng nếu bạn muốn điện thoại của mình nhận được những bản cập nhật phần mềm liên tục và kịp thời, bạn nên mua một chiếc iPhone. Và điều tệ hại nhất mà bạn làm trong trường hợp này, không gì khác ngoài việc mua một chiếc điện thoại Android.
Không phải là điều lạ
Thái độ của Apple trong việc hỗ trợ các bản cập nhật phần mềm cần được tán thưởng. Trên sân khấu WWDC 2018, CEO Tim Cook cho biết đối với Apple, khách hàng là trung tâm của mọi thứ. Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng nếu xét về việc cập nhật phần mềm, khó có thể phủ nhận điều đó. Số người vẫn sở hữu và sử dụng iPhone 5S chắc chắn thấp hơn nhiều so với iPhone 8, iPhone 7, hay thậm chí iPhone 6 – nhưng Apple không hề làm ngơ họ, dù nếu hãng có làm ngơ cũng chẳng ai đổ lỗi được.
Apple đã quá tốt bụng với đối thủ khi làm tròn con số này lên thành 6% trong bài thuyết trình của mình. Vì sao lại tốt bụng? Vì con số kia quá ít ỏi, chẳng thể so được với con số 81% số thiết bị iOS đã được cập nhật lên iOS 11. Việc đi sâu vào phân tích làm thế nào và tại sao là một điều vô nghĩa, bởi sự khác biệt quá lớn này là không thể chấp nhận được mặc cho bất kỳ lý do biện hộ nào mà một hãng sản xuất có thể đưa ra.
Tại sao bạn nên quan tâm?
Các bản cập nhật phần mềm mới là tối quan trọng nhằm kéo dài tuổi đời của một chiếc điện thoại. Nếu bạn vẫn dùng chiếc Galaxy S4 từ năm 2013 đến nay, khả năng cao nó sẽ là miếng mồi ngon cho hàng tá lỗ hổng bảo mật – vốn đã được vá trong các bản Android sau này. Nó có lẽ còn không chạy được phiên bản mới nhất của các ứng dụng trên Play Store, cũng như hoàn toàn thiếu vắng bất kỳ tính năng mới và những thay đổi về thiết kế giao diện xuất hiện trên bản Android của Google Pixel 2 chẳng hạn.
Nếu bạn có một chiếc iPhone 5S, nó sẽ được bảo vệ khỏi các lỗ hổng bảo mật chẳng khác gì iPhone X. Ngoài những giới hạn phần cứng, nó sẽ có mọi tính năng iOS và chạy được hầu như mọi ứng dụng được phép tải về từ App Store. Nếu chiếc điện thoại này đáp ứng được yêu cầu về phần cứng, các tính năng mới ra mắt sẽ được cung cấp cho bạn. Cả 5S lẫn S4 đều không thể mang lại trải nghiệm điện thoại tốt nhất bạn có thể có trong năm 2018; nhưng chỉ có một chiếc điện thoại mang lại cho bạn giao diện và trải nghiệm phần mềm tương đương với một chiếc điện thoại ra mắt trong năm nay, và đó là một điều đáng để xem xét.
Có nhiều người sẽ biện hộ thay cho các hãng sản xuất Android, rằng việc tạo ra các bản cập nhật cho các điện thoại cũ là rất tốn thời gian, đắt đỏ và khó khăn. Nhưng đối với chúng ta, những người bỏ ra hàng trăm USD cho một chiếc điện thoại, đó có phải là việc chúng ta nên quan tâm hay không? Chúng ta đã bỏ tiền ra, và chúng ta nên bỏ nó vào tay những người tiếp tục đề cao khách hàng của họ, có thể là Apple, có thể là Google.
Dự án Treble thì sao?
Ở đây chúng ta không tấn công Google – bởi họ nhận thức rõ ngoài dòng sản phẩm Pixel của mình, việc cập nhật phần mềm Android là một đống hổ lốn. Dự án Treble – một phần của Android 8.0 – là cách mà hãng kỳ vọng sẽ giúp các hãng sản xuất dễ dàng hơn trong cung cấp các bản cập nhật Android lớn. Nó rất phức tạp và hoạt động sâu bên trong hệ điều hành, do đó bạn không thực sự cần phải hiểu nó hoạt động như thế nào. Điều bạn cần biết là Google đang cố gắng hết mình để giúp các hãng sản xuất cập nhật Android cho các thiết bị của họ, bằng cách biến việc này trở nên dễ dàng hơn trước đây.
Dự án Treble cũng chỉ là một phần của Android Oreo, vốn được cài đặt trên 6% số điện thoại Android. Nó cũng sẽ không phải là một phần của bất kỳ bản cập nhật Oreo nào. Có nghĩa là chỉ có các điện thoại hiện tại và tương lai được tung ra với bản Android mới nhất được cài sẵn mới được hưởng lợi, và nó cũng cần ít nhất một năm mới thực sự có tác động rõ rệt. Trong khi đó, iOS 12 sẽ chính thức xuất hiện vào tháng 9, và sẽ ngay lập tức tương thích với chiếc iPhone 5S đã 5 năm tuổi.
Tìm hiểu dự án Project Treble và tương lai của những bản cập nhật Android
Điều không thể chấp nhận được
Chúng ta muốn các tính năng mới, tăng cường bảo mật, và những thứ quan trọng liên quan đến công việc kinh doanh mà các bản cập nhật phần mềm thông thường mang lại. Quan trọng nhất, cho dù bạn không quan tâm đến bất kỳ tính năng mới nào, thì các thay đổi trong bảo mật và độ ổn định cũng khiến điện thoại của chúng ta hoạt động tốt hơn, lâu hơn. Đúng là nhiều vấn đề từng xảy ra trong quá khứ – Apple từng gây ra những lỗi lầm tệ hại với các bản cập nhật phần mềm đối với số ít người dùng trong quá khứ – nhưng không phải lúc nào chuyện cũng xảy ra, và chúng ta đều biết không nên tải ngay một bản cập nhật trước khi kiểm chứng rõ ràng nó hoạt động thực tế như thế nào.
Chúng ta không nên phấn khích khi thấy một bản cập nhật Android được tung ra cho điện thoại của mình. Chẳng có gì phải ngạc nhiên, bởi nó là chuyện bình thường, một động thái được chấp nhận. Cách duy nhất để có được trải nghiệm này là mua Google Pixel 2 hoặc các điện thoại Pixel trong tương lai, các điện thoại Android One, hay đơn giản nhất: một chiếc iPhone. iOS 12 và khả năng tương thích của nó là một minh chứng rất rõ ràng cho thấy Apple xem trọng khách hàng như thế nào.
Minh.T.T
Theo Digital Trends