“Anh/chị/cô/chú có Zalo không?”
Đó là câu nói quen thuộc của nhiều người Việt khi gặp gỡ khánh hàng, đối tác, bạn bè. Từ lâu, với người dùng Việt Nam, Zalo đã trở thành phương tiện kết nối tiện lợi và dễ sử dụng. Bên cạnh chức năng liên lạc, Zalo đã đi vào đời sống của người Việt như một công cụ hỗ trợ cuộc sống hàng ngày như nhận và thanh toán hóa đơn tiền điện/ nước, bán hàng, làm việc, du lịch, y tế, giáo dục, mua sắm… Gần đây, Zalo đang là công cụ hiệu quả được 20 tỉnh/thành sử dụng để triển khai chính quyền 4.0.
Tuần trước, anh Quân quyết định chuyển nhà. Lọ mọ trên các trang đăng bán và rao tin bất động sản, cuối cùng anh cũng tìm được một căn nhà phù hợp. Gọi theo số điện thoại trên mẩu tin rao vặt, tiếp chuyện anh là một người đàn ông khoảng 45 tuổi, tên Hiếu. Hai bên hẹn ngày xem nhà, nhưng lại không thống nhất được thời gian. Sau đó, họ chọn cách gửi hình chụp căn nhà qua Zalo để anh Quân xem trước.
Đến lúc ký hợp đồng thuê với chủ nhà, chủ nhà là chị Thúy lại tiếp tục đề nghị anh Quân gửi bản chụp hình CMND để bổ sung cho giấy tờ. Thủ tục “đặt cọc” thuê nhà gần như hoàn tất, ngay từ khi anh Quân đang đi công tác xa nhà.
Câu chuyện của anh Quân – chị Thúy – anh Hiếu khá thường gặp hiện nay. Người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một cô gái xinh đẹp bán quần áo online, một người môi giới bất động sản hay nhân viên ngân hàng… dùng Zalo để trao đổi từng đơn hàng, ảnh chụp hay những phản hồi qua lại.
Còn với những đơn vị kinh doanh bài bản hơn, họ hoàn toàn có thể lựa chọn Zalo Shop. Đây là nền tảng cho phép khách hàng tạo một cửa hàng online, với sự hỗ trợ các công cụ đa dạng từ trưng bày mẫu mã sản phẩm đến chốt đơn hàng, lưu kho và giao hàng…Thời gian này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều mẩu quảng cáo kiểu như Sunhouse, Asanzo giảm 50% hàng trên Zalo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt xuất bản tập sách mới trên Zalo.
Đều đặn 7h30 mỗi sáng, Thành Nhân, nhân viên marketing ở Quận 1, TP.HCM, có mặt tại công ty. Sau khi mở màn hình máy tính, kiểm tra email và anh bắt đầu mở Zalo trên PC để bắt đầu trao đổi với đồng nghiệp.
Ngoài những tin nhắn cá nhân, trong danh bạ Zalo của anh có khá nhiều “nhóm” với những cái tên như Dự án mùa hè sôi động, team Designer, phòng marketing…Đây đều là những nhóm làm việc trực tuyến, giúp ra quyết định, phản ứng nhanh và linh hoạt hơn, điều mà những cuộc họp buồn chán ở văn phòng khó có thể mang lại hiệu quả tương tự.
Không còn là một ứng dụng liên lạc đơn thuần, Zalo trên PC được phát triển để cung cấp nhiều công cụ tiện lợi và hiệu quả cho công việc. Chuyển file, trao đổi nhanh, tạo thông báo, bình chọn, hỗ trợ kéo thả, chụp màn hình… là những tiện ích rất đơn giản mà ai cũng cần để “teamwork” hàng ngày.
“Những tính năng như vậy tuy nhỏ nhưng rất hữu ích cho công việc, và thật sự không phải phần mềm nào cũng sở hữu những tính năng hỗ trợ người dùng chi tiết đến như vậy”, Nhân nói. Trước đây, công ty của anh dùng Slack và Facebook Messenger, nhưng sự phức tạp cũng như dễ gây phân tâm của ứng dụng mạng xã hội đã khiến các nhóm chuyển hẳn sang Zalo PC.
