Nói vậy, nhưng iPhone X chỉ có thể coi là một thất bại nếu bạn so sánh nó với chính bản thân Apple. Gã khổng lồ xứ Cupertino đã bán được 52,2 triệu iPhone trong quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm trước con số này chỉ là 50,7 triệu. Trong một thị trường smartphone đang ngày càng bị thu nhỏ dần, đặc biệt ở phân khúc cao cấp, mức tăng doanh số 3% cũng là cả một kỳ tích.
iPhone X được coi là một trong những sự thay đổi lớn nhất của dòng iPhone từ trước đến nay. Apple đã thành công với thiết kế mới này, chỉ là nó không thực sự được giống như kỳ vọng của tất cả mọi người. CEO Tim Cook gọi thành công của iPhone X giống như “thắng trận Super Bowl” (trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ NFL), thừa nhận rằng nếu như họ “ghi được nhiều điểm hơn” thì chiến thắng ấy sẽ ấn tượng hơn nhiều.
“Tôi nghĩ nó cũng giống như khi một đội bóng thắng trận Super Bowl, có thể bạn sẽ muốn đội bóng đó ghi được thêm một vài điểm nữa, nhưng chiến thắng thì vẫn là chiến thắng và đó là quan điểm của chúng tôi”, ông nói.
Nói cách khác, Apple khẳng định họ hài lòng với những gì mà iPhone X đã đạt được.
So sánh với bất kỳ nhà sản xuất điện thoại Android nào khác, kết quả duy nhất mà bạn sẽ nhận được là Apple “nghiền nát” họ về mọi mặt, từ doanh số, giá bán trung bình, lợi nhuận và hơn thế nữa. Hệ sinh thái của Apple có rất nhiều những phần mở rộng (add-on) nho nhỏ mà công ty đang vắt kiệt hơn bao giờ hết để tăng trưởng. Doanh số App Store, các sản phẩm như AirPods và cổng chuyển, các dịch vụ như iCloud, AppleCare, Apple Music,… tất cả đều tăng trưởng.
Một thiết kế mà Apple đang lên kế hoạch thay đổi
Những chiếc điện thoại sao chép có một ý nghĩa nhất định với những OEM ít tên tuổi, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi “Shanzhai” (hệ sinh thái cộng tác bao gồm các nhà sản xuất sẵn lòng làm bất cứ sản phẩm nào để bán) là con đường sống duy nhất. Để có thể là công ty đầu tiên sản xuất được một chiếc điện thoại với thiết kế giống iPhone X cũng là một “nghệ thuật” tại Trung Quốc, dù nghe nó lố bịch như thế nào.
Và những chiếc điện thoại sao chép iPhone X một cách “nghiêm túc” chỉ mới bắt đầu lên kệ.
Mới đây, trang Android Authority vừa hoàn thành bài đánh giá chiếc Vivo V9, chiếc điện thoại sao chép iPhone X theo cách “không biết xấu hổ” từ mặt trước ra mặt sau, và thậm chí hãng còn cung cấp tính năng điều hướng bằng cử chỉ cũng gần như giống hệt với flagship của Apple.
Một số nhà sản xuất đáng chú ý khác cũng chạy theo trào lưu, nhưng họ dường như lại không quá tự tin vào lựa chọn của mình và cho phép người dùng “ẩn” phần dải đen ấy đi bằng phần mềm. P20 và P20 Pro của Huawei đã chọn con đường này, và sắp tới là LG G7 ThinQ (nhưng flagship của LG sử dụng màn hình LCD nên sẽ không thể ẩn phần “tai thỏ” tốt như màn hình OLED). Với việc Android P sẽ hỗ trợ kiểu màn hình này, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng Pixel 3 của Google sẽ sao chép iPhone X.
Nói cách khác, các OEM sẽ còn tiếp tục chạy theo trào lưu này, dù người dùng có muốn hay không.
Tuy nhiên, Apple rõ ràng không hề muốn giữ lại kiểu thiết kế “tai thỏ” ấy. Đó chỉ là giải pháp tạm thời của hãng với mục đích duy nhất là chứa cảm biến, loa và camera, cho đến khi một thiết kế không viền màn hình mới trở nên khả thi. Và khi điều đó xảy ra, chắc chắn các OEM Android sẽ chạy theo nó, nhất là khi Apple “tiên phong” đi trước. Hiện tại, chúng ta được bảo rằng “hãy học cách yêu tai thỏ” (lời của CEO OnePlus), nhưng nếu Apple [bằng cách nào đó] bỏ được thiết kế này vào cuối năm nay, bạn cũng có thể tin rằng sẽ không có chiếc điện thoại Android 2019 nào có “tai thỏ”.
Cơ hội bị bỏ lỡ
Khi thị trường smartphone đã trở nên bão hòa, việc một thiết bị có điểm nhấn của riêng mình mới là điều đáng quý. Sao chép Apple, hiển nhiên, không phải là cách để bạn tạo điểm nhấn, từ “tai thỏ” cho đến bỏ cổng tai nghe 3.5mm. Tất nhiên, Apple cũng vay mượn những ý tưởng tốt nhất từ các OEM Android (bước nhảy từ chiếc iPhone 5 nhỏ nhắn lên chiếc iPhone 6 lớn hơn là một ví dụ điển hình).
Những chiếc điện thoại nhái iPhone X mà chúng ta đang (và sẽ) chứng kiến đều thật đáng buồn, nhất là khi nó không thực sự có một mục đích nhất định. Apple sẽ thay đổi một lần nữa, và các OEM Android sẽ lại chạy theo một cách bị động, khiến mọi người phải tự hỏi vì sao lại đi sao chép “tai thỏ” ngay từ đầu.
Văn Hoàn
Theo Android Authority