Trang chủ Tin Tức Không cần thị trường Mỹ, những nhãn hiệu smartphone Trung Quốc này...

Không cần thị trường Mỹ, những nhãn hiệu smartphone Trung Quốc này cực kỳ thành công tại châu Âu

696

Xiaomi và Huawei, cả hai từ lâu đã phát triển rất mạnh tại Trung Quốc, đang tăng trưởng đều đặn tại châu Âu dù doanh số thiết bị giảm xuống và chịu sự cạnh tranh từ các thương hiệu nổi tiếng hơn. Sức bán ra rất mạnh của họ xuất phát từ việc thị trường Mỹ ngày càng trở nên kém thân thiện với các công ty smartphone Trung Quốc, còn các nhà làm luật thì đang tìm cách đưa ra các quy định để giới hạn hoạt động của một số công ty công nghệ nhất định của Trung Quốc tại thị trường cường quốc số 1 thế giới này.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Canalys cho thấy trong Quý đầu tiên của năm 2018, doanh số smartphone tại châu Âu giảm 6,3% so với năm trước đó.
Dù vẫn là các thương hiệu bán tốt nhất tại châu Âu, doanh số của Samsung và Apple giảm lần lượt 15,4% và 5,4%. Nhưng Huawei, vốn đã bán điện thoại tại châu lục này từ nhiều năm và còn là một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông lớn tại đây, lại có doanh số tăng gần 40%. Trong khi đó, Xiaomi, vốn mới chỉ bắt đầu bán điện thoại tại châu Âu vào cuối năm 2016, cũng nhanh chóng chiếm vị trí thứ 4 trong số các hãng di động lớn nhất tại đây. Theo Mo Jia, một nhà phân tích của Canalys, quý này đánh dấu lần đầu tiên Xiaomi lọt vào top 5 của châu lục.
Sau khi xâm nhập thị trường Nga và Tây Ban Nha vào năm 2017, nay Xiaomi đang lên kế hoạch mở rộng kinh doanh xuyên suốt châu Âu, bao gồm cả Anh và Ireland, trong bối cảnh đang chuẩn bị mọi bước cần thiết để tiến đến IPO.
Sự thành công của Xiaomi và Huawei tại châu Âu đối lập hoàn toàn với vị thế của họ tại Mỹ.
Đối với Huawei, hãng gần như đã hết cơ hội kể từ năm 2012, khi mà Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra một bản báo cáo cảnh báo các nhà cung cấp viễn thông ngừng mua thiết bị mạng từ Huawei, nhấn mạnh về một nguy cơ tiềm tàng đến an ninh quốc gia vì mối quan hệ (bị cáo buộc) với chính phủ Trung Quốc. Huawei lập tức phản đối báo cáo này ngay khi nó vừa được đưa ra.
Về phía Xiaomi, dù các sản phẩm TV thông minh và một số phụ kiện của hãng đang được bán tại Mỹ, các điện thoại của công ty này vẫn chưa thể được bán ra. Trước đây, Xiaomi khó vào Mỹ bởi những vấn đề liên quan bản quyền. Nhưng hiện nay, khi công ty Trung Quốc này đã thiết lập các thỏa thuận chia sẻ bằng sáng chế với Microsoft, Qualcomm và Nokia, thì hãng đã có thể bán các thiết bị của mình tại các thị trường mới mà không phải lo ngại kiện tụng. Xiaomi tuyên bố hãng sẽ mang các thiết bị vào thị trường Mỹ vào cuối năm 2018, hoặc đầu 2019.
Đó có thể là một kế hoạch lạc quan, trong bối cảnh các công ty viễn thông đang cảm thấy sức nóng trước việc Mỹ ngày càng tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc lên ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu. Ví dụ, năm ngoái, đã có những dấu hiệu cho thấy Huawei cuối cùng cũng kí kết được thỏa thuận với một nhà mạng Mỹ, nhưng đến tháng 1 năm nay, chúng ta được biết AT&T cùng Verizon đều đồng loạt rút khỏi kế hoạch bán điện thoại của Huawei vì sức ép từ chính phủ Mỹ. Rốt cuộc, Huawei đã phải sa thải nhiều nhân viên người Mỹ vốn giữ các vị trí khá quan trọng trong chiến lược xâm nhập thị trường Mỹ của mình.
Không chỉ Huawei, chính phủ Mỹ còn nhắm đến ZTE, một công ty smartphone khác của Trung Quốc. ZTE đã âm thầm trở thành nhà bán thiết bị lớn thứ 4 tại Mỹ trong nhiều năm trở lại đây mặc dù cũng là một mục tiêu trong bản báo cáo của Ủy ban Tình báo năm 2012. Bộ Công thương hồi tháng 4 đã yêu cầu các nhà cung ứng Mỹ ngừng bán linh kiện cho ZTE vì công ty này đã không chấp hành các điều khoản thỏa thuận liên quan việc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Lệnh cấm này đã khiến ZTE phải ngừng các hoạt động quan trọng tại Mỹ.
Dù vậy, với việc Xiaomi đạt được doanh số ấn tượng tại châu Âu, Mỹ có lẽ sẽ phải chờ đợi thêm chút nữa.
Tham khảo: Quartz Tại sao 42 thương mại điện tử toàn cầu đang diễn ra ở Trung Quốc?