So với các OTT hoặc ứng dụng tương tự, Zalo có thêm danh sách file đã gửi gần đây. Người dùng cũng có thể gửi file trực tiếp từ Google Drive hoặc Dropbox bằng cách đăng nhập tài khoản ngay trên Zalo. Ứng dụng này cũng có tính năng treo thông báo hay đặt lịch hẹn trước, cho phép Nhân ghi nhớ các cuộc họp hoặc lịch hẹn quan trọng.
“Đó là một trải nghiệm khá xuyên suốt. Ở văn phòng là Zalo PC, rời máy tính tôi vẫn dùng Zalo để liên lạc, đọc tin tức và tra cứu”, Nhân nói.
“Con đang làm gì, ở bên đó có lạnh lắm hông. Mặc ấm vô nhé!”, người phụ nữ bán nước tên Trâm ở quận 10, TP.HCM vừa trò chuyện với chiếc smartphone trên tủ kính, tay đều đặn vắt cam bán cho khách.
“Từ ngày có cái điện thoại với cái màu xanh xanh này nè, tui với nó cứ gọi đi gọi về, đỡ nhớ, hổng có tốn tiền như gọi điện thoại, còn thấy mặt biết nó ốm hay mập, vui hay buồn nữa”, cô Trâm chỉ tay vào ứng dụng có chữ Zalo đặt ở giữa màn hình. Nhờ dùng “ké” Wi-Fi một tiệm tạp hoá gần đó, cô Trâm ngày nào cũng có thể gọi video call cho người con gái đang xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.
“Bữa nào nó bận dữ quá thì nó hổng gọi, còn đâu nó gọi cũng thường lắm! Mà biết sao cô xài mạng được không, cô xin mật khẩu chủ nhà trong này nè. Cô bán nước trước cửa nhà họ có xin phép đàng hoàng, họ nghe kể có con gái đi làm xa cũng thương, cho cô vô mạng để gọi qua đỡ nhớ con gái”.
“Xài 3G thì tốn tiền, hên sao ngồi trước nhà, tín hiệu mạng chập chờn vậy, mà cô nhìn thấy mặt con gái vẫn rõ lắm, không bị nhòe”, cô nói. Trước đây, cô Trâm từng nghe lời một vài người khách dùng thử các phần mềm nước ngoài “cho xịn”, nhưng gọi qua nhìn mặt con cô không rõ. “Thấy vậy nên thôi, cô thấy xài cái của Việt Nam mình làm vậy mà ngon hơn nhiều à, mạng yếu yếu vậy chứ mà nó vẫn chạy ngon lắm!”, cô Trâm kể.
Người trẻ vốn dĩ có nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng công nghệ, nhưng với những người lớn tuổi, họ cần một dịch vụ đơn giản, dễ dùng và ổn định. Zalo với giao diện thuần Việt, khả năng kết nối tốt, tương thích nhiều thiết bị đã và đang phục vụ rất tốt cho những nhóm người dùng như vậy.
Ngoài lãnh thổ Việt Nam, Zalo cũng là công cụ để người Việt kết nối với nhau trên khắp thế giới. Zalo đã mở kích hoạt tại 192 quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều người Việt sinh sống như Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, A rập, Angola…
Anh Phúc, nhân viên phòng CNTT ở một tổ chức hành chính tỉnh Thái Bình, đang bận rộn hơn với một dự án mới. Cơ quan của anh đang hợp tác để tạo ra hệ thống “chính quyền 4.0”, đưa những dữ liệu, tài liệu mà người dân cần tra cứu lên Zalo.
Thay vì “gõ cửa” cơ quan công quyền, chờ ở phòng tiếp dân hay mất thời gian truy cập vào hệ thống website hành chính vốn ít được cập nhật, người dân chỉ mất vài cú chạm trên ứng dụng OTT này là đã có thể tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, cập nhật tin tức mới nhất về tình hình kinh tế – xã hội, cải cách hành chính, chính sách mới trên địa bàn tỉnh.
