Trang chủ Tin Tức Không có bản quyền ASIAD: Người Việt ngậm ngùi dùng đồ ăn...

Không có bản quyền ASIAD: Người Việt ngậm ngùi dùng đồ ăn cắp

713
Trên trang Facebook cá nhân, bình luận viên Quang Huy viết: Đối tác bán bản quyền ASIAD rất rắn, họ sẵn sàng bỏ thị trường Việt Nam chứ quyết không nhân nhượng. Trên sân phóng viên muốn Livestream cũng chỉ có thể chờ lúc bảo vệ sơ hở, thậm chí Ban tổ chức có thể còn khởi kiện các đài truyền hình tự ý sử dụng hình ảnh quay bên lề. Nhưng trên lãnh thổ Việt Nam anh em bình luận viên Online vẫn mặc sức tung hoành phục vụ bà con mà không bị Report. Có gì đó mâu thuẫn ở đây mà sau 2 lượt trận vẫn chưa thể lý giải. Hay là đối tác Hàn Quốc thương người hâm mộ nước mình?…”
Nhà văn, nhà báo Văn Công Hùng trên trang cá nhân của ông cũng viết rằng: “Hôm qua, cả đất nước… ăn cắp. Chí ít cũng hàng triệu người. Nhà cháu cũng thế…”
Trên một kênh YouTube chính thức của một đài truyền hình Thái Lan, dù có chạy dòng chữ bằng tiếng Việt cảnh báo “nội dung này không xem được ở quốc gia bạn” tuy nhiên người dùng Việt Nam vẫn xem trực tiếp các nội dung mà đài này livestream lên YouTube trong những ngày gần đây. 
Trên các nhóm người dùng thiết bị Android cũng chia sẻ nhau hàng chục App OTT có thể thu tốt tín hiệu các trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam thi đấu.

Trong khi Việt Nam không có bản quyền ASIAD, thì các ứng dụng OTT, các nhà làm nội dung Internet đã tìm mọi cách để phát các nội dung này trên kênh của họ để thu hút người dùng các ứng dụng của họ. Và đương nhiên những nội dung này đều là nội dung “lậu”, thu trộm từ các kênh truyền hình nước ngoài.
Trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Nepal vào lúc 19h ngày 16/8/2018, số lượng người hâm mộ Việt Nam tìm kiếm để xem trực tiếp trên mạng tăng lên đột biến gấp đôi so với trận đấu với Olympic Pakistan hôm 14/8.

Xôi lạc là kênh được nhiều người xem vì có bình luận tiếng Việt.

Nhớ lại cách đây tầm 2 tháng, trong suốt kỳ World Cup 2018 diễn ra, xoilactv, xoactv và nhiều ứng dụng OTT khác đã bị các báo, đài xướng tên liên tục như một kẻ “tội đồ” vì hành vi vi phạm bản quyền các trận đấu World Cup trên trang này. Thì trong hai trận đấu của đội tuyển Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 gần đây, xoilactv được hàng triệu người dân ủng hộ vì nhờ có kênh xoilactv mà người hâm mộ đội tuyển nước nhà đã thỏa mãn nỗi thèm khát được xem trực tiếp các cầu thủ họ yêu mến trình diễn trên sân cỏ.
Trong trận đấu ngày hôm qua, có những lúc trên kênh xoilactv trên YouTube thu hút gần 2 triệu người theo dõi, chưa kể một số trang YouTube fake (chia sẻ tín hiệu từ kênh chính của xoilac) cũng đã đạt tới hàng trăm nghìn người theo dõi.
Rất nhiều quán café, khách sạn đã livestream tín hiệu từ xoilactv lên màn hình lớn để đông đảo người đến xem. Có thể nói, người xem ai cũng biết tín hiệu mà xoilactv có được là tín hiệu “lậu” từ các nước lân cận, nhưng người hâm mộ sẵn sàng bỏ qua cho việc làm này của xoilactv, vì họ đã thay thế các đài truyền hình chính thống trong nước đưa hình ảnh trận đấu của Olympic Việt Nam về với khán giả trong nước.
Sức hấp dẫn của xoilactv ở chỗ dù thu tín hiệu lậu nhưng đã tổ chức hai người bình luận khá sắc sảo. Theo ý kiến của nhiều người trên Facebook, cho dù chỉ là “bình luận viên vỉa hè” nhưng hai bạn trẻ đã bình luận hết sức nghiêm túc, với chất giọng chuẩn, lời lẽ hồn nhiên và cũng có kiến thức khá tốt về bóng đá.

Xoilac.tv đã thu hút gần 2 triệu lượt xem trên YouTube trong trận đấu tối qua của U23 Việt Nam.

Việc phải xem lậu hình ảnh các cầu thủ U23 Việt Nam cũng khiến nhiều người lên mạng chia sẻ tầm tư về sự buồn chán, thất vọng khi các đài truyền hình đã bỏ rơi 90 triệu dân Việt Nam khi không thể mang bản quyền ASIAD lên sóng truyền hình. Nhưng khá nhiều người lại tỏ ý kiến đồng cảm vì không nên chi tiêu tới hơn 4 triệu USD cho một giải đấu thể thao chỉ ở tầm cỡ khu vực.
Vì thế dẫu có chút tâm tư, thất vọng nhưng người Việt Nam, từ già đến trẻ, từ miền xuôi đến miền ngược, thậm chí là rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã hân hoan, chấp nhận việc xem truyền hình “lậu”, xem truyền hình “trộm” qua Internet. Vào trận đấu, nhiều người gọi điện hỏi nhau xin link, ai có link chất lượng thì chia sẻ ngay trên mạng xã hội. Đơn giản nhất, chỉ cần có smart tivi, một chiếc máy tính kết nối Internet, hay đơn giản là một chiếc điện thoại thông minh, người hâm mộ đã có thể dễ dàng tìm kiếm link các trận đấu thể thao ASIAD 2018 trên YouTube hoặc trên các App OTT.
Cùng với việc thu xem qua Internet, người có chuyên môn cao hơn, có thiết bị thu truyền hình vệ tinh, thì chỉ cần có 1 chảo thu vệ tinh, một đầu thu chạy mã biss, là có thể thu tín hiệu các trận đấu từ vệ tinh nước ngoài với chất lượng hình ảnh HD, bình luận bằng tiếng Anh. Tuy nhiên số lượng người thu được sóng ASIAD từ vệ tinh không nhiều vì đòi hỏi phải có đủ thiết bị thu vệ tinh và còn phải biết cách thu từ vệ tinh. Một số dân chơi thiết bị vệ tinh trong thời gian này còn có thể kiếm được tiền khi cho các quán café bóng đá thuê chảo thu, đầu thu.

Một người dùng Facebook khoe tín hiệu truyền hình HD thu qua vệ tinh.

My Lan

VietBao.vn