Trang chủ Tin Tức Khốn khổ vì cập nhật, chụp ảnh “chính chủ” thuê bao

Khốn khổ vì cập nhật, chụp ảnh “chính chủ” thuê bao

770
Hiểu rằng dù là thuê bao chính chủ, thông tin thuê bao chính xác, nhà mạng đã từng photo CMT, nhưng vẫn cần phải đến nhà mạng để “nộp” ảnh chân dung nên tôi xin nghỉ phép hẳn một buổi để đi giải quyết dứt điểm.
Trước khi đi, gọi đến tổng đài nhà mạng, phải chờ một lúc lâu mới có người tiếp máy. Cô tổng đài viên sau khi kiểm tra, thông báo là số thuê bao của tôi cần phải đi cập nhật thông tin, ảnh. Sau đó, kiểm tra trên website nhà mạng thì số điện thoại của tôi lại không có trong danh sách thuê bao cập nhật đến ngày 5/11. Hoang mang, chẳng hiểu thế nào?
Tốt nhất là đến tận nơi giao dịch. Để tránh phải chờ đợi, tôi phóng xe đến một điểm giao dịch ở ngoại vi Hà Đông, có trưng biển nhà mạng. Đang mừng vì không phải chờ đợi thì sau khi tôi đọc số thuê bao, cô nhân viên giao dịch đã dội cho gáo nước lạnh: trường hợp của tôi phải đến trung tâm giao dịch của nhà mạng, ở đây chỉ là đại lý. Đại lý không được phép cập nhật thông tin số SIM tam hoa, tứ quý, SIM đẹp!
Hoá ra, chỉ là chụp ảnh chân dung, cập nhật thông tin thuê bao chính xác – mặc dù là chính chủ, người thật, giấy tờ thật – nhưng phức tạp hơn tôi tưởng. Và tôi không phải là trường hợp duy nhất “bị hành” như thế.
Nhiều khách hàng đã tới bổ sung ảnh chân dung
Trong những ngày qua, các điểm giao dịch của nhà mạng gần như quá tải bởi luôn có hàng chục người xếp hàng chờ tới lượt chụp ảnh. Chỉ cần vài phút để nhân viên nhà mạng chụp ảnh thuê bao, chụp lại 2 mặt chứng minh nhân dân (CMND), kiểm tra, đối chiếu thông tin đã đăng ký trước đó, nhưng để tới lượt thì khách hàng sẽ phải mất tới hơn 1 giờ hoặc thậm chí cả buổi chờ đợi. Mặc dù các nhà mạng đã tăng cường thêm nhân viên, tăng thời gian làm việc (từ 7h sáng tới 21h) nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu quá lớn từ phía khách hàng.
Càng gần tới thời hạn chót (ngày 24/4/2018) thì số người tới các điểm giao dịch của nhà mạng ngày càng đông. Nhưng nửa năm trước, tình trạng quá tải gần như không xảy ra, tại sao vậy? Nghị định 49 đã được ban hành từ ngày 24/4/2017, tuy nhiên trong suốt thời gian đó, các nhà mạng hầu như không có động thái nào đối với các thuê bao cũ, mà đến nay khi thời hạn này sắp hết mới đua nhau nhắn tin và thông báo yêu cầu khách hàng bổ sung. Và với hàng chục triệu thuê bao của mỗi nhà mạng, liệu có đủ thời gian, nhân lực, vật lực cho các nhà mạng thực hiện hoàn tất thủ tục cho tất cả khách hàng đúng hạn? Đó là chưa kể thời gian gấp gáp, nhiều thuê bao không thể kịp bố trí thời gian đi nộp ảnh, hoặc số lượng thuê bao đến đăng ký quá đông phải xếp hàng rất mất thời gian?
Bên cạnh hình thức tới làm thủ tục tại điểm giao dịch, các nhà mạng gần đây đã cho phép khách hàng cập nhật ảnh chân dung và thông tin thông qua ứng dụng và website. Khách hàng Viettel nay có thể sử dụng ứng dụng My Viettel, trong khi đó người dùng VinaPhone có thể cập nhật thông tin qua ứng dụng My Vinaphone hoặc gửi mail tới cskh@vnpt.vn. Riêng với nhà mạng Mobifone, khách hàng cập nhật thông tin qua website bằng cách truy cập http://www.mobifone.vn/wps/portal/public/my-mobifone/giao-dich-dien-tu. Tại đây, khách hàng có thể đăng ký bổ sung, thay đổi các thông tin cần thiết (thuê bao chuyển trả sau sang trả trước, thuê bao chuyển trả sau sang trả trước, thay đổi chứng minh nhân dân/thẻ căn cước, thay đổi chủ quyền…).
Cách cập nhật này hiện đang được các nhà mạng khuyến khích khách hàng sử dụng. Song việc truy cập vào các website của nhà mạng để tra cứu thông tin thuê bao thường xuyên bị nghẽn, tốc độ tải chậm, không hiện Captcha, nhập Captcha liên tục bị lỗi…
Chưa kể, không phải chủ thuê bao nào cũng biết và thực hiện được bởi nhiều thuê bao, là những người cao tuổi, ở nông thôn không có máy tính, smartphone, không kết nối Internet. Thậm chí, có những người lớn tuổi không bao giờ sử dụng tính năng nhắn tin / đọc tin nhắn nên không biết được việc có tin nhắn nhà mạng gửi đến, nói chi đến việc cập nhật ảnh/ thông tin qua ứng dụng, website.
Lỗi xuất hiện trong quá trình tra cứu thông tin thuê bao từ website nhà mạng
Vẫn biết việc sao lưu và lưu trữ thông tin của hàng chục triệu thuê bao khiến các nhà mạng tiêu tốn chi phí không nhỏ để nâng cấp hệ thống, cùng với đó là tăng cường nguồn nhân lực cho công việc này. Tuy nhiên, thời gian một năm có lẽ là đủ để các cơ quan chức năng tính toán đến các phương án hiệu quả và hợp lý hơn, vừa giúp giảm chi phí, giảm tình trạng quá tải, đồng thời tạo sự thuận tiện và thoải mái nhất cho người dùng.
Trong cuộc họp mới đây với các nhà mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các đơn vị có thể áp dụng linh hoạt bằng cách lấy hình trên chứng minh nhân dân để lưu trữ. Đây là một giải pháp giúp hàng triệu thuê bao đỡ bị “ăn hành”, nhưng đáng tiếc do chưa có văn bản chỉ đạo chính thức nên các nhà mạng vẫn đang áp dụng theo quy định chụp hình khách hàng.
Tới nay tình trạng quá tải đăng ký thông tin thuê bao, chụp ảnh vẫn tiếp diễn, và người dùng vẫn là đối tượng phải chịu tác động nhất.
G.L