Không riêng gì anh Phúc, những đồng nghiệp của anh ở Đồng Nai, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Đồng Tháp đã có những bước tiến khá sớm trong việc ứng dụng Zalo vào phát triển chính quyền 4.0.
Hiện nay, người dân Tỉnh Tiền Giang có thể truy cập vào Zalo chính thức của tỉnh Tiền Giang tại địa chỉ zalo.me/hcctiengiang hoặc tìm kiếm với từ khóa “Cổng Hành chính công tỉnh Tiền Giang”. Trong tương lai, khi Tiền Giang hoàn thành các dịch vụ khác của Đề án đô thị thông minh như du lịch thông minh, camera thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, bản đồ xe bus, tra cứu các điểm ngập mặn… Chúng sẽ tiếp tục tích hợp lên Zalo để phục vụ người dân.
Ngoài những thông tin về hành chính công, người dùng Zalo hiện có thể tra cứu giá điện, giá nước, thời tiết, tra cứu tình trạng hồ sơ, chuyến xe buýt, vệ sinh an toàn thực phẩm, tra cứu vắc xin, giao hàng Lazada… bằng cách nhấn “quan tâm” các Official Account và tương tác với những kênh này.
Bên cạnh đó, tại một số thành phố lớn, chỉ số tiêu dùng điện được Zalo vẽ thành dạng biểu đồ dễ theo dõi. Người dùng có thể tra cứu lịch cắt điện bất cứ lúc nào để có thể chủ động trong sinh hoạt. Họ cũng không phải chạy vạy khắp các điểm tiêm chủng để tìm văc-xin cho con….
Vất vả, nhiều việc hơn trước nhưng tạo ra điều gì đó để thay đổi cách chính quyền phục vụ, tương tác với người dân là một niềm vui mới của anh Phúc và đội ngũ CNTT. “Với các chính sách chặt chẽ trong quản lý, khi kết hợp Zalo ứng dụng vào công tác hành chính công giúp mọi việc được giải quyết nhanh gọn hơn. Chinh quyền dễ dàng truyền đạt thông tin, tiếp nhận phản hồi từ người dân hỗ trợ tốt trong công việc”, anh Phúc nói.
Vào Myanmar tháng 6/2016, Zalo bắt đầu phát hành phiên bản địa phương đầu tiên ở thị trường Myanmar và thu hút 2 triệu người dùng chỉ sau 4 tháng và liên tục tăng trưởng đến nay.
“Cước nghe gọi, nhắn tin ở đây còn khá cao so với mức sống của người dân. Không giống những nơi khác, 3G ở Myanmar phổ biến hơn Wi-Fi. Nhu cầu liên lạc của người dân là rất lớn, nên họ sử dụng những ứng dụng nhắn tin để tiết kiệm chi phí”, Yan Niang (24 tuổi, sống ở Yangon) – cựu nhân viên nhà mạng, hiện làm trong ngành quan hệ công chúng, từng chia sẻ với Zing.vn.
Ở nhà Yan Niang, mẹ của anh cho biết bà thường dùng ứng dụng nhắn tin để gọi chồng và các con về ăn cơm, hay nhắc nhở họ cẩn thận mỗi khi ra đường. “Là mẹ, là vợ, tôi rất quan tâm đến những điều như vậy”.
Theo thống kê của GSMA, bốn lý do hàng đầu để người dân nước này dùng điện thoại là gọi lại cuộc gọi nhỡ, nhắn tin, nghe nhạc và nhận cuộc gọi. Zalo với tính năng cốt lõi là nhắn tin miễn phí và tin nhắn thoại, có thể giải quyết được 2 nhu cầu cơ bản nhất của người dùng tại quốc gia này. Cùng với đó, những tính năng đã thành công ở Việt Nam cũng có thể được áp dụng và thay đổi cuộc sống của người dân xứ chùa tháp.
Zalo cán mốc 100 triệu người dùng Ứng dụng này cán mốc 100 triệu người dùng sau 5 năm, 5 tháng.
VietBao.vn