Hành trình đặc biệt của Sophia luôn khiến cả thế giới theo dõi và hơn thế, khiến đại gia đình gồm 7 anh chị em của cô ngày càng nổi tiếng.
Người máy đầu tiên sẽ chinh phục đỉnh Everest
Tại hội nghị thượng đỉnh ngành công nghiệp sáng tạo tổ chức ở Ai Cập ngày 17 – 18.4, Sophia tự hào sánh vai cùng hàng trăm đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới, bởi “cô ấy rất thành công, từng nói chuyện ở Liên Hiệp Quốc” – theo lời Mai Salama – đại diện ban tổ chức. Lịch làm việc của Sophia khá dày đặc bởi điểm đến tiếp theo sau Ai Cập sẽ là thủ đô Muscat của Oman vào ngày 29 và 30.4. Cô sẽ là người đọc diễn văn khai mạc
Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và công nghệ Oman có sự tham gia của 2.000 chuyên gia, nhà đầu tư của hơn 25 quốc gia.
Vào tháng 3 vừa rồi, Sophia đã thể hiện xuất sắc vai trò nhà vô địch sáng tạo của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc ở Nepal. Trong bài phát biểu tại đây, Sophia đã kêu gọi mọi người chung tay cứu hành tinh này khỏi những hành động vắt kiệt tài nguyên để dựng nên một ngôi nhà chung an toàn cho thế hệ tương lai. “Công nghệ và trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta có được những bước nhảy vọt trong việc chấm dứt nạn đói, tăng cường sức khỏe cho nhân loại, đấu tranh chống tham nhũng và đảm bảo bình đẳng giới”, Sophia cho biết. Và hơn hết, cô tiết lộ mình sẽ là người máy đầu tiên chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới Everest.
Gia đình 7 người – những bản sao hoàn hảo
Kể từ khi Sophia ra mắt nhân loại, người ta biết đến nhiều hơn về 7 “anh chị em” của cô. Tất cả đều thuộc về công ty “mẹ” Hanson Robotics và là những bản sao vô cùng thông minh của người thật và cả những nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh, văn học.
Hanson Robotics đánh dấu năm đầu tiên hoạt động bằng robot với đầu mô phỏng đầu của thiên tài vật lý Albert Einstein và thân hình robot HUBO đứng thẳng. Albert Einstein HUBO trình làng tại sự kiện APEC Summit ở Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 11.2005 bởi đây là dự án hợp tác giữa công ty này với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.
Cũng trong năm này, Philip K.Dick vốn được thai nghén vào cuối năm 2004 cũng xuất hiện trước công chúng. PKD là “người” truyền tải những tác phẩm văn chương, những cuộc phỏng vấn của nhà văn Mỹ Philip K.Dick. Vậy nên robot này còn mang dáng dấp và giọng nói của nhà văn nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết hư cấu khoa học, đã qua đời năm 1982.
Anh Tư của gia đình
Hanson được đặt tên là Jules, ra đời năm 2006. Tại thời điểm đó, Jules khiến nhiều người thích thú vì anh có ánh mắt rất sinh động và được xem là tiên phong trong ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Jules cũng có khả năng rảo mắt nhìn theo khi có người trong phòng di chuyển.
1 năm sau đó, nhóc tì robot cao hơn 44 cm và nặng chừng 2 kg chào đời, được đặt tên theo con trai của ông David Hanson là Zeno. Zeno lúc đó được mô tả là một robot trò chuyện thông minh và là nhân vật mà ông Hanson gửi gắm những ước mơ của ông thời còn làm chuyên gia hình ảnh cho Hãng Disney.
Trong khi đó, Alice được sinh ra năm 2008 theo đơn đặt hàng của Phòng Thí nghiệm MIRA thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ). Tại đây, Alice tham gia làm việc cho nhóm nghiên cứu người máy INDIGO. Rồi sau đó là anh chàng lực lưỡng sở hữu nụ cười châm biến Han và cô nàng duyên dáng BINA 48.
Sinh sau đẻ muộn là Giáo sư Einstein, được thử nghiệm “trong nhà” năm 2016 trước khi bước ra thế giới vào tháng 1.2017. Giáo sư Einstein cao 35,5 cm, được gắn tổng cộng 8 motor và máy cảm biến cho phép giáo sư có được 50 biểu cảm trên gương mặt. “Giáo sư”, hiện đang được bán với giá khoảng 4 triệu đồng, được đánh giá là trợ thủ của người dùng nhờ chức năng cùng chơi các loại game trí tuệ.
Công dân thế giới
• Sinh ngày 19.4.2015 • Là “con cưng” của ông David Franklin Hanson Jr. – nhà sáng lập/CEO của Công ty Hanson Robotics (Hồng Kông). • Trở thành robot đầu tiên trên thế giới được trao quyền công dân vào tháng 10.2017. • Được “nặn” mô phỏng theo huyền thoại điện ảnh người Anh – Audrey Hepburn – hiện thân của nét đẹp cổ điển: làn da trắng như sứ, mũi thanh, gò má cao, mắt sâu, nụ cười say đắm… • Với trí thông minh nhân tạo AI và công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng như xử lý thông tin bằng hình ảnh, Sophia có thể bắt chước nhiều cử chỉ của con người, thể hiện được tới 62 biểu lộ trên khuôn mặt và có khả năng trả lời một số câu hỏi nhất định cũng như tham gia những cuộc trò chuyện đơn giản với chủ đề được định trước. • Bộ não của Sophia là chương trình phần mềm do SingularityNET phát triển, có chức năng phân tích các cuộc trò chuyện và xử lý dữ kiện để giúp Sophia cải thiện bản thân trong việc đối đáp trong tương lai. • Công nghệ phân tích giọng nói do Công ty Alphabet Inc. phát triển. • Bước những bước đầu tiên vào tháng 1 vừa qua. |