Về mặt kỹ thuật, với công nghệ này, iPhone có thể được sạc bằng cách đặt lên trên iPad hoặc MacBook, và hai thiết bị này sẽ đóng vai trò là một chiếc đế sạc không dây.
Một hình ảnh trong bằng sáng chế (ảnh đầu bài) cho thấy MacBook có thể sẽ được trang bị nhiều điểm sạc trên bề mặt máy, cho phép sạc nhiều thiết bị cùng lúc. Điều này có nghĩa là MacBook có thể dễ dàng biến hình thành một chiếc AirPower, dù rằng đặt quá nhiều thiết bị lên chiếc laptop này đồng nghĩa với việc bạn sẽ chẳng thể làm gì với nó nữa.
“Một thiết bị điện tử và các phương thức dùng để sạc cảm ứng một thiết bị điện tử sử dụng một thiết bị điện tử khác. Thiết bị điện tử có thể bao gồm một vỏ bọc, một viên pin nằm bên trong vỏ bọc đó, và một cuộn dây cảm ứng đính vào viên pin” – phần tóm tắt của bằng sáng chế nói với ngôn từ hết sức khó hiểu.
“Cuộn dây cảm ứng có thể có 2 chế độ hoạt động, bao gồm chế độ nhận năng lượng để nhận năng lượng không dây và chế độ truyền năng lượng để truyền năng lượng không dây. Thiết bị điện tử có thể còn có một trình điều khiển gắn với cuộn dây cảm ứng để lựa chọn một trong các chế độ hoạt động”.
Apple tham gia thị trường sạc không dây khá muộn, khi mà đến tận năm 2017 hãng mới giới thiệu iPhone X và iPhone 8 với khả năng này, trong khi các đối thủ Android đã đi trước nhiều năm. Tuy nhiên, công ty này được cho là đang tìm kiếm nhiều phương thức để cải thiện công nghệ sạc không dây, bao gồm một hệ thống có thể hoạt động xuyên suốt trong một căn phòng, cho phép thực thi quá trình sạc mà không cần bất kỳ sợi cáp nào.
Nhưng xét việc mọi thứ vẫn còn nằm trên bằng sáng chế, vẫn còn rất lâu nữa chúng ta mới được thấy các sản phẩm được sản xuất đại trà xuất hiện trên thị trường. Nhưng tt nhất chúng ta cũng biết được kế hoạch cải tiến về mặt dài hạn của Apple.
Minh.T.T