Trang chủ Tin Tức Khám phá quyết thành công của một startup công nghệ thông tin

Khám phá quyết thành công của một startup công nghệ thông tin

776

Khi chia sẻ với các bạn sinh viên, các startup tại chương trình Giao lưu Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 “Sức mạnh công nghệ Số Cơ hội để thành công” diễn ra chiều qua, 15/5, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Lê Yên Thanh cho hay, bí quyết để thành công đó là dù làm ở một công ty lớn hay làm một startup, khi đã có mục tiêu ở trong đầu, bạn phải có một sự chuẩn bị kỹ càng, một sự quyết tâm dành cho công việc.

Được đánh giá là một “chàng trai vàng” của ngành Công nghệ thông tin Việt, ở tuổi 24, Lê Yên Thanh hiện đang giữ vị trí Giám đốc công nghệ, đồng sáng lập Jobhop. Yên Thanh đã từng là trưởng nhóm thí sinh dự thi Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực CNTT ứng dụng trên thiết bị di động 2015 và giành giải Nhì.
Bản thân Yên Thanh thích làm những thứ mới, những thứ luôn có sự vận động, thay đổi. Yên Thanh từng đọc một quyển sách tiếng Anh có đầu đề khi dịch sang tiếng Việt là “Từ không đến một”. Nội dung cuốn sách nói về việc làm từ không đến một nó như thế nào? Một sản phẩm từ một đến n khác nhau thế nào? Điều gì khác nhau từ việc làm từ không đến một và từ một đến n? Với Yên Thanh, khi tham gia vào làm công ty khởi nghiệp, nó như việc làm từ Không đến Một vậy. Nó cần giải quyết một vấn đề mà chưa ai từng nghĩ tới và từng giải quyết đến.
Khi triển khai giải pháp Busmap Xe buýt thành phố, đã có nhiều sản phẩm tương tự, nhưng lại không như Busmap, không triển khai sản phẩm thực sự là công cụ hữu ích cho người sử dụng. Ý tưởng ban đầu khi tạo ra BusMap là để giúp cho mọi người đang đi xe buýt có một công cụ tốt hơn để tra cứu và dẫn đường, tuy nhiên khi phát triển sản phẩm và nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng nên nhóm cảm thấy cần phải phát triển sản phẩm hơn nữa.

Từ đó mục tiêu của BusMap mở rộng hơn, đó là một công cụ giúp cho những người chưa bao giờ đi xe buýt cũng có thể sử dụng để có thể đi xe buýt dễ dàng hơn, giúp cho việc ngày càng có nhiều người hơn sử dụng loại hình giao thông công cộng này, đó cũng là kỳ vọng của team lúc làm ra BusMap giúp ngày càng có nhiều người đi xe buýt hơn.
BusMap là ứng dụng hỗ trợ cho người đi xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm phiên bản cho di động dành cho người dùng sử dụng ứng dụng Android, iOS và phiên bản web (busmap.vn). BusMap hỗ trợ nhiều tính năng hữu ích cho người đi xe buýt như: Tra cứu tất cả các tuyến xe buýt trong thành phố với hiển thị trực quan và chi tiết, chỉ dẫn đi xe buýt thông minh chỉ bằng cách chọn điểm xuất phát và điểm bạn muốn đến, xem thời gian chờ xe buýt đến trạm dựa vào dữ liệu GPS của xe buýt, tự động cập nhật dữ liệu xe buýt mới nhất từ Trung tâm quản lí xe buýt của Tp.HCM…

Lê Yên Thanh đang “truyền lửa” tới các bạn sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Hiện tại sản phẩm đã có hơn 500.000 lượt tải và gần 1 triệu lượt người sử dụng để tra cứu xe buýt mỗi tháng. Đến với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, lý do chính của nhóm đó là làm sao giúp giới thiệu BusMap đến với cộng đồng nhiều hơn cũng như muốn nhận sự góp ý từ các vị giám khảo của Giải thưởng để có hướng phát triển cho BusMap tốt hơn trong tương lai.
Khi tham gia Giải thưởng, Yên Thanh vẫn còn là một sinh viên công nghệ. Bí quyết nào để có thể đi tới thành công theo chàng trai trẻ đó là không ngừng học hỏi và lắng nghe từ cộng đồng. BusMap là một sản phẩm dành cho cộng đồng nên điều quan trọng là phải phát triển BusMap dựa trên nhu cầu thực tế của người dùng để sản phẩm có thể thực sự hữu ích và giúp ích được cho mọi người. Mình đã nhiều lần xin góp ý từ các bạn hay đi xe buýt để có thể tìm hiểu điểm hạn chế của sản phẩm và rồi tìm cách khắc phục các điểm yếu. Bên cạnh đó việc xây dựng một team cũng hết sức quan trọng, mình đã cần sự giúp đỡ rất nhiều từ các thành viên trong team để có thể cùng nhau làm nên một sản phẩm có ý nghĩa như BusMap.
Để nghiên cứu và triển khai thành công một sản phẩm CNTT, theo Lê Yên Thanh, điều quan trọng là cần phải có người dùng. Đối với Startup thì có 3 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại: Không có người dùng, không có nguồn vốn để phát triển sản phẩm và không có nhân lực. Để phát triển 1 sản phẩm thành công đầu tiên cần phải nghiên cứu và định hướng sản phẩm một cách đúng đắn để sản phẩm tạo ra thực sự giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống, điều thứ 2 là về nguồn vốn thì cần phải có đủ khả năng tài chính hoặc nhà tài trợ để có thể phát triển được sản phẩm, điều thứ 3 và cũng rất quan trọng là phải tìm được một team thực sự tốt và phù hợp để phát triển sản phẩm.
Được biết, ở thời điểm này so với thời điểm đạt giải (tháng 11/2015), số lượng người dùng BusMap đã tăng lên gấp 10 lần. Ứng dụng cũng đã có thêm một số tính năng hữu ích hơn như: chỉ dẫn người đi xe buýt dựa vào các tuyến xe đang hoạt động, tự động nhắc nhở người dùng xuống trạm khi đang đi xe buýt, xem vị trí của từng xe buýt trên bản đồ theo thời gian thực…
Tin rằng với những nỗ lực và quyết tâm của Yên Thanh và nhóm, trong tương lai BusMap sẽ còn phát triển hơn nữa. Đúng như mong muốn định hướng của nhóm là có thể thiết kế một hệ thống quản lí hoàn chỉnh bên dưới cho BusMap để có thể triển khai BusMap đến nhiều địa phương khác nhau trên cả nước chứ không chỉ tại Tp. Hồ Chí Minh.
Hiền Mai
Đọc thêm
Loading…

VietBao.